Ghé chợ lề đường để hiểu công nhân

Sáng 27-5, các đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) đã thảo luận Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH). Hầu hết ĐB đều cho rằng QH cần bảo lưu quy định “sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục làm việc thì được hưởng BHXH một lần hoặc tiếp tục đóng để hưởng lương hưu”.

Hãy để NLĐ được quyền lựa chọn

ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) nhấn mạnh Điều 60 là đúng nhưng không đủ vì chưa quan tâm lợi ích của tất cả người lao động (NLĐ) khác nhau.

ĐB Nghĩa phân tích : “Điều 60 bị phản ứng vì tước bỏ quyền lựa chọn của NLĐ. Vì vậy đề nghị cần quan tâm quyền lợi của NLĐ cho dù người đó là cộng đồng thiểu số. Phản ứng của hàng trăm ngàn người tại năm tỉnh, thành phía Nam là ví dụ. Sửa Điều 60 hay ra nghị quyết thì theo tôi, trước tiên vẫn phải bảo đảm quyền lợi cho NLĐ”.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (Chủ tịch HĐND TP.HCM) cho hay: Một bộ phận NLĐ và nhiều cử tri rất phấn khởi vì Chính phủ đã nắm được tình hình và đề xuất với QH sửa đổi Điều 60.

Công nhân khu công nghiệp ở TP.HCM đi chợ lề đường sau giờ tan ca. Ảnh: HTD

ĐB Tâm chia sẻ: “Tôi đã gặp những công nhân, NLĐ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM trước khi đi họp QH. NLĐ đều cho rằng Điều 60 và Luật BHXH là tiến bộ, có nhiều điều luật bảo vệ quyền, lợi ích cho NLĐ. Chưa có NLĐ nào nói Điều 60 là sai cả, họ chỉ nói Điều 60 còn thiếu”.

Theo ĐB Tâm, NLĐ có mấy ý kiến như sau: Một là, những ngành nghề như dệt may, da giày… có điều kiện lao động rất khắc nghiệt, phải tăng ca liên tục. Đặc biệt, NLĐ ngoài 40 tuổi rất khó đáp ứng yêu cầu chủ sử dụng lao động. Hơn nữa chủ lao động cũng có nhiều lý do để cắt giảm hợp đồng lao động. Khi bị cắt hợp đồng lao động ở đơn vị này thì họ khó mà tìm việc ở nơi khác. Thứ hai, là đa phần NLĐ đều đi ra từ nông thôn, thực tế đồng lương của NLĐ là rất thấp nhưng phải chi nhiều khoản, phải tằn tiện gửi tiền về nhà giúp gia đình.

“Tôi gặp nhiều anh chị em công nhân thấy họ rất xanh xao, mệt mỏi. Nếu chúng ta có điều kiện, hãy ghé vào chợ lề đường để thấy họ mua một bó rau, một miếng tàu hũ, quả trứng, thịt cá… không còn tươi, chúng ta mới hiểu vì sao công nhân lại đặt vấn đề này. Có thể đối với người có tiền, một vài triệu đồng là ít. Song với NLĐ từ nông thôn mà ra thì vài triệu đồng là cả một tài sản mà NLĐ cật lực làm việc mới có được. Cho nên vấn đề NLĐ nêu chúng ta cần phải xem xét một cách thấu đáo, có tình, có lý, sát với thực tiễn” - ĐB Tâm giãi bày.

Theo bà Quyết Tâm, lý do thứ ba mà NLĐ nêu là thị trường lao động nhiều bất trắc. Chính vì vậy, NLĐ có yêu cầu được nhận bảo hiểm một lần khi cần thiết, trang trải cuộc sống trước mắt đó là một sự lựa chọn bất đắc dĩ nếu không có sự lựa chọn nào tốt hơn. Với những lý lẽ đó, rõ ràng NLĐ có lý do yêu cầu Chính phủ, QH xem xét sửa đổi Điều 60 theo hướng tôn trọng quyền được lựa chọn của NLĐ.

Đề nghị sửa toàn diện Luật BHXH

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm bộc bạch: “Khi được gặp, nghe công nhân trình bày thì tôi thấy khi xem xét điều luật này chính tôi cũng chưa thực sự hiểu đầy đủ nguyện vọng của một bộ phận NLĐ. Mình thiếu thực tiễn chính là chỗ đó”.

Bà khẩn thiết: “Tôi đề nghị nên sửa Điều 60 theo hướng là bổ sung thêm một khoản, đó là để NLĐ được chọn là bảo lưu hay chọn nhận BHXH một lần và nếu chưa sửa Điều 60 thì QH nên ra một nghị quyết riêng cho phép tiếp tục thực hiện điểm c khoản 1 Điều 55 của Luật BHXH 2006 đến khi sửa đổi Luật BHXH 2014”.

ĐB Đặng Ngọc Tùng (Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam) nói riêng Điều 60, ông và Tổng LĐLĐ Việt Nam bày tỏ sự biết ơn việc Chính phủ đã lắng nghe ý kiến của công nhân, NLĐ và có kiến nghị sửa điều này ra QH.

“Tổ chức công đoàn thấy rằng không chỉ có sửa Điều 60 không thôi đâu, mà bản thân tôi đã từng kiến nghị QH tạm thời chưa thông qua Luật BHXH. Vì điều cơ bản nhất của Luật BHXH cần phải sửa đó là sự phân biệt đối xử giữa NLĐ trong khu vực quốc doanh với NLĐ khu vực tư. Thưa QH, hai NLĐ cùng tốt nghiệp như nhau, cùng làm việc như nhau, cùng đóng BHXH như nhau và sau 20 năm đóng BHXH thì anh làm việc khu vực quốc doanh lại nhận lương gấp hai lần những anh làm việc ngoài quốc doanh. Điều đó không thể chấp nhận được. Do đó, theo tôi đã sửa là nên sửa toàn diện” - ông Tùng nêu ý kiến.

Phải ra Luật Biểu tình để dân bày tỏ nguyện vọng

Ghé chợ lề đường để hiểu công nhân ảnh 2
Sáng 27-5, thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2016, các ĐB cũng bàn thảo về Luật Biểu tình.

“Tôi tán thành dự kiến đưa Luật Biểu tình vào chương trình làm việc năm 2016. Tôi nghĩ rằng nếu Luật Biểu tình ra sớm thì tình hình an ninh, xã hội sẽ thuận lợi hơn. Đặc biệt, trong tình hình Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia, xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta. Dân rất muốn bày tỏ tâm tư nguyện vọng phản ứng của họ nếu có Luật Biểu tình thì rất tốt” - ĐBQH Đặng Ngọc Tùng nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm