Đương sự phải được ủy quyền khởi kiện?

Ngày 11-11, TAND Tối cao tiếp tục buổi góp ý dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật tố tụng dân sự. Các đại biểu nêu thêm một số bất cập và kiến nghị TAND Tối cao hướng dẫn rõ hơn.

Nhiều lúng túng trong án ly hôn

Ông Mai Văn Hồng (Phó Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế) đề nghị TAND Tối cao hướng dẫn án phí đối với vụ án ly hôn bị kháng cáo phần cấp dưỡng. Theo Thẩm phán Hồng, luật quy định đối với án ly hôn chỉ phải nộp hai loại án phí là án phí ly hôn và án phí chia tài sản. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp án ly hôn bị kháng cáo phần cấp dưỡng. Theo quy định, tòa phải xử nhưng án phí thì chưa biết xử lý thế nào?

Bà Nguyễn Thị Liên (Chánh Tòa Dân sự TAND tỉnh Tây Ninh) nêu ra trường hợp tòa án thấy sai mà chưa biết cách khắc phục. Cụ thể ở tỉnh bà có vụ ly hôn, hai người đã thỏa thuận được với nhau về tài sản và con cái nên tòa án ra quyết định công nhận. Một thời gian sau, một bên đương sự kháng cáo. Tuy nhiên, khi đưa vụ án ra xét xử, tòa mới hay vụ này đương sự không được quyền kháng cáo nữa. Lúc này tòa phải làm sao? Có được đình chỉ hay không và đình chỉ thì căn cứ vào quy định nào?

Cần hướng dẫn ủy quyền khởi kiện

Trước thực tế các tòa không chấp nhận việc đương sự ủy quyền cho người khác thay mặt mình khởi kiện, PGS-TS Nguyễn Thị Hoài Phương (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết các tòa đã hiểu chưa đúng vấn đề. Luật và Nghị quyết số 02/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không đề cập đến việc đương sự ủy quyền cho người khác đi kiện nhưng cũng không hề cấm. Vì không thấy quy định mà tòa không chấp nhận cho đương sự ủy quyền cho người khác đi kiện là sai.

Đương sự phải được ủy quyền khởi kiện? ảnh 1

Thẩm phán Nguyễn Đức Việt (TAND Tối cao) cho rằng cần phải có hướng dẫn cụ thể vấn đề này. Nếu tòa không chấp nhận sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự.

Ông Việt còn cho biết thêm, có một số quy định không đúng và rất khó hiểu. Chẳng hạn, Điều 25 BLTTDS sửa đổi, bổ sung quy định tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quốc tịch Việt Nam thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Ông Việt cho rằng tranh chấp về quốc tịch chỉ là giữa cá nhân và Nhà nước mà thôi... Vấn đề này cần phải được xem lại để tòa án không lúng túng khi áp dụng.

Nhiều băn khoăn về xác định thẩm quyền

Bà Huỳnh Ngọc Thanh Thủy (Phó Chánh án TAND quận 1, TP.HCM) chỉ ra một quy định chưa phù hợp về thẩm quyền giải quyết của tòa. Theo quy định, tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết khi xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, có nhiều vụ án không chỉ đơn thuần là tranh chấp về bất động sản đó mà có nhiều tranh chấp khác có liên quan như tranh chấp về thuê nhà, thừa kế… Ví dụ ông A. kiện ông B. tranh chấp việc xây dựng căn nhà ra tòa án nơi ông B. đang ở. Tòa nơi này cho rằng vụ việc liên quan đến bất động sản nên chuyển vụ án về nơi có bất động sản (bên ông A.). Tuy nhiên, tòa nơi này lại chuyển về cho tòa nơi ông B. ở vì bảo đây chỉ là tranh chấp về xây dựng nhà chứ không phải là tranh chấp về quyền sở hữu nhà. Do mỗi tòa hiểu một cách khác nhau dẫn đến việc án cứ bị chuyển qua, chuyển lại… Chuyện này cũng cần có một hướng dẫn thống nhất.

Bà Thủy cũng băn khoăn đối với hướng dẫn xác định thẩm quyền của tòa án khi phát hiện hoặc có yêu cầu hủy quyết định cá biệt trái pháp luật. Bà Thủy đề xuất khi nhận thấy vụ án thuộc thẩm quyền của tòa cấp tỉnh thì nên chuyển ngay chứ không cần bắt buộc tòa cấp huyện phải xem xét quyết định cá biệt đó đúng hay sai. Bởi để biết được một quyết định cá biệt đúng hay sai thì phải đưa ra xét xử, tuyên án. Quy định như vậy rõ ràng rất bất cập.

Hướng dẫn thêm về yêu cầu phản tố

Dự thảo nghị quyết mới của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nêu bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước khi tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Sau khi tòa có quyết định đưa vụ án ra xét xử mà bị đơn có yêu cầu phản tố thì tòa án sẽ không chấp nhận. Tuy nhiên, với trường hợp đến ngày xét xử nhưng phải hoãn phiên tòa và tòa ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, khi vụ án được tiếp tục đưa ra giải lại (bằng quyết định đưa vụ án ra xét xử) thì có tính đến yêu cầu phản tố của đương sự trước đó hay không. Cần phải có hướng dẫn thống nhất để tòa án áp dụng.

TS LẠI VĂN TRÌNH, Chánh án TAND quận 10, TP.HCM

Được kiện lại một số vụ hết thời hiệu

Theo quy định tại nghị quyết hướng dẫn mới thì những tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Như vậy, những vụ án trước đây bị tòa án trả đơn vì hết thời hiệu khởi kiện sẽ được khởi kiện trở lại kể từ ngày 1-1-2012 khi BLTTDS được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực pháp luật. Tôi hoàn toàn tán thành quy định này. Trên thực tế có một số lý do nào đó, đương sự chưa kịp khởi kiện thì lại hết thời hiệu. Tòa án không giải quyết thì rất thiệt thòi cho đương sự.

Bà NGUYỄN THỊ LIÊN, Chánh Tòa Dân sự TAND tỉnh Tây Ninh

TIẾN HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm