Giải pháp khẩn cấp cứu trợ người dân ở TP.HCM

Trước thông tin TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm một tháng nữa (tới ngày 15-9), nhiều người tìm cách về quê nhưng đã phải quay đầu khi ra đến các cửa ngõ của TP. Làm gì ra tiền; làm sao thanh toán tiền trọ, hóa đơn điện nước, mua thực phẩm, thuốc men; dịch bùng phát, nếu không may nhiễm bệnh thì đi đâu cứu chữa… Đó là tất cả lo lắng của rất nhiều người lao động trên địa bàn TP, vốn đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn sau nhiều tuần TP thực hiện giãn cách.

Trước bối cảnh đó, việc tiến hành các hoạt động cứu trợ khẩn cấp đối với người dân gặp khó khăn là cấp bách và quan trọng. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia đều có chung nhận định: Tiền mặt, thức ăn, nhu yếu phẩm, thuốc men và các hoạt động hỗ trợ y tế cần phải được tiến hành càng sớm càng tốt.

PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội:

Lập mạng lưới tổ phản ứng nhanh hỗ trợ cộng đồng

Cứu trợ không chỉ cần tiền, cần thực phẩm và thuốc men mà quan trọng là việc thực hiện phải nhanh, kịp thời và đến đúng người có nhu cầu. Để làm điều đó, vai trò của các “tổ hỗ trợ cộng đồng” trong trường hợp khẩn cấp như hiện nay là rất quan trọng. Mỗi phường/xã hoặc các khu phố, nhất là các xóm trọ nghèo, khu phong tỏa đông người lao động, các khu nhà lụp xụp có nhiều người lang thang… cần có các tổ hỗ trợ lưu động.Cần một tổ trưởng để điều hành công việc chung về tự quản, an ninh, cứu trợ, truyền thông nội bộ trong khu phố. Tổ bao gồm 10-15 người (tùy vào quy mô, đặc thù khu vực có thể tăng giảm nhân sự) chịu các nhiệm vụ: (i) An ninh cộng đồng: Thay phiên tuần tra, nhắc nhở người dân tuân thủ các quy định; phối hợp với công an khu vực đảm bảo trị an; (ii) Cứu tế cộng đồng: Tiếp nhận các thông tin người dân, các chủ nhà trọ về người khó khăn (tiền mặt, lương thực, thuốc men, cấp cứu…); làm cầu nối chuyển nguồn lực cứu trợ đến người dân; (iii) Truyền thông nội bộ: Cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về các chính sách chống dịch, các biện pháp hỗ trợ của chính quyền đến người dân.

Một số khảo sát cho thấy mối quan hệ thường xuyên, gần gũi của các nhóm lao động tự do, phổ thông, nhập cư… chính là chủ nhà trọ. Vậy nên cần phối hợp với các chủ nhà trọ, ban quản lý khu tập thể… để nắm bắt nhu cầu cứu trợ kịp thời của người dân.

Các tổ phản ứng nhanh hỗ trợ cộng đồng cũng cần một hệ sinh thái chung trên phạm vi TP, bằng cách kết nối với nhau trên các nền tảng, ứng dụng về thông tin (Facebook, Zalo, Viber…). Họ có thể chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, nguồn lực để đảm bảo “không người dân khó khăn nào bị bỏ sót”, tối ưu hóa nguồn lực hiện có và huy động được thêm nguồn lực từ xã hội hỗ trợ cho các nguồn chi từ ngân sách.

PGS-TS VÕ TRÍ HẢO, Hiệu trưởng ĐH Gia Định:

Lo phát thiếu, đừng lo người dân nhận thừa

Dù từ ngày 1-7, chúng ta đã bỏ hộ khẩu giấy nhưng tư duy “hộ khẩu” vẫn còn ảnh hưởng việc thực thi chính sách, biểu hiện rõ ràng là trong các chương trình cứu trợ người dân ở TP.HCM. Các quy định về thường trú tại TP cũng rất khó, khiến nhiều người lao động nhập cư khó khăn trong việc ghi tên họ vào hệ thống quản lý dân số tại đây. Có thể vì vậy mà địa phương không nắm hết thì cứu trợ không đến đầy đủ với bà con, nên rất nhiều người bức xúc.

Theo tôi, phải nhìn tất cả người dân đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM đều là người cần được hỗ trợ nếu họ khó khăn.

Có ý kiến lo ngại nếu không xác minh nơi thường trú thì có thể xảy ra tình trạng “một người nhận hỗ trợ ở nhiều địa phương”. Suy nghĩ này không thực tế, bởi khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, ai cũng phải ở yên tại chỗ thì làm sao mà gian dối để nhận trợ cấp ở nhiều nơi. Chưa kể, luật pháp quy định rất rõ việc xử lý hành vi gian dối để nhận trợ cấp, nên nếu lo là lo chính quyền phát thiếu chứ không nên lo người dân nhận thừa trong bối cảnh TP siết chặt giãn cách nhiều tuần liên tục.

Chính quyền và người dân cần có chung một nền tảng thông tin và minh bạch hóa việc hỗ trợ để tránh tình trạng: Chính quyền nói giúp đủ, người dân lại kêu thiếu. Cần ứng dụng công nghệ để cập nhật kịp thời, đầy đủ danh sách người đang ở TP gặp khó khăn; chính quyền công khai sự hỗ trợ (tiền mặt, thực phẩm, thuốc men…). Khi tất cả các bên cùng tham gia chung một diễn đàn thì không sợ thiếu sót.

TS LƯƠNG HOÀI NAM:

Cần hỗ trợ thêm, giảm giá điện, nước

Sự hỗ trợ của Chính phủ và nhiều địa phương cho cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở TP.HCM là rất lớn, từ việc đặt “Bộ chỉ huy tiền phương” với đầy đủ các bộ, ngành thường trực ở đây, đến việc điều động hàng trăm đoàn y tế với số lượng hàng ngàn người vào TP.HCM. Mới nhất là dồn vaccine cho TP để nhanh chóng đạt miễn dịch cộng đồng.

Với sự hỗ trợ lớn như thế của Chính phủ và sự ủng hộ, chia sẻ của các địa phương khác, TP cần chống dịch hiệu quả hơn nữa, giải quyết tốt hơn nữa nhu cầu cuộc sống của dân. Người nghèo ở TP rất đông. Đời sống của họ có yên ổn, trật tự xã hội có duy trì tốt thì hoạt động chống dịch mới thành công. Theo tôi, TP ngay lúc này nên mạnh tay chi ngân sách làm tốt các việc sau đây.

Thứ nhất, ngoài mức 1,5 triệu đồng theo chính sách chung toàn quốc, TP cần hỗ trợ thêm một khoản phù hợp nào đó cho đến khi công việc, thu nhập của họ được phục hồi. Đừng phân biệt thường trú hay tạm trú, miễn là người nghèo đang ở TP thì được hỗ trợ. Thứ hai, cần có cơ chế thanh toán tiền trọ, hóa đơn điện nước cho người dân nghèo, đặc biệt trong các khu trọ, khu phong tỏa. Cuối cùng, đối với các khu vực người nghèo bị phong tỏa để chống dịch, TP cung cấp suất ăn ngày ba bữa đến khi hết phong tỏa.

TP thiếu rất nhiều tiền đầu tư phát triển hạ tầng nhưng đằng nào cũng thiếu rồi và thiếu rất nhiều. Vì vậy, nếu vì cứu trợ người nghèo mà thiếu thêm chút nữa cũng không sao. Chống dịch thành công rồi thì TP sẽ an tâm và tập trung tính toán lại các bài toán về nguồn vốn. Trong lúc khẩn cấp này, cứu trợ người dân khỏi đời sống túng quẫn là quan trọng nhất.

 
Giải pháp khẩn cấp cứu trợ người dân ở TP.HCM ảnh 5

Ông HUỲNH THẾ DU,giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright:

Khẩn cấp gói cứu trợ chi trả hằng tháng

TP.HCM đã có những gói cứu trợ cho người dân trong thời gian qua. Đây là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, khi giãn cách thêm một tháng, TP xuất hiện làn sóng người dân muốn về quê. Theo tôi, lý do là người dân không yên tâm với viễn cảnh dịch bệnh như hiện tại, không biết giãn cách đến khi nào. Gói hỗ trợ hai tháng của TP hiện tại đối với người dân như “ăn gạo đong không biết hết lúc nào” và sau đó không biết lấy gì mà ăn.

Trong bối cảnh hiện tại, nếu tình hình dịch kéo dài thì việc hỗ trợ của chính quyền dành cho người dân là việc phải làm. Điều này sẽ phải kéo dài ít nhất đến khi TP có thể chuyển sang trạng thái bình thường mới. Do vậy, để người dân yên tâm hơn, tôi cho rằng TP nên đưa ra ngay gói cứu trợ được chi trả hằng tháng cho người dân. Chính quyền thông báo rằng TP sẽ tập trung chống dịch để kết thúc sớm nhất có thể. Khi dịch đã trong tầm kiểm soát và chuyển sang trạng thái bình thường mới, gói cứu trợ sẽ được dừng hoặc chuyển sang hình thức khác. Đằng nào cũng phải làm thì chủ động trước sẽ tốt hơn với cách làm tạo cảm giác ăn đong cho người dân hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm