Dùng thông tư lạc hậu để cấm chụp ảnh

Ngày 26-2, ông Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa Bình Thuận, cho biết BV đã có văn bản trả lời thắc mắc của ông VMT khi bảo vệ BV ngăn cản không cho bạn ông chụp ảnh, quay phim trong khuôn viên BV.

Áp quy định hơn nửa thế kỷ

BV Đa khoa Bình Thuận. Ảnh: PN

Phía BV cho rằng họ căn cứ theo Thông tư 552/CA-VH ngày 19-5-1964, quy định: “Việc chụp ảnh, quay phim, vẽ trong phạm vi các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường và các công trình kiến thiết cơ bản có tính chất quan trọng trong toàn quốc, phải được phép của người thủ trưởng hoặc người phụ trách có thẩm quyền ở các nơi ấy”.

BV Bình Thuận nhìn nhận sở dĩ họ căn cứ thông tư từ hơn nửa thế kỷ trước là do họ chưa thấy có văn bản nào thay thế!

Trước đó, ông T. gửi đơn đến Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết ngày 4-1, một người bạn của ông dùng điện thoại quay lại cảnh người khám bệnh chen chúc nhau ở BV Đa khoa Bình Thuận thì một nhân viên bảo vệ đến ngăn cản. Bạn ông phản ứng vì khu vực phòng khám không có bảng cấm quay phim, chụp ảnh. Người bảo vệ khẳng định dù không đặt biển cấm nhưng trước khi chụp ảnh, quay phim, dù là nhà báo, nếu không xin phép cũng sẽ bị thu máy!

Bệnh viện không phải là nơi cấm

Xung quanh vấn đề này, luật sư Đỗ Minh Trúc (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) cho biết BV căn cứ Thông tư liên bộ số 552/1964 của Bộ Công an và Bộ Văn hóa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để ngăn cản không cho người dân quay phim, chụp ảnh trong BV là sai trầm trọng. Thông tư trên đã bị thay thế bởi các văn bản quy phạm pháp luật sau này như Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000, Nghị định 33/2002 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, Quyết định 160/2004 của Thủ tướng quy định xác định khu vực cấm, địa điểm cấm... Theo Quyết định 160/2004, các phòng, khoa trong khuôn viên BV không phải là khu vực cấm, địa điểm cấm.

Đặc biệt theo luật sư Trúc, ngày 21-7-2010, UBND tỉnh Bình Thuận cũng có Quyết định 31 quy định 108 địa điểm, khu vực trong tỉnh bị cấm chụp ảnh, quay phim. Trong đó, các phòng, khoa trong khuôn viên BV Đa khoa  Bình Thuận không nằm trong danh sách này.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một BV công tại TP.HCM đề xuất: “Một số địa điểm như trước cổng BV hay khoa khám bệnh nơi hằng ngày tiếp nhận bệnh nhân đăng ký khám, chữa bệnh, phát thuốc, giao dịch… là những nơi hoàn toàn công khai nên ai cũng có thể quay phim, chụp ảnh. BV chỉ nên quy định phải có sự đồng ý của lãnh đạo BV trước khi chụp ảnh, quay phim đối với khu vực phòng mổ, hậu phẫu. Bởi nơi này cần được đảm bảo vệ sinh tuyệt đối. Việc tự ý vào các khu vực này có thể sẽ mang theo vi khuẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân”.

Bệnh viện thừa nhận áp dụng văn bản chưa phù hợp

Chiều 26-2, sau khi chúng tôi cung cấp việc BV áp dụng thông tư từ hơn nửa thế kỷ trước là chưa đúng, phía BV Đa khoa Bình Thuận thừa nhận BV áp dụng văn bản chưa phù hợp, các bộ phận chức năng của BV chưa cập nhật kỹ. Tới đây BV sẽ cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật và trước mắt chỉ quy định tại khu vực phòng mổ nếu muốn quay phim, chụp ảnh phải được sự đồng ý của người có thẩm quyền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm