Giám đốc Công an TP.HCM: 'Đã có cơ sở xử lý cho vay lãi nặng'

Sáng 9-12, kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa IX tiếp tục ngày làm việc thứ ba với phiên chất vấn Giám đốc Công an TP.HCM Lê Đông Phong về vấn đề trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP, trong đó có tín dụng đen, cho vay lãi nặng.

Giám đốc Công an TP.HCM Lê Đông Phong trả lời chất vấn. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng người dân đang rất bức xúc trước tình trạng tín dụng đen, đòi nợ thuê lộng hành khắp nơi, thách thức công quyền, đẩy nhiều gia đình vào cảnh điêu đứng và ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội thời gian qua.
"Tuy nhiên số vụ phạm pháp liên quan đến tín dụng đen chỉ khi các đối tượng vi phạm với các hành vi như bắt giữ người trái pháp luật, sử dụng vũ khí, đánh đập, đe dọa, xiết nợ, đòi nợ thuê... mới được xử lý nghiêm minh. Còn các vụ việc mà các đối tượng khủng bố tinh thần như ném chất bẩn, gây sức ép đòi nợ khiến người bị đòi nợ hoang mang dẫn đến tự sát thường ít được xử lý nghiêm minh, bởi ranh giới giữa xử lý hình sự và xử lý hành chính.

Hơn nữa con nợ lo sợ không dám tố giác và cơ quan công an cũng nghĩ đó là tranh chấp dân sự nên cũng ít đi đến tận cùng vụ việc" - bà Trâm nói và đề nghị giám đốc Công an TP thông tin về tình trạng này ra sao, khó khăn lớn nhất của lực lượng hình sự khi xử lý các vi phạm liên quan đến tín dụng đen là gì và giải pháp nào được coi là căn cơ để giải quyết tín dụng đen?

Trả lời vấn đề này, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết hiện còn 51 nhóm với 178 đối tượng có dấu hiệu thực hiện hành vi cho vay lãi nặng hoặc đòi nợ trái pháp luật. So với năm 2018 số này đã giảm gần nửa (94 nhóm với 383 đối tượng). Nếu năm 2018 không xử lý được vụ hình sự nào thì năm nay đã khởi tố được chín vụ với 31 đối tượng và xử lý chung 38 nhóm với 168 đối tượng.
“Chúng tôi xác định hành vi này là hành vi trái pháp luật nhưng quy định của pháp luật để xử lý được việc cho vay lãi nặng, mặc dù đã được cụ thể hơn nhưng vẫn còn những khó khăn trong việc chứng minh các dấu hiệu tội phạm để xử lý hình sự” - ông Phong trăn trở.
Đối với hành vi đe dọa, hăm dọa, tạt chất bẩn, Trung tướng Lê Đông Phong cho biết do sự đấu tranh quyết liệt nên đã hạn chế bớt, không còn rộ nhiều như cuối năm 2018. Tuy nhiên, ông Phong cũng khẳng định trách nhiệm của ngành công an phải chủ động, phát hiện ngay từ đầu để ngăn chặn, không để xảy ra hành vi này, bởi nó vừa xâm phạm đến trật tự công cộng và xâm phạm sự an toàn của những người đang bị đòi nợ.
“Chúng tôi đã có kiến nghị và UBND TP đã tiếp thu, kiến nghị với Chính phủ là không chấp nhận dịch vụ đòi nợ thuê. Bởi theo quy định đây là một dịch vụ hỗ trợ cho giao dịch bình thường nhưng những doanh nghiệp dịch vụ đòi nợ thuê thường có đối tượng xấu ẩn nấp trong đó, cách thức đòi nợ thuê thường khủng bố tinh thần gây căng thẳng cho con nợ, gây mất trật tự công cộng” - ông Phong nói và cho rằng phải ngăn chặn từ đầu các dấu hiệu đòi nợ thuê dưới mọi hình thức.
Đối với cho vay lãi nặng, ông Phong cho biết thời gian tới sẽ nắm tình hình sâu hơn để chứng minh được hành vi cụ thể và xử lý hiệu quả hơn. “Trước đây cho vay lãi nặng rất khó chứng minh, phải chứng minh được cho vay gấp bao nhiêu lần so với ngân hàng và phải chứng minh được người cho vay đó chỉ sống bằng nghề cho vay. Nhưng bây giờ đã điều chỉnh lại quy định pháp luật, bớt đi yếu tố chứng minh người cho vay chỉ sống bằng nghề cho vay, chỉ chứng minh được lãi suất vi phạm mức nào đó thì có cơ sở để xử lý” - ông Phong nói.
Người đứng đầu ngành công an TP.HCM nói thêm nhu cầu cho vay rất đa dạng nhưng vay tín dụng đen thì nhu cầu không chính đáng cũng rất nhiều. Do đó chính quyền cơ sở và các đoàn thể tiếp cận với mọi tầng lớp và tiếp cận với những người gặp khó khăn có nhu cầu vay để tạo điều kiện cho họ; phát hiện, giáo dục những người vay vì mục đích trái pháp luật, từ đó sẽ bớt lệ thuộc vào tín dụng đen.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm