Dư âm sau phiên tòa xử năm công an đánh chết người

Trong và sau khi tòa tuyên án, thái độ của lực lượng công an tại tòa và các cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố là ngăn cản báo chí và giữ im lặng hoàn toàn.

 Người nhà nạn nhân Kiều

Khi ở tòa, nhiều công an đã đứng làm “hàng rào”, ngăn không cho các PV đến khu vực chụp ảnh các bị cáo trước vành móng ngựa. Ngay khi PV ghi hình gia đình bị hại gào khóc vì bất bình trước bản án cũng bị công an ngăn cản, xua đuổi. Trong khi đó, một cán bộ công an được “độc quyền” lên khu vực của HĐXX để quay phim các nhà báo đang tác nghiệp.

 Bà Tuyết bày tỏ sự bất bình trước báo chí, trong khi lực lượng công an vẫn đang cố ngăn cản các phóng viên tác nghiệp/ Ảnh: T.Lộc

Sau khi tòa tuyên án, các PV đến đăng ký làm việc với thẩm phán, chủ tọa Lý Thơ Hiền, và chánh án TAND TP Tuy Hòa thì bị lực lượng công an chặn ở cầu thang, không cho lên phòng làm việc.

Chiều 3-4, PV Pháp Luật TP.HCM nỗ lực nhiều lần liên lạc với viện trưởng Viện KSND TP Tuy Hòa, chánh án TAND tỉnh nhưng các cán bộ này đều không nghe máy. Trong khi đó, phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, đều nói vì có việc bận, không theo dõi phiên tòa nên không thể trả lời.

 Nguyễn Tấn Quang và Đỗ Như Huy  - hai bị cáo được hưởng án treo trong vụ án này

Ông Huỳnh Tấn Việt, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phú Yên, nói: “Vụ án đó theo phân cấp là của TP Tuy Hòa. Tinh thần là tỉnh chỉ đạo chung chứ không chỉ đạo cụ thể vụ này”.

Tấn Lộc

 

Xử trái với hướng dẫn của tòa Tối cao

Vụ án này không chỉ người trong ngành tố tụng quan tâm mà cả dư luận cũng phẫn nộ. 72 vết thương toàn thân cho thấy nạn nhân đã bị tra tấn rất dã man. Hình ảnh được công bố tại toà là chứng cứ hùng hồn, cho thấy rõ những đau đớn mà nạn nhân phải chịu. Tử tù trước khi chết còn được cho ăn, vậy mà nạn nhân Kiều thì không được ăn uống cả một ngày trời.

Theo Nghị quyết 01 năm 2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn về việc cho hưởng án treo), những vụ án mà dư luận phẫn nộ như vụ án này, tòa sẽ không xem xét cho bị cáo được hưởng án treo. Theo tôi, phán quyết cho các bị cáo được hưởng án treo của tòa là không đúng quy định, trái với hướng dẫn của TAND Tối cao.

Kiểm sát viên TRẦN MINH SƠNPhó Viện trưởng VKSND quận Gò Vấp, TP.HCM

Xác định không đúng khách thể

Quyết định của TAND TP Tuy Hoà không hợp tình, hợp lý. Vụ án này ngay từ đầu đã sai khi xác định không đúng khách thể bị xâm hại, dẫn đến khởi tố, truy tố sai tội danh. Theo tôi, bản án này có nhiều khả năng bị cấp phúc thẩm hủy để điều tra lại và thay đổi tội danh truy cứu.

Ths-LS TRỊNH MINH TÂNnguyên Trưởng phòng kiểm sát xét xử án hình sự VKSND TP.HCM

Phải đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh thì mới đúng pháp luật

VKS xác định tội danh đã sai, mức án tòa phán quyết càng sai. Tôi nhận thấy mức án này như chà đạp lên sinh mạng con người khi mà cao nhất chỉ 5 năm tù, thậm chí còn có án treo. Các bị cáo có chức năng nhiệm vụ là bảo vệ pháp luật, bảo vệ phẩm giá con người mà lại đi chà đạp lên những gì mình bảo vệ, đánh đập dã man người khác đến chết là trái đạo đức, trái pháp luật.

Thử đặt trường hợp một người có hành vi chống đối, hành hung CSGT khi bị thổi lại thì người đó đương nhiên bị xem xét tội chống người thi hành công vụ. Nếu có gây ra thương tích cho CSGT thì thương tích đến đâu xử lý đến đó. Điều này phù hợp quy định pháp luật. Mọi người đều phải được bình đẳng trước pháp luật. Trong khi công dân bị xử theo pháp luật, còn công an đánh chết người lại cho hưởng án treo thì công lý ở đâu?

Hành vi của năm công an này là cố ý. Trong những vụ xử lý người gây ra tai nạn giao thông, rõ ràng hành vi của người vi phạm là vô ý nhưng nếu gây chết người thường vẫn bị xử tù giam.

Nếu tòa Tuy Hòa trong bản án có kiến nghị cấp phúc thẩm xem xét lại về tội danh, về hình phạt thì mới đúng quy định pháp luật.

Luật sư TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂN, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm