"Đừng vẽ đường lao qua khu dân cư, rồi vào bụi rậm"

Theo ông Hải, hiện Hà Nội đang đối mặt với sức ép lớn về hạ tầng giao thông đô thị. Để giải bài toán này, trong vòng năm năm tới Hà Nội sẽ triển khai 2.700 dự án với 19.000 hộ phải tái định cư. Điều này đặt ra thách thức lớn cho công tác giải phóng mặt bằng của Hà Nội.

“Năm năm trước, chúng ta tăng trưởng 9,23% nhưng đầu tư hạ tầng chỉ tăng 3,4%, đây là vấn đề hết sức nguy hiểm. Cũng chính bởi vậy mà hiện nay TP đang chịu sức ép rất lớn về hạ tầng” - ông Hải nhấn mạnh. Đồng thời ông Hải chỉ rõ rằng các dự án phải nghiên cứu kỹ càng để hạn chế giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng "ngồi trong phòng vẽ ra một tuyến đường lao toàn qua khu dân cư, rồi vào bụi rậm”... dẫn tới khó thực hiện.

Ông Hải dẫn chứng vụ tắc đường tại khu vực Cầu Tó (Thanh Trì) gần đây đã cho thấy những bất cập về đô thị, sức ép lên hạ tầng của thủ đô ngày càng lớn, gây bất ổn đến hoạt động kinh tế-xã hội, bức xúc cho người dân. “Các đồng chí xem tắc đường ở Cầu Tó, anh Chung (Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội) cũng bàn với tôi là tới đây TP sẽ đầu tư cấp bách cho khu vực này. Hai tiếng đồng hồ tắc đường nhưng nếu TP không làm quyết liệt hơn nữa thì nó sẽ thành tắc đường năm tiếng, thậm chí 10 tiếng” - ông Hải nói.

Ông hoàng trung hải

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải.

Cũng theo ông Hải, hiện tám tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội mới triển khai được ba tuyến và cả ba đều chậm. Trong đó, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến hết sang năm mới xong, tuyến Nhổn - Ga Hà Nội phải cuối năm 2020 mới xong… “Nếu chúng ta không vào cuộc khẩn trương thì không cách gì tháo gỡ được. Tháo gỡ vấn đề liên quan đến hạ tầng chính là hệ thống tàu điện ngầm, tám tuyến này chưa đủ cho TP trên 10 triệu dân này. Phải quy hoạch thêm những tuyến nối nữa” - ông Hải nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng việc TP thực hiện 51 dự án trọng điểm trong năm năm tới (nhiệm kỳ trước đề ra hơn 50 dự án, chỉ thực hiện được 18 dự án) cũng “không giải quyết được thách thức về hạ tầng mà còn phải làm hơn nữa”. Muốn như vậy ngoài việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho dự án, Hà Nội cần phải có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ dự án.

“Như anh Tứ (Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Hà Nội) nêu một dự án hạng A là 750-800 ngày làm thủ tục đầu tư nhưng trong Luật Thủ đô chúng ta được quyền đề xuất với Nhà nước cho những cơ chế đặc biệt để đáp ứng nhanh quá tải hết sức nghiêm trọng về hạ tầng. Do vậy, những cơ chế các đồng chí đề xuất ở đây thì chúng ta xây dựng cơ chế trình với Chính phủ, Quốc hội để chúng ta xin cơ chế đặc thù để làm” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Ông Hải cũng cho rằng ngay tại thời điểm này Hà Nội cũng cần phải có quy hoạch ngầm, nếu không việc triển khai các dự án hạ tầng sau này sẽ vướng hết vì nhà cao tầng. “Đi một số tuyến tàu điện ngầm là vướng nhà cao tầng rồi. Đô thị này còn phát triển nữa nên tám tuyến đường sắt đô thị sẽ không đủ. Chúng ta không chỉ tính tới hai tầng hầm mà phải ba tầng hầm, như những TP lớn như Moskva đến bây giờ người ta vẫn tiếp tục mở rộng. Do vậy, nếu chúng ta không nhìn xa ra thì thời gian tới Hà Nội không có lối đi” - ông Hải nói.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, TP cần phải đưa ra các giải pháp quyết liệt để hạn chế phương tiện cá nhân, nếu không sẽ không thể đáp ứng cho một đô thị lớn, đang trên đà tăng trưởng nhanh. “Cũng đã đến lúc chúng ta tính đến việc vận động người dân đồng thuận với chúng ta xe ngày chẵn, ngày lẻ; đỗ bên chẵn, bên lẻ; kiểm soát phương tiện cá nhân, không phải chỉ xe máy mà cả ô tô” - ông Hải nói thêm.

Hà Nội sẽ xử lý ô nhiễm 117 hồ từ nay đến cuối năm

Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã thông tin như vậy tại hội nghị giao ban trực tuyến của Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III diễn ra vào sáng nay (28-9). “Hà Nội hiện có 1.800 hồ ô nhiễm ở cả nội và ngoại thành. Trong quý IV-2016, TP sẽ làm quyết liệt 117 hồ tại các quận và một số huyện trọng điểm. Những hồ quá ô nhiễm sẽ cố gắng làm xong trong năm nay. Sau đó sẽ triển khai các xử lý hồ ô nhiễm tại các huyện ngoại thành” -  ông Chung cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm