Dùng ma túy phải khai báo: Khó khả thi

Ngày 13-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Đa số các đại biểu (ĐB) đều đồng tình sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy để hoàn thiện cơ chế, pháp luật để phòng, chống ma túy trong thời gian tới. Tuy vậy, còn có những băn khoăn nhất định đối với nhiều quy định trong dự thảo luật, nhiều quy định khó khả thi.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp thu, giải trình tại Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Ảnh: QH

Đề nghị bỏ quy định không khả thi

ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) nói dự thảo luật quy định về trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy là “phải tự khai báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy” của mình với cơ quan, tổ chức, nơi làm việc hoặc là công an cấp xã nơi cư trú.

Dự thảo luật cũng quy định gia đình, cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm thông báo với công an cấp xã nơi cư trú ngăn chặn người sử dụng trái phép chất ma túy, có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội.

“Thực tế thì người sử dụng trái phép chất ma túy thường cố ý che giấu hành vi này với gia đình, cộng đồng, trừ trường hợp họ bị nghiện nặng và dửng dưng, thờ ơ không bị tác động bởi dư luận xã hội nữa” - ĐB Linh nêu.

Theo bà, đối với gia đình, vì tâm lý mặc cảm và quan niệm “tốt khoe xấu che” nên rất hiếm khi họ chủ động khai báo về tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy của người thân. “Tuy tinh thần của hai điều luật này rất mới và tiến bộ hơn so với Luật Phòng, chống ma túy hiện hành. Tôi cho rằng tính khả thi chưa cao vì thiếu các quy định chế tài tương xứng” - ĐB Linh nêu.

ĐB Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) cũng cho là quy định trên khó khả thi. Theo quy định hiện hành, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền. “Khi tự khai báo thì họ có bị phạt không, nếu tự khai báo mà vẫn bị phạt thì quy định này khó khả thi” - ĐB nêu quan điểm. Nêu vấn đề tái nghiện vẫn còn cao, ĐB đoàn Bình Định cho rằng cần có biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong phòng, chống tái nghiện.

ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) thì dẫn quy định tại dự thảo luật yêu cầu khi người sử dụng trái phép chất ma túy chuyển đi khỏi nơi cư trú thì UBND cấp xã nơi chuyển đi có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi chuyển đến trong thời gian ba ngày làm việc.

“Điều này là không khả thi, gây khó khăn cho người thực hiện. Vì nếu người sử dụng trái phép chất ma túy tự ý di chuyển, không khai báo, không biết đi đâu thì UBND cấp xã cũng không biết báo cho ai. Do đó, cần xem xét kỹ lưỡng tính hợp lý của quy định trên” - ĐB Dung đề nghị.

ĐB Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) đề nghị bỏ quy định này vì không khả thi.

Chưa phân biệt được người nghiện

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu một vấn đề đã từng có ý kiến đa chiều: Người nghiện ma túy là bệnh nhân hay tội phạm?

Bà Thủy nói cần phân biệt rõ giữa người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy, do không chỉ sử dụng ma túy một vài lần là thành người nghiện và cũng không xác định được sử dụng ma túy bao nhiêu lần thì thành người nghiện. “Do đó, việc phân biệt chính xác hai diện đối tượng này để có biện pháp tương xứng về pháp luật là rất cần thiết và quan trọng. Đối tượng nào thì biện pháp đó” - bà nói.

ĐB Thủy cho hay: Trước năm 2009, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được xem là tội phạm nhưng khi coi người sử dụng trái phép chất ma túy là nạn nhân của tệ nạn ma túy thì đã gia tăng nhanh chóng người nghiện trong thời gian qua.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) lại nói quan niệm về người nghiện là bệnh nhân hay tội phạm thì phải tùy theo tính chất. “Trước hết, phải xác định nghiện ma túy là trạng thái bệnh lý nên họ là bệnh nhân. Nếu nghiện ma túy làm việc phạm pháp thì họ là tội phạm” - ông Trí nêu.

Giảm nguồn cung, cầu về ma túy

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khi tiếp thu, giải trình ý kiến các ĐB cũng cho rằng: Phòng ngừa tội phạm là chính chứ không phải chỉ là đấu tranh, không phải chỉ bắt giữ, làm sao phải ngăn chặn được, giảm được nguồn cung của ma túy, phải tính đến những yếu tố về phòng ngừa là quan trọng.

Tiếp đó là phải giảm nguồn cầu, tức là giảm người sử dụng trái phép chất ma túy.

Về băn khoăn của các ĐB về thái độ xã hội đối với người sử dụng trái phép ma túy cũng như người nghiện ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm nói sẽ nghiên cứu vì hiện nay “người nghiện ma túy rất đa dạng”.

“Trí thức có, cán bộ có, trong nhân dân rất nhiều, thanh niên có, thậm chí trẻ em cũng có. Mình đối xử, xử lý thế nào? Đây là những người rất đáng thương, cần phải có những biện pháp xã hội” - Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Về ý kiến cho rằng phần lớn những người nghiện ma túy có nhân thân xấu, nhiều bệnh… Bộ trưởng Tô Lâm nói: “Chúng tôi sẽ tiếp thu những phần đó và làm sao cho nó cân đối, hài hòa và thể hiện rất rõ trách nhiệm của chúng ta đối với những người có liên quan đến ma túy”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm