Giám sát, phản biện: ‘Không đánh trống bỏ dùi’

Ngày 22-2, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị sơ kết năm năm thực hiện về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị).

Theo ông Vũ Thành Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, giám sát cần phải xác định được trọng tâm, trọng điểm, rõ đối tượng, nội dung, phạm vi và có sáng tạo trong cách làm, không ngại đụng chạm. “Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kiên trì đeo bám và giám sát có hiệu quả, không “đánh trống bỏ dùi”” - ông nói.

Ông cho là trước khi giám sát phải tiến hành thu thập thông tin, khi cần thiết có thể tổ chức khảo sát, tìm hiểu thực tiễn để nắm chính xác đối tượng cần giám sát, nắm vững cơ sở pháp lý để có ý kiến, kiến nghị thuyết phục.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho hay địa phương luôn chủ động phối hợp, tạo điều kiện để Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng chính quyền.

Ông cho hay đã có nhiều cuộc giám sát với hàng trăm nội dung, hội nghị phản biện, thu thập trên 1.800 ý kiến từ người dân vào các dự thảo văn bản, đề án, chương trình quan trọng… Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội cũng đã tổ chức gần 130 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng để thực hiện được giám sát, phản biện xã hội hiệu quả thì Ủy ban MTTQ các cấp phải có đội ngũ cán bộ có trình độ chính trị, chuyên môn, năng lực hoạt động thực tiễn. Đồng thời phải xây dựng được chương trình, kế hoạch giám sát và phản biện hằng năm sát với tình hình địa phương.

Theo đại diện MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, cần khảo sát thực tế, thu thập thông tin, ý kiến thật kỹ các vấn đề cần phản biện thì chất lượng phản biện mới cao. Dẫn chứng về nghị quyết về sữa học đường, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng môi trường xung quanh các khu vực xử lý chất thải…, vị đại diện này nêu: “Do được khảo sát thực tế nên các ý kiến tham gia tại hội nghị phản biện đã góp phần quan trọng vào xây dựng văn bản của các cấp chính quyền sát với thực tiễn”.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng Quyết định 217, 218 là cơ sở để cụ thể hóa quyền, trách nhiệm về giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước của MTTQ Việt Nam, đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học, các chức sắc, tôn giáo, người tiêu biểu đã được phát huy và nhân dân cả nước đã vào cuộc tích cực.

Tuy vậy, ông Mẫn cũng thừa nhận hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi chưa tương xứng với tiềm lực của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và sự kỳ vọng của nhân dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm