Gỡ vướng trong xử lý các vụ án tham nhũng nổi cộm

Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã họp phiên đầu tiên, ngày 18-4, kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII dưới sự chủ trì của Trưởng ban Chỉ đạo - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Báo cáo tiến độ các vụ án đặc biệt nghiêm trọng

Nhân sự bảy người trong cơ cấu thường trực của Ban Chỉ đạo (BCĐ) có một số điều chỉnh, trong đó các phó trưởng ban mới là Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc - là những nhân sự lãnh đạo các cơ quan trung ương của Đảng mới được kiện toàn sau đại hội. Dự họp còn có Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Công an Tô Lâm - vừa được Quốc hội phê chuẩn vào các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước mà theo cấu trúc cũng nằm trong Thường trực BCĐ.

Nội dung đầu tiên của cuộc họp lần này là nghe báo cáo về tiến độ cũng như những khó khăn, vướng mắc một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo. Như vụ án cố ý làm trái các quy định của Nhà nuớc về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây dựng Việt Nam; vụ án cố ý làm trái các quy định của Nhà nuớc về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương.

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm cũng được đề cập tới nhưng chủ yếu là về thực hiện các quyết định, kiến nghị về kinh tế, tài sản của HĐXX phúc thẩm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng BCĐ Trung ương về PCTN, đang phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: N.NHÂN

Ngoài ra, còn có các vụ án đang điều tra thuộc giai đoạn 2, được tách ra hoặc do HĐXX khởi tố, kiến nghị tại phiên tòa từ các vụ án: Vũ Quốc Hảo và đồng phạm; Lâm Ngọc Khuân và đồng phạm; Dương Thanh Cường và đồng phạm; Phạm Văn Cử và đồng phạm; Nguyễn Thế Dũng và đồng phạm.

Nhận định công tác PCTN còn nhiều thách thức, là vấn đề được cán bộ, đảng viên đặc biệt quan tâm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan chức năng cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã được chỉ ra trong các vụ việc cụ thể này. Kinh nghiệm là làm từng bước vững chắc, điều tra đến đâu, xét xử đến đó; kết luận đến đâu, xử lý đến đấy, không cầu toàn. Vướng cái gì thì đề nghị Thường trực BCĐ cho ý kiến, định hướng giải quyết nhưng phải đúng nguyên tắc, không trái pháp luật.

Tổng Bí thư cũng lưu ý cùng với việc xử lý theo pháp luật của các cơ quan nhà nước thì phần xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng cũng cần được quan tâm hơn. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần đẩy mạnh công tác này và sớm xây dựng quy chế về trách nhiệm kỷ luật của đảng viên trong các vụ việc vi phạm pháp luật nhà nước.

Nâng cao quy chế phối hợp

Ngoài phần thảo luận, cho ý kiến về các vụ án cụ thể, trong phiên họp này, Thường trực BCĐ còn thảo luận, cho ý kiến về cơ chế chỉ đạo công tác phối hợp giữa các CQĐT, truy tố, xét xử ở trung ương với địa phương trong các vụ án thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo. Nội dung này nhằm chủ yếu vào vụ án do CQĐT Bộ Công an và VKSND Tối cao tiến hành nhưng ủy quyền công tố cho cấp tỉnh.

Lâu nay, các vụ án này thường bị kéo dài, trả hồ sơ nhiều lần. Lý do chủ yếu là vì không được trực tiếp tham gia quá trình điều tra, truy tố nên VKSND, tòa án được ủy quyền không nắm chắc được vụ việc. Tới khi nhận hồ sơ về, thấy phần nào chưa yên tâm là chuyển trả, yêu cầu điều tra bổ sung. Để khắc phục tình trạng này, trong một số vụ án lớn trước đây ngay từ giai đoạn chuẩn bị truy tố, kiểm sát viên nơi dự kiến được ủy quyền công tố đã được mời lên để cùng nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ…

Hầu hết vụ án thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo đều là loại này. Để thúc đẩy tiến độ, đảm bảo chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, Thường trực BCĐ nhận thấy cần có quy định cụ thể về cơ chế phối hợp ấy, vừa nâng cao hiệu quả của ủy quyền công tố vừa đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, nhất là tính độc lập giữa các cấp, các cơ quan tiến hành tố tụng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm