Đưa hộ kinh doanh vào luật, chưa 'chín' thì phải cân nhắc kỹ

Sáng 16-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục nghe báo cáo và cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Bổ sung quy định về hộ kinh doanh

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, cho biết Luật Doanh nghiệp không còn phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, các quy định hiện hành còn một số khiếm khuyết, như hộ kinh doanh không rõ ràng về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự, chỉ được sử dụng dưới 10 lao động...

Theo đó, dự luật quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự (hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký). Bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh (như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện…).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), sau đó ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cho rằng một số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn vì dự luật chưa làm rõ các vấn đề về quyền của hộ kinh doanh trong khả năng tiếp cận vốn thuận lợi hơn, hệ thống kế toán đơn giản, thuận tiện.

Có ý kiến cho rằng về bản chất hộ kinh doanh không khác gì doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ. Đã đến lúc cần xem xét lại khái niệm để tạo điều kiện cho chủ thể này tiếp tục phát triển phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo đó, ông Vũ Hồng Thanh, cho biết Ủy ban Kinh tế nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn về khái niệm, loại hình, đối tượng được thành lập, nghĩa vụ đăng ký, chủ hộ và các thành viên, quyền và nghĩa vụ (thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, môi trường...) của hộ kinh doanh. Quy định về tạm ngừng, chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Quy định về quản trị, kế toán, theo hướng đơn giản, thuận lợi về thủ tục hành chính nhằm bảo đảm vừa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh vừa tạo sự công bằng, bình đẳng, minh bạch với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trên thế giới hiện nay chỉ có hai nước có quy định pháp lý về hộ kinh doanh (Việt Nam Trung Quốc), do vậy để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, bảo đảm quản lý việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, bảo hiểm... của hộ kinh doanh, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, bổ sung quy định chặt chẽ nghĩa vụ của hộ kinh doanh, rà soát phù hợp với quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.

“Đề nghị nghiên cứu, bổ sung luật hóa những quy định việc hộ kinh doanh tham gia các quan hệ dân sự tại Nghị định số 78/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã được thực hiện ổn định trong thực tiễn vào dự thảo Luật để bảo đảm tính ổn định, tính kế thừa của hệ thống pháp luật…”, Ủy ban Kinh tế nêu quan điểm.

Chưa “chín” thì không nên đưa vào

Góp ý hai báo cáo trên, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, đề nghị cân nhắc, đánh giá tác động kỹ về quy định trên, vì ảnh hưởng đến hàng triệu hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, hiện nay Chính phủ có Nghị định quy định về hoạt động của hộ kinh doanh. Một số chủ thể hoạt động theo Nghị định, mà được quy định rất rõ, đầy đủ, chi tiết và quá trình tổ chức thực hiện tốt, cần phải cân nhắc. “Pháp lý của một chủ thể ở nhiều tầng không nhất thiết phải đưa hẳn vào luật mới đảm bảo một cách đầy đủ tính pháp lý...”, bà Lê Thị Nga nêu quan điểm.

Ngoài ra, báo cáo thẩm tra nêu, trên thế giới chỉ có hai nước quy định pháp lý về hộ kinh doanh, bà Nga cho rằng cần phải làm rõ các nước còn lại họ quy định ở văn bản nào, nội dung ra sao, chứ không thể nói các nước còn lại họ không có quy định. “Nên tôi cho rằng vấn đề này phải xem xét kỹ, chưa yên tâm đưa vào”, bà Nga nói.

Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cũng đề nghị cân nhắc việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật. Ông đánh giá trong dự luật ngoài việc bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh thì chưa thấy quy định gì khuyến khích để hộ này phát triển hơn. “Đề nghị nên thận trọng, không sẽ gây tâm lý hoang mang cho các hộ kinh doanh”, ông đề nghị.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng tới khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, vấn đề này chưa có sự đánh giá tác động đầy đủ.

“Quan điểm là cái nào rõ, chín, đánh giá tác động được thì chúng ta bổ sung. Tôi đề nghị chỉ sửa những bất cập để tiếp tục phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển doanh nghiệp, chứ không nên đặt ra vấn đề chưa đánh giá tác động…”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy