‘Đúng quy trình’ - vỏ bảo vệ ‘cả họ làm quan’

Bên hành lang kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về cái gọi là “đúng quy trình” này.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (ảnh) nói: “Quy trình là điều mà người ta dùng để che đậy ý đồ về việc bổ nhiệm một người họ đã nhắm sẵn từ trước. Tức là khi có ý định đưa ai lên thì sẽ bằng mọi cách gắn người đó với những tiêu chuẩn, các bước của quy trình, thủ tục, quy định nhằm hợp lý hóa việc bổ nhiệm”.

. Phóng viên: ĐBQH Dương Trung Quốc nói “đúng quy trình” như cái áo chống đạn, thưa ông?

+ ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: “Cái gì cũng đúng quy trình”, câu này tôi đã nói cách đây rất lâu rồi nhưng ý nghĩa rộng hơn, không chỉ trong công tác tổ chức cán bộ. Cho nên mới xảy ra việc đánh người gây thương tích rồi mà vẫn… đúng quy trình.

Vậy đúng quy trình có thể là cái vỏ để bọc những cái sai đã xảy ra.

. Vừa qua có những địa phương cả họ hàng của lãnh đạo địa phương đều nắm giữ những chức vụ trong các sở, ngành của tỉnh, rồi cấp huyện hoặc trong một cơ quan, đơn vị. Báo chí và dư luận gọi đây là hiện tượng “cả họ làm quan”. Theo ông, hiện tượng này gây ra những tác hại gì cho xã hội?

+ Nhiều tác hại lắm. Nếu cứ dùng quy trình để làm vỏ bọc, đưa người này người kia vào các vị trí trong cơ quan, tổ chức thì chắc chắn không có những người xứng đáng. Những người không xứng đáng với vị trí sẽ gây thiệt hại cho đất nước, cho xã hội. Cơ hội của những người thực sự xứng đáng sẽ bị lấy mất và những người thực sự có tài năng sẽ bị đẩy ra xa hệ thống công quyền.

Đương nhiên khi không có những người lãnh đạo đúng với yêu cầu của tổ chức, công việc, nhiệm vụ thì sự thiệt hại còn lớn lao hơn.

. Làm sao để chặn nạn “cả họ làm quan”?

+ Không dễ chút nào đâu! Bởi vì một lãnh đạo tỉnh, huyện thì có thẩm quyền cao nhất tại đó. Nếu không phải người công minh, chính trực thì đương nhiên sẽ đưa được những người mình chọn vào hệ thống. Làm gì có ai dám chống lại, vì chống lại sẽ thiệt thân!

Ví dụ có một người nhà của lãnh đạo tỉnh đang muốn vào một cơ quan nào đó, nếu lãnh đạo tỉnh hỏi ý kiến, liệu người được hỏi ý kiến có dám nói ngược lại ý muốn của lãnh đạo không? Khó, vì nếu nói ngược lại có thể sẽ bị “trả thù, trù dập”.

Xét cho đến cùng, người ta cứ căn cứ vào quy trình, thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn nhưng những biểu hiện ngầm thì chả ai phát hiện ra được vì nó không thể hiện ra trên bất kỳ văn bản nào.

. Chẳng lẽ chúng ta bó tay trước vấn đề này?

+ Sức chiến đấu của tổ chức chính quyền là vấn đề. Liệu có dám đấu tranh, có thẳng thắn với những vấn nạn đó không? Phải có những người dám nói thật, chống lại những chuyện đó.

. Nhưng không ít quy định của pháp luật đã quy định không cho người thân giữ những vị trí liên quan đến lãnh đạo?

+ Đúng là có những quy định đối với những vị trí nhất định nhưng ít quá. Nhiều trường hợp khác không được quy định. Chẳng hạn làm gì có quy định nào cấm chồng làm thủ trưởng thì vợ không được làm… thủ phó đâu? Cho nên các kẽ hở này phải được siết lại.

Bộ Nội vụ nên báo cáo cho Quốc hội chuyện “cả họ làm quan”

ĐB Dương Trung Quốc cho rằng cái lý lẽ “đúng quy trình” là “áo giáp chống đạn” cho chuyện “cả họ làm quan” .

Về trách nhiệm xảy ra những trường hợp này, ông Quốc nói: “Bộ Nội vụ phải có trách nhiệm. Tại sao chỉ có dư luận xã hội phản ánh chuyện này mà không phải là những báo cáo thường niên của Bộ Nội vụ?”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm