Giám đốc HCDC lý giải việc tiêm 2 mũi vaccine vẫn mắc COVID-19

Chiều 14-6, TP.HCM đã tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP thời gian qua.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: TÁ LÂM

Buổi họp báo diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong vừa có quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng thêm hai tuần, kể từ ngày 15-6.

Trong số những vấn đề mà báo chí đặt câu hỏi, việc hơn 50 nhân viên y tế ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM mắc COVID-19 được quan tâm nhiều nhất. Báo chí mong muốn lãnh đạo Sở Y tế thông tin thêm về việc này, từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết khi dịch bệnh xuất hiện ở cộng đồng thì trước sau, người có triệu chứng đều sẽ đến cơ sở y tế khám.

Do đó, việc xác định ca nhiễm ở cơ sở y tế là vấn đề được Sở Y tế TP.HCM quan tâm ngay từ đầu. Ngành y tế đã có sự phân luồng ngay từ đầu, nếu có triệu chứng nghi ngờ thì sẽ đưa đi xét nghiệm.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: TÁ LÂM

Về vụ việc xảy ra ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, ông Hưng cho rằng đó là bài học rất sâu sắc. Từ một nhân viên của cộng đồng đi vào cơ sở y tế, từ đó lây nhiễm ra bệnh viện.

"Ngành y tế rút kinh nghiệm sâu sắc bài học này” – ông Hưng nói và cho biết ngành y tế luôn tuân thủ biện pháp 5K trong suốt quá trình làm việc, và đề nghị nhân viên y tế không ra ngoài sau giờ làm việc trừ trường hợp cần thiết.

Thông tin thêm, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết qua số liệu ban đầu cho thấy các ca mắc COVID-19 tập trung ở khối hành chính, hậu cần của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, chứ không liên quan đến các ca bệnh nằm ở khu vực nội trú.

“Đây chỉ là số liệu ban đầu, chưa thể đánh giá hết. Đánh giá dịch xâm nhập từ bên ngoài thì chưa đủ chứng cứ. Có thể phỏng đoán như vậy thôi” - ông Dũng nói và cho biết ngành y tế đang tiếp tục đánh giá để có câu trả lời cho người dân.

 Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM. Ảnh: TÁ LÂM

Trả lời về câu hỏi vì sao tất cả 55 nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đều đã tiêm vaccine nhưng vẫn mắc COVID-19, ông Dũng nói: “Chúng ta biết, vaccine là một vũ khí hữu hiệu để ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, vaccine phòng COVID-19 được sản xuất, thử nghiệm, đánh giá trong thời gian ngắn, không quá kỹ lưỡng như các loại vaccine khác”.

Theo ông Dũng, đánh giá thử nghiệm giai đoạn 3, vaccine đang sử dụng tại Việt Nam có tỉ lệ phòng bị là 76% sau liều thứ nhất và 82% sau liều thứ 2. Đối với biến chủng Delta, tỉ lệ phòng bị giảm xuống còn khoảng 33% sau liều thứ nhất và khoảng 80% sau mũi thứ 2.

Điều đó cho thấy các chủng virus mới làm các loại vaccine hạn chế khả năng bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, điểm lợi thế lớn nhất của vaccine phòng COVID-19 là ngăn bệnh chuyển nặng, giảm đến tối thiếu khả năng tử vong cho người mắc.

Ông cũng cho rằng thực tế cho thấy các trường hợp mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM hầu như không có triệu chứng. Ngoài ra, tải lượng virus tại các bệnh nhân thấp giúp hạn chế khả năng lây lan ra cộng đồng.

“Đây có thể là một tác dụng của vaccine phòng COVI-19” – ông Dũng nói và khuyên mọi người yên tâm tiêm vaccine.

Liên quan đến vụ việc ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, sáng nay tại cuộc họp Ban chỉ đạo, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết từ ngày 11-6 đến 13-6, bệnh viện này đã xét nghiệm toàn bộ 924 nhân viên và phát hiện 55 trường hợp dương tính. Các ca mắc này là nhân viên 13 khoa của bệnh viện, trong đó có một người sống trong ổ dịch ở khu dân cư Ehome 3.

Theo nhận định ban đầu, đây là ổ dịch lây nhiễm trong khuôn viên bệnh viện, chủ yếu thuộc phòng công nghệ thông tin, phòng chỉ đạo tuyến, phòng hành chính quản trị và các phòng chức năng khác như kế hoạch tổng hợp, tổ chức cán bộ, dược.

Theo ông Bỉnh, khi đánh giá toàn bộ nhân viên thì tải lượng virus rất thấp. Đây là tín hiệu đáng mừng, có thể là tác dụng của vaccine nên khi nhiễm làm tải lượng virus thấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm