Gặp khó khi thanh tra người thân lãnh đạo

Ngày 16-6, Viện Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội thảo về liêm chính trong hoạt động công vụ.

Khó khi thanh tra người thân quen lãnh đạo

TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra, khẳng định vấn đề xây dựng chế độ liêm chính luôn là một trụ cột quan trọng, tạo ra nền tảng cơ bản để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của đấu tranh chống tham nhũng bền vững nhất.

Thực tế cho thấy khuôn khổ về mặt pháp chế để đảm bảo liêm chính trong hoạt động công vụ hiện nay còn hạn chế. Điển hình như quy định chín chức danh không được là người địa phương, trong đó có thanh tra để đảm bảo tránh xung đột lợi ích. Tuy nhiên, đối với ngành thanh tra, hiện vẫn tỉnh nào làm của tỉnh đó.

“Từ đây dẫn đến câu chuyện thanh tra tỉnh mà thanh tra tài sản của một ông giám đốc là em của một bà rất to ở tỉnh liệu có làm được không?” - TS Minh đặt câu hỏi.

Trong khi đó GS Phạm Hồng Thái, nguyên Chủ nhiệm khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng khi nghiên cứu về liêm chính thì phải xem xét vấn đề không liêm chính từ đâu mà ra.

“Không liêm chính bắt nguồn từ khâu xác định các chức vụ trong bộ máy nhà nước. Khi tuyển dụng thì có tuyển thật hay không, bổ nhiệm có khách quan hay không. Làm gì có chuyện một sở có tới 44/46 người làm lãnh đạo. Sự không liêm chính trong hoạt động công vụ nhà nước phải chăng là sự tha hóa quyền lực?” - GS Thái nói.

Ông Phan Đăng Toàn (trái), Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai: “Thực sự để làm một cán bộ thanh tra tốt với tất cả thì không bao giờ làm được…”. Ảnh: TTLC

“Đối tượng thanh tra không tạo điều kiện để liêm chính” (?)

Ông Phan Đăng Toàn, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai, nhận định giá trị của liêm chính góp phần tạo nên công bằng, dân chủ. Không có liêm chính sẽ tạo lên sự méo mó của nền công vụ, dẫn tới mất ổn định xã hội.

Nói về liêm chính trong hoạt động thanh tra, ông Toàn cho hay đã có quy định của ngành về đạo đức cũng như hoạt động của đoàn thanh tra. Vấn đề là thực hiện như thế nào, xã hội và đối tượng thanh tra có cho liêm chính hay không.

Theo vị chánh thanh tra này, đoàn thanh tra đi làm có rất nhiều yếu tố khiến khó liêm chính ở một góc độ nào đó nếu dựa vào sự tự giác.

“Đơn giản như khi công bố quyết định thanh tra, các đơn vị thường mời đi ăn cơm, lân la rất nhiều câu chuyện. Mà các cụ đã nói, ăn rồi thì sau này sẽ nói thế nào. Như vậy, đối tượng thanh tra không tạo điều kiện cho chúng ta liêm chính. Ăn rồi, uống rồi, có người sẽ không tỉnh táo và từ không tỉnh táo sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề” - ông Toàn dẫn ví dụ.

Bên cạnh đó, cán bộ thanh tra khi thực hiện nhiệm vụ có thực sự đảm bảo các tiêu chuẩn về đạo đức hay không, từ đó sẽ ảnh hưởng đến liêm chính.

“Thực sự để làm một cán bộ thanh tra tốt với tất cả thì không bao giờ làm được, tốt với công việc sẽ không tốt với đồng đội, anh em, mà tốt với anh em thì sẽ vi phạm chuẩn mực đạo đức. Có một thực tế, khi đi ăn uống thì rất bình thường, không có vấn đề gì nhưng đến khi gửi kết luận thanh tra về thì lập tức gửi công văn đến đòi tiền ăn uống” - Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai nói.

Vị này cũng cho rằng thanh tra ở tỉnh có tới hai thủ trưởng, một là tổng thanh tra, hai là chủ tịch tỉnh; câu chuyện làm thế nào để vừa ý cả hai không phải là dễ. Trong quản lý địa phương, thanh tra phải thực hiện chủ trương của tỉnh nhưng trong chuyên môn thì phải thực hiện theo ý kiến của Thanh tra Chính phủ.

“Trong một cái sân, những ai thực hiện nhiệm vụ trong cái sân đó đều bị lấp bởi cái bóng của chủ sân. Khi giao cho đoàn thanh tra tỉnh thanh tra một cơ quan, về mặt đạo đức thì hoàn toàn có thể làm đúng, làm đủ. Nhưng sẽ có hai vấn đề, nếu làm đúng và đưa ra kết quả không sai phạm thì sẽ không ai tin hoặc quá trình làm có thể bị can thiệp, kết quả méo mó là chuyện bình thường” - ông Toàn phát biểu.

Theo chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai, đặt vấn đề liêm chính trong hoạt động thanh tra là cả một vấn đề, cần phải có một bộ máy tổ chức toàn diện để duy trì sự liêm chính…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm