Dự kiến chi bao nhiêu nghìn tỉ để cải cách lương?

Chiều 21-10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày “Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020”.

Chi thường xuyên giảm

Dự toán NSNN năm 2020, theo Bộ trưởng Dũng, dựa trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch tài chính năm năm quốc gia 2016-2020, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, với tinh thần phấn đấu tích cực, khả thi.

Dự toán NSNN năm 2020 của Chính phủ dự toán NSNN thu được trên 1,5 triệu tỉ đồng. Trong đó, đạt tỉ lệ huy động vào NSNN là 22,2%GDP, từ thuế, phí là 19,4% GDP.

Dự toán chi NSNN sẽ là trên 1,7 triệu tỉ đồng. Trong đó, chi đầu tư phát triển chiếm 26,9%, trả nợ lãi chiếm 6,8%, chi thường xuyên trên 1 triệu tỉ, chiếm 60,5% tổng chi NSNN. Chi thường xuyên dự kiến giảm qua các năm.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói dự toán NSNN chi trên 61,5 nghìn tỉ đồng để cải cách tiền lương và tinh giản biên chế.

Đặc biệt, với cải cách tiền lương và tinh giản biên chế, NSNN dự toán chi trên 61,5 nghìn tỉ đồng. Dự toán này bảo đảm nguồn để từ ngày 1-7-2020 điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng (tăng 7,38%), lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng tương ứng.

Tỉ lệ bội chi NSNN năm 2020 là 3,44%GDP và cuối năm 2020, dự kiến nợ công là 54,3% GDP.

Chi đầu tư phát triển tăng lên

Về kết quả thực hiện kế hoạch tài chính năm năm quốc gia, giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng: Tổng thu năm năm ước đạt kế hoạch 6,8 triệu tỉ đồng. Cơ cấu thu chuyển dịch tích cực và tỉ trọng thu nội địa tăng vào năm 2020 là 83,6%. Thu từ dầu thô năm 2020 dự toán còn 16.1%.

Chi đầu tư phát triển trong giai đoạn này cũng tăng dần, dự toán năm 2020 sẽ đạt 26,9%. Tổng chi đầu tư phát triển của NSNN ước thực hiện đạt 2,15 triệu tỉ đồng. Tỉ trọng dự toán chi thường xuyên giảm dần, đến năm 2020 dự kiến là 60,5%, vượt mục tiêu kế hoạch là dưới 64%.

Chi thường xuyên giảm sẽ bảo đảm nguồn thực hiện cải cách tiền lương tăng khoảng 7%/năm theo nghị quyết của Quốc hội và các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, chính sách an sinh xã hội cấp thiết khác...

Bố trí dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trên cơ sở quán triệt yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp, qua đó cơ cấu lại nguồn để ưu tiên bố trí thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội.

Các vấn đề về bội chi, nợ công cũng có chuyển biến tích cực. Đặc biệt về nợ công, nợ Chính phủ được cải thiện. Riêng chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia tăng từ mức 44,8% GDP năm 2016 lên 45,5% GDP năm 2020 (giới hạn là 50% GDP), chủ yếu do dư nợ tự vay tự trả nước ngoài của doanh nghiệp tăng.

Sau khi nêu một số khó khăn, tồn tại về thu, chi NSNN, về nợ công, bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng: “Việc xử lý tài chính một số doanh nghiệp nhà nước, cam kết bảo lãnh của Chính phủ đối với một số dự án quan trọng (Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Vinashin...) sẽ tác động không nhỏ đến ngân sách, nợ công”.

 

2019 ước thu vượt 46.000 tỉ đồng             

Theo Bộ trưởng Dũng, chín tháng đầu năm 2019, NSNN đạt 77,5% dự toán, mức cao nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây và tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2018. Ước tính cả năm thu vượt 3,3% (46 nghìn tỉ đồng) so dự toán; trong đó thu ngân sách trung ương ước vượt 8-11 nghìn tỉ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp vượt dự toán.

Tỉ lệ huy động vào NSNN đạt 23,7% GDP, từ thuế, phí đạt 20,2% GDP.

”Trong thời gian còn lại của năm, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành toàn diện và ở mức cao nhất các nhiệm vụ tài chính - NSNN, trong đó phấn đấu thu NSNN vượt khoảng 5% so với dự toán” - Bộ trưởng Dũng báo cáo.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy