Gia cảnh éo le của lính đảo Trường Sa

khoc-7551-1401612716.jpg

Chị Ngô Thị Hằng, vợ chiến sĩ Phan Văn Hoàng đang công tác ở Trưởng Sa nghẹn ngào kể về bệnh tật của bé Hoài trong buổi giao lưu. Ảnh:Hữu Công

Đây là hai trong số những cảnh đời khó khăn của những người vợ lính đảo Trường Sa có mặt trong chương trình giao lưu "Sánh bước yêu thương" do Quỹ vì trẻ em khuyết tật tổ chức ngày 1/6 tại TP HCM, nhằm quyên góp và trao quà cho những em nhỏ khuyết tật, nhất là con em của những chiến sĩ đang ngày đêm căng mình bảo vệ vùng biển thiêng liêng của tổ quốc.

Chị Ngô Thị Hằng cho biết, chị và chồng là anh Phan Văn Hoàng - chiến sĩ đang công tác ở đảo Trường Sa cưới nhau được 16 năm nhưng bị hiếm muộn. Anh chị phải vay mượn 200 triệu đồng để thụ tinh trong ống nghiệm và bé Hoài đã ra đời. Tuy nhiên niềm vui chưa kịp kéo dài, khi mà món nợ vừa trả dứt thì cũng là lúc người lính đảo được biết tin con gái mình mắc bệnh hiểm nghèo.

Bé Hoài bị bệnh máu trắng do di chứng từ người ông là cựu chiến binh. Một tháng thì bé chỉ có 10 ngày được khỏe mạnh khi vừa truyền máu xong, 20 ngày còn lại bé rất mệt mỏi không ăn, không chơi như những đứa trẻ bình thường. "Bố mẹ hai bên đều ở ngoài Bắc, chồng thì thường xuyên xa nhà nên tôi phải ở nhà chăm sóc cho cháu để chồng yên tâm công tác ngoài đảo", chị Hoài nghẹn ngào.

mau-trang-1488-1401612716.jpg

Nhìn bên ngoài, bé Hoài cũng như bao đứa trẻ bình thường khác nhưng bé đang mang trong mình bệnh mau trắng, phải truyền máu để duy trì sự sống. Ảnh:Hữu Công

Cũng trong hoàn cảnh khó khăn không kém, chị Nguyễn Thị Oanh - vợ chiến sĩ Trương Văn Trung đang công tác ở Lữ đoàn 146 (Hải quân Vùng 4) cho biết, anh chị kết hôn chưa được một tháng thì anh Trung lên đường làm nhiệm vụ.  "Từ ngày mang thai cháu cho đến lúc bố cháu trở về đất liền thì con gái đã tròn 9 tháng tuổi. 18 tháng bố ở Trường Sa không một lá thư vì ngày xưa thông tin liên lạc không được như bây giờ", chị Oanh nghẹn ngào kể.

Người vợ lính đảo cho biết, một người mẹ sinh ra và nuôi dưỡng đứa con khuyết tật suốt 25 năm qua, phải nói là không đơn giản chút nào. Động lực để chị vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống và nuôi con lớn lên như ngày hôm nay đơn giản chỉ là muốn thấy con mình có một cuộc sống như bao đứa trẻ bình thường khác.

"Là một người mẹ, tôi không còn gì để hối hận vì tôi đã cố gắng hết sức mình. Nhưng tôi vẫn cảm thấy tôi còn may mắn hơn nhiều người vì chồng tôi đang làm một nhiệm vụ hết sức vẻ vang, bảo vệ tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Vì vậy, tôi vẫn cố gắng làm một người con dâu hiếu thảo, từ bỏ công việc của mình để thay bố chăm lo cho con", chị Oanh tự hào khi nói về công việc của chồng.

giao-luu-4960-1401612716.jpg

Chị Nguyễn Thị Oanh và con gái Trương Thị Trang tại buổi giao lưu. Ảnh:Hữu Công

Chị Oanh cho biết, khi sinh ra cháu Trang là một đứa trẻ hoàn toàn bình thường, nhưng một tháng sau chị phát hiện cháu bị dư xương bàn tay và bàn chân. Đến năm 3 tuổi, 2 mẹ con quyết định vào Cam Ranh sinh sống để tiện chữa bệnh cho cháu cũng như có thể nghe ngóng tin tức của chồng ở ngoài đảo. Cũng tại đây, chị lại phát hiện Trang bị thoái hóa giác mạc, không nhìn thấy khi vừa tròn 4 tuổi.

"Có năm tôi phải đưa cháu đến bệnh viện hơn 80 lần để chữa bệnh, trong khi thời điểm ấy lương của bố cháu chỉ có 250.000 đồng, nhưng cháu uống thuốc mỗi tháng hết 485.000 đồng và uống đều cho đến đủ 12 tuổi. Tôi vẫn cố gắng hết sức để hy vọng tương lai khoa học phát triển có thể giúp con tôi sáng mắt", người mẹ bùi ngùi kể.

Đến năm Trang đủ 13 tuổi, chị Oanh cố gắng xoay xở, vay mượn bạn bè, người thân tiền đưa con ra Hà Nội để cấy ghép giác mạc nhưng bác sĩ cho biết mắt Trang không cấy ghép được nên đành đưa con trở về. Bệnh này chưa chữa được thì lại xuất hiện bệnh khác khi vài năm sau trong một lần khám bệnh, bác sĩ lại phát hiện rất nhiều nang lớn, nhỏ trong thận của Trang và chỉ có thể dùng thuốc giảm đau chứ không thể can thiệp cho đến khi những nang này lớn lên mới có thể chữa trị.

"Là một người phụ nữ tôi cảm nhận cuộc đời cũng giống như một quyển tiểu thuyết mà tôi là tác giả và cũng là nhân vật, là cốt truyện và tôi sẽ vẫn còn phải viết tiếp quyển tiểu thuyết này cho đến hết cuộc đời mình", chị Oanh chia sẻ.

Theo Hữu Công (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm