Giới hạn kháng nghị phúc thẩm của VKS

Pháp bị các cơ quan tố tụng quận Tân Phú (TP.HCM) khởi tố, truy tố, kết án chín tháng tù về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Sau đó, viện trưởng VKSND TP.HCM kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm xem lại tội danh của Pháp thành tội cướp giật tài sản. Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM đã hủy bản án sơ thẩm để điều tra, truy tố, xét xử lại theo hướng Pháp phạm tội cướp giật tài sản.

Trong vụ án, điều tôi muốn đề cập là việc VKSND TP.HCM kháng nghị phúc thẩm theo hướng đề nghị TAND TP.HCM kết án Pháp về tội cướp giật tài sản đã đúng với quy định của BLTTHS hay chưa?

Theo BLTTHS, khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự, viện trưởng VKS có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm các bản án, quyết định của tòa (điểm i khoản 2 Điều 36). Nhưng không phải muốn kháng nghị như thế nào cũng được! VKS cùng cấp hoặc cấp trên trực tiếp nếu kháng nghị phúc thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo hoặc các đương sự thì không bị giới hạn. Tuy nhiên, nếu VKS cùng cấp hoặc cấp trên trực tiếp kháng nghị phúc thẩm theo hướng bất lợi cho bị cáo hoặc các đương sự thì sẽ bị giới hạn nếu nội dung kháng nghị đó chưa được tòa sơ thẩm xét xử hoặc không thuộc thẩm quyền xét xử và quyết định của tòa phúc thẩm.

Ví dụ: VKS truy tố A về tội cố ý gây thương tích (dẫn đến chết người). Tòa sơ thẩm quyết định đưa vụ án ra xét xử A về tội cố ý gây thương tích mà sau đó VKS lại kháng nghị phúc thẩm đề nghị tòa phúc thẩm xét xử bị cáo về tội giết người là không đúng pháp luật. Bởi lẽ VKS chưa truy tố A về tội giết người nên tòa sơ thẩm cũng không xét xử A về hành vi giết người. Tòa sơ thẩm chưa xét xử A về hành vi giết người nên VKS cũng không có thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm đối với A về tội giết người và tòa phúc thẩm cũng không thể kết án A về tội này.

Trở lại vụ án trên, VKSND quận Tân Phú chỉ truy tố Pháp về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản chứ không truy tố về tội cướp giật tài sản (tội nặng hơn). TAND quận Tân Phú cũng chỉ đưa hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản ra xét xử và kết án Pháp về tội này. Do đó, nếu VKSND TP.HCM phát hiện việc truy tố, xét xử A về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là không đúng tội danh thì phải chờ bản án có hiệu lực pháp luật rồi kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND TP.HCM xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại nhằm truy tố Pháp về tội cướp giật tài sản. VKSND TP.HCM không thể kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm yêu cầu TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm kết án Pháp về tội cướp giật tài sản được. Vì tòa phúc thẩm không có quyền kết án bị cáo về một tội danh nặng hơn mà tội đó chưa bị truy tố.

Lẽ ra khi thụ lý, TAND TP.HCM phải trao đổi với VKSND TP.HCM để rút kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Nếu VKS không rút thì tòa phải bác kháng nghị, y án sơ thẩm rồi kiến nghị cấp giám đốc thẩm xem xét chứ không được chấp nhận kháng nghị, hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại nhằm truy tố Pháp về tội cướp giật tài sản.

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm