Giám đốc Sở Giáo dục trải lòng về vụ bạo hành Mầm Xanh

Sáng 6-12, kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa IX đã tiến hành phiên chất vấn đối với Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn.
Mở đầu phiên chất vấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn khẳng định trên địa bàn TP vẫn còn những hiện tượng tiêu cực xảy ra, trong đó có vụ bạo hành trẻ em ở Trường Mầm non tư thục Mầm Xanh (quận 12).

Ông Lê Hồng Sơn giải trình trước phiên chất vấn. Ảnh: TÁ LÂM

“Chúng tôi rất buồn, đau lòng khi có những vấn đề tiêu cực xảy ra ở các lớp, nhóm lớp một số nơi trên địa bàn TP, đó là những người không có đạo đức nghề nghiệp, mất cả nhân tính” - ông Sơn nói và cho rằng những vụ tiêu cực như bạo hành ở Trường Mầm non Mầm Xanh đã gây hoang mang cho phụ huynh học sinh, làm xấu hình ảnh thầy cô và làm cho những trẻ em phải chịu những điều không đáng có.

“Bản thân con người luôn luôn phải có điều chỉnh tốt nhất để không xảy ra những việc đau lòng như thế” - ông Sơn nói.
Là người đầu tiên hỏi về bạo hành trẻ em, đại biểu Nguyễn Tố Trâm cho rằng những vụ bạo hành như ở Trường Mầm non tư thục Mầm Xanh không phải lần đầu mà đã có vụ việc bị xử lý hình sự.
“Nhưng tại sao tình trạng này vẫn xảy ra, trách nhiệm của Sở ra sao? Quy trình kiểm tra, giám sát đối với các trường, nhóm lớp mầm non tư thục như thế nào? Có thật sự chặt chẽ hay là buông lỏng quản lý, hình thức?" - bà Trâm hỏi và lý giải bởi vì thực tế có không ít bảo mẫu mầm non tại các nhóm trẻ gia đình và mầm non tư thục chỉ cần học vài tháng là có chứng chỉ, rồi đứng lớp trông giữ hàng chục cháu.
"Những bảo mẫu không được trang bị kỹ năng quản lý chăm sóc bản thân như phẩm chất nghề nghiệp, kỹ năng nắm bắt tâm lý của trẻ, Sở GD&ĐT có tính đến chuyện siết lại việc đào tạo chứng chỉ đối với giáo viên mầm non hay không? Có nên chăng bắt buộc có trắc nghiệm tâm lý trước khi đào tạo học để thử khả năng chịu đựng, khả năng yêu nghề hay không?” - bà Trâm hỏi.

Giám đốc Sở Giáo dục trải lòng về vụ bạo hành Mầm Xanh ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm hỏi về bạo hành trẻ em. Ảnh: TÁ LÂM

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Thị Nga cho rằng vì thu nhập của công nhân lao động thấp nên buộc họ phải đưa trẻ vào những trường mầm non tư thục có mức học phí thấp. “TP có chủ trương gì cho các nhà đầu tư như hỗ trợ về đất, vốn, vật chất... để họ mạnh dạn đầu tư nhằm giảm học phí cho các trường xung quanh khu vực đông công nhân” - bà Nga hỏi.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Trí lại muốn biết giải pháp căn cơ như thế nào để giải quyết dứt điểm nạn bạo hành trẻ em ở các trường mầm non.
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn cho biết mầm non thuộc thẩm quyền của UBND quận, huyện quản lý trực tiếp. Sở đã phối hợp thường xuyên với quận, huyện đi kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh, uốn nắn lại những việc tiêu cực xảy ra. Năm 2017, Sở đã đi kiểm tra 19 quận, huyện, sau khi kiểm tra đã gửi nội dung cho UBND quận, huyện để xử lý.
Ông Sơn cho biết hiện có 1.208 trường, trong đó ngoài công lập chiếm 61%. Nhóm lớp ngoài công lập chiếm 9.499 nhóm lớp. Số trẻ hiện có 385.163 trẻ, trong đó 55% ngoài công lập. Còn nhóm lớp hoạt động độc lập, ông Sơn cho biết là rất lớn và việc bạo hành thường xảy ra ở các nhóm lớp độc lập và tư thục, các nhóm lớp dao động 8-10 hoặc nhóm lớp 20-30 trẻ.

Giám đốc Sở Giáo dục trải lòng về vụ bạo hành Mầm Xanh ảnh 3
Ông Lê Hồng Sơn cho rằng bạo hành trẻ em do những con người mất nhân tính gây ra. Ảnh: TÁ LÂM

Ông Sơn cũng khẳng định Sở đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm. Sở luôn đề nghị quận, huyện xử lý nghiêm, đóng cửa các trường, nhóm lớp không phép. Đầu năm 2014 cũng từng xử lý một trường khác. “Những cá nhân mất nhân tính phải xử nghiêm khắc, khởi tố ra tòa và bị giam. Vụ ở Mầm Xanh cũng như thế đã khởi tố ra tòa” - ông Sơn nói và cho biết TP có các lớp tập huấn kỹ năng cho giáo viên mầm non.

“Những trường hợp cá biệt xảy ra do hoàn toàn chính bản thân con người đó, những người mất nhân tính gây ra” - ông Sơn khẳng định.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng phần trả lời của ông Sơn như thế là đã rõ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm