Gần 20 năm đòi đất cho Công viên Tao Đàn

Công viên Tao Đàn tọa lạc tại ngã tư Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Thị Minh Khai (giáp ranh quận 3 và quận 1). Từ năm 1988, lãnh đạo UBND TP lúc bấy giờ đã có thông báo nêu việc nhiều cơ quan, đơn vị đã sử dụng, cải tạo và xây dựng tùy tiện trong Công viên Tao Đàn. Thế nhưng cho đến giờ việc chiếm dụng vẫn tồn tại.

Mất tám năm để lập kế hoạch

Tháng 3-1993, UBND TP có chỉ thị, yêu cầu các đơn vị chủ quản kiểm tra, tháo dỡ tất cả công trình xây dựng trái phép trong và ngoài hành lang công viên. Giữa tháng 2-1995, UBND TP có thông báo quy hoạch cải tạo công viên này.

Căn cứ vào yêu cầu trên, một tháng sau UBND quận 1 ra thông báo đình chỉ cấp giấy phép và gia hạn giấy phép kinh doanh ở Công viên Tao Đàn trong phạm vi khu vực tiếp giáp các trục đường Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thị Minh Khai, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Du. Ngoài ra, chậm nhất đến cuối quý II-1995, các hộ kinh doanh ăn uống phải ngưng hoạt động.

Để có căn cứ thực hiện việc quản lý, sử dụng Công viên Tao Đàn, từ tháng 2-1995, UBND TP đã giao Kiến trúc sư trưởng TP (nay là Sở Quy hoạch Kiến trúc) phối hợp với các đơn vị liên quan lập và trình UBND TP duyệt quy hoạch điều chỉnh, di dời các cơ quan, đơn vị.

Gần 20 năm đòi đất cho Công viên Tao Đàn ảnh 1

Gần 20 năm sau khi có chỉ thị yêu cầu chấn chỉnh việc sử dụng sai công năng Công viên Tao Đàn thì tình hình… vẫn như cũ. Đồ họa: MINH PHONG

Tuy vậy, do mọi việc vẫn không có gì thay đổi nên gần giữa tháng 9-1998, Thường vụ Thành ủy lại thông báo: Những công trình không phải là kiến trúc cũ không phù hợp với công năng của công viên phải di dời. Thế nhưng tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất Công viên Tao Đàn sai công năng vẫn diễn ra như chưa hề có yêu cầu, chỉ đạo nào.

Mãi đến tháng 7-2001, Kiến trúc sư trưởng TP mới phê duyệt quy hoạch chi tiết Công viên Tao Đàn. Theo quyết định này, các hộ dân, nhà hàng, ki-ốt... được xóa bỏ và thay thế bằng mảng xanh nhằm mở rộng công viên.

Kế đó, giữa tháng 10-2003, Sở GTCC trình TP về phương án cải tạo, khôi phục công viên. Cuối tháng 4-2004, UBND TP mới chấp thuận đề nghị của Sở GTVT về việc thành lập ban chỉ đạo thực hiện việc di dời, chuyển đổi chức năng các công trình phục vụ dự án khôi phục Công viên Tao Đàn.

Rồi lại tiếp tục chờ quy hoạch!

Kế hoạch cải tạo, khôi phục Công viên Tao Đàn buộc di dời trên 20 hộ dân, dời toàn bộ nhà hàng, ki-ốt dọc đường Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Du, Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Thị Minh Khai… với tổng diện tích gần 23.500 m2. Ngoài ra, kế hoạch này còn có việc tháo dỡ tường rào ngăn cách, sát nhập trụ sở một số cơ quan với công viên hiện hữu để tăng thêm diện tích công viên.

Tuy nhiên, ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh TP, nhìn nhận chỉ riêng việc đòi lại một vụ cho thuê đất công viên trái quy định của người tiền nhiệm - chẳng hạn đòi đất của nhà hàng Trầu Cau đã quá gian nan. Hiện Khu quản lý Giao thông đô thị số 1 (gọi tắt là Khu 1) được giao làm chủ đầu tư dự án này thay cho Công ty Công viên Cây xanh TP. Tuy nhiên, dự án vẫn chỉ giậm chân tại chỗ.

Theo ông Ngô Bá An - Phó Giám đốc Khu 1, việc trước tiên là phải di dời các hộ dân đang sinh sống trong công viên. UBND quận 1 đang thống kê danh sách và lên kế hoạch di dời. “Vấn đề nan giải là TP chưa cấp đất để bố trí cho việc di dời các cơ quan như Sở Y tế, Liên đoàn Lao động TP.HCM…” - ông An nói. Ông An cũng cho rằng, dự án chỉnh trang Công viên Tao Đàn đang “đứng” vì phải chờ TP duyệt quy hoạch cây xanh, công viên. Ngoài ra, ông An cũng không dám khẳng định khi nào dự án mới có thể “chạy” được!

15 năm không di dời nổi nhà hàng Trầu Cau

Dù lãnh đạo TP đã lưu ý việc nhiều đơn vị tùy tiện sử dụng đất Công viên Tao Đàn, tháng 11-1992, Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh TP lúc đó vẫn cho ông Hồ Ngọc Thuần thuê khoảng 400 m2 (chưa kể hoa viên) đất trong khuôn viên công viên này để mở nhà hàng Trầu Cau.

Năm 1995, chủ tịch UBND TP cũng giao UBND quận 1 kiểm tra và ra quyết định tháo dỡ tất cả công trình xây dựng trái phép khác tại Công viên Tao Đàn. Tháng 9-1995, UBND quận 1 ra quyết định thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh của nhà hàng Trầu Cau.

Cuối năm 1995, chủ tịch UBND TP xác định Sở GTCC (nay là Sở GTVT) và Công ty Công viên Cây xanh TP không có chức năng và thẩm quyền cho thuê đất công viên làm bất cứ việc gì. “Việc cho thuê mặt bằng để làm nhà hàng Trầu Cau tại Công viên Tao Đàn là trái pháp luật”.

Gần 20 năm đòi đất cho Công viên Tao Đàn ảnh 2

Nhà hàng Trầu Cau bỏ hoang nhưng vẫn chiếm đất Công viên Tao Đàn trong nhiều năm qua. Ảnh: MINH PHONG

Thế nhưng chủ nhà hàng Trầu Cau đã lập hàng rào, khóa cổng và nhà hàng hoang tàn này vẫn tồn tại trong công viên cho đến nay. Ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh, cho biết dù bị rút giấy phép kinh doanh từ năm 1995 và thời gian thuê đã hết từ năm 2002 nhưng người thuê không những không giao trả đất công viên mà còn đâm đơn ra tòa kiện Công ty Công viên Cây xanh, yêu cầu bồi thường thiệt hại do đã lỡ đầu tư.

Đầu tháng 7-2007, thông báo khẩn của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài yêu cầu thực hiện ngay thủ tục xử lý và cưỡng chế tháo dỡ các công trình xây dựng không phép của nhà hàng Trầu Cau. Tuy nhiên, quận 1 nói không thể cưỡng chế do tòa án đang thụ lý, giải quyết tranh chấp. Còn TAND quận 1 lại nói vụ này chưa xử được do chưa có kết quả thẩm định, giám định giá trị xây dựng còn lại của nhà hàng Trầu Cau, chưa xác định được thiệt hại của các bên. Trong khi đó, vụ kiện được TAND quận 1 thụ lý từ năm 2001 đến nay.

Mắc mứu khiến việc giải quyết vụ án khó khăn là khâu thẩm định, giám định giá trị xây dựng. Do nhà hàng này nay đã hoang tàn nên căn cứ còn lại chỉ là hình ảnh cơ ngơi khi mới xây dựng do nhà hàng chụp lại.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm