Dứt khoát cắt bỏ các loại phí “trời ơi”

Ngày 6-4, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ Tài chính. Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp (DN) tiếp tục lên tiếng về những loại phí, thủ tục “trời ơi” và nhận được các phản hồi tích cực từ bộ này.

Phí 150.000 nhưng thu 700.000 đồng

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho hay còn nhiều quy định về mức phí vô lý, không theo quy định của pháp luật. “Chẳng hạn khi các tàu đánh cá về cảng thì bị truy từng con cá ở tàu nào rồi cấp giấy chứng nhận. Theo quy định, mỗi giấy chỉ từ 40.000 đến 150.000 đồng nhưng thực tế là chúng tôi phải đóng 700.000 đồng. Mấy chục cái giấy sao mà chịu được!” - ông Nam nói và khẳng định: Việc này đã kiến nghị nhiều nhưng Bộ NN&PTNT chưa chịu giải quyết.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, nghe vậy bảo: “Khéo có chuyến ra khơi tiền giấy chứng nhận quá tiền cá. Lỗ!”. Còn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sau khi hỏi Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn về loại giấy phép đặc thù này thì bảo: “Phải bỏ đi chứ!”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đang giải trình với Tổ công tác của Thủ tướng tại buổi làm việc ngày 6-4. Ảnh: CHÂN LUẬN

Nhưng chưa hết, ông Nam còn nói Nghị định 134/2016 liên quan đến quy định về phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công không quá 3%. Nếu quá thì phải kê khai, nộp thuế… Theo ông Nam, đây là một trong những vướng mắc đối với các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản.

“Một con cá phi-lê thì đã bị hao hụt rồi. Các DN thủy sản đang phải chịu gánh nặng từ quy định 3% này và không bao giờ thực hiện được. Muốn an toàn thì chỉ có thể mua cá, để im như vậy. Bởi nếu chế biến thì có khi xương cá sau phi lê đã chiếm tới 30%-40% rồi. Và cái đó được coi là vật tư dư thừa…”.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói vấn đề này sẽ phải trình sửa nghị định để áp dụng cho từng ngành sản xuất.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam, cũng có những câu chuyện tương tự. Bà Xuân nói quy định về định mức đối với ngành giày dép là DN tự định mức và thông báo, nếu cơ quan quản lý kiểm tra thấy thừa sẽ phạt. Nhưng do biến động của thị trường, đơn hàng thì khó có thể chính xác được.

“Mặt khác, 90% sản phẩm da giày, túi xách là để xuất khẩu, vì vậy cho rằng các sản phẩm da giày thừa mà bị phạt thì vô lý, gây khó khăn cho DN. Mỗi DN bị phạt lên tới hàng chục tỉ thì quá lớn” - bà Xuân nói.

Ngoài ra, bà Xuân còn cho hay: Trong quá trình kiểm tra, cách hiểu văn bản pháp quy giữa cơ quan quản lý và DN là không thống nhất. “Nếu DN không đồng ý thì bị cho vào “luồng vàng” nên DN không tâm phục khẩu phục” - bà Xuân nói và đề nghị phải có một cuộc khảo sát liên ngành tài chính-công thương về vấn đề này.

Dứt khoát cắt bỏ các quy định không cần thiết

“Giải trình ý kiến các DN với Tổ công tác, ông Nguyễn Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, cho rằng: Bộ Tài chính đã ban hành nhiều công văn yêu cầu rà soát phí, lệ phí theo chỉ đạo của Thủ tướng. Trong thời gian ngắn bỏ sáu phí, bốn lệ phí, giảm thêm mấy loại phí.

“Riêng chỗ VASEP, sau khi nhận được kiến nghị là chúng tôi liên hệ ngay, rồi làm việc với Bộ NN&PTNT, phối hợp với VCCI, VASEP khảo sát ở một số địa phương. Sau cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hồi tháng 5-2017, đến tháng 8-2017 là chúng tôi hoàn thành thông tư về vấn đề này. Nhưng chỉ vướng mỗi Bộ NN&PTNT vì bộ xin lùi bởi còn vướng vấn đề tài chính ở mấy cơ quan thuộc bộ” - ông Thi nói và khẳng định Bộ Tài chính đồng ý với các kiến nghị của VASEP. Ông Thi còn cho biết nhiều vấn đề khác mà VASEP gửi văn bản là Bộ Tài chính khảo sát ngay. Nhưng lý do chưa giải quyết đều thuộc về các bộ khác, chẳng hạn như Bộ TN&MT…

Liên quan tới ý kiến bà Xuân, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho hay đúng là có vấn đề về thuế với 3% phế liệu, phế phẩm, nguyên vật liệu dư thừa mà cả ông Nam và bà Xuân đề cập. Tuy vậy, vì thực tế vấn đề này liên quan đến nhiều mặt hàng, nhiều ngành mà mỗi ngành lại có đặc thù riêng. Đồng thời cũng có DN gian lận, lách quy định này.

“Cách xử lý triệt để vấn đề này là nên theo từng ngành nghề, mặt hàng để đưa ra định mức khác nhau…” - ông Cường chưa dứt lời thì Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói: “Vấn đề này chúng ta sẽ báo cáo Thủ tướng”.

Cuối buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng còn đề cập cả đến tình trạng chi phí chính thức cũng đang làm cho DN giảm sức cạnh tranh. Bộ trưởng Bộ Tài chính nói cần phải có sự phối hợp liên ngành và Chính phủ cũng cần dứt khoát cắt bỏ những quy định không cần thiết.

Đồng tình với nhiều ý kiến của Tổ công tác và giải trình của các đơn vị thuộc quyền, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng: “Bộ Tài chính là người… giữ ống và vấn đề còn tùy thuộc ở các bộ khác, các ngành khác. Đôi khi Bộ Tài chính buộc phải nói quan điểm khác biệt dù biết là đụng chạm”.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng cũng giao tổ trưởng Tổ công tác truyền đạt bảy vấn đề Bộ Tài chính cần làm rõ thêm và có giải pháp triển khai thực hiện.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục cải cách, đổi mới tinh gọn bộ máy; thực hiện tốt việc sử dụng, quản lý tài sản công, bảo đảm đúng định mức, tiêu chuẩn, hướng dẫn các địa phương, cơ quan, nhất là trong mua sắm ô tô; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài sản công; giảm tiếp xúc giữa DN và cán bộ công vụ, chống thất thu với hộ kinh doanh cá thể; hạn chế tiêu cực trong hải quan; yêu cầu các DNNN thoái vốn, cổ phần hóa và lên sàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm