Gói hỗ trợ 886 tỉ đồng của TP.HCM đã đến với dân

Chỉ trong vòng vài ngày kể từ khi TP.hcm triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 09 của HĐND TP, một số phường đã trao tiền hỗ trợ đến tay người lao động (NLĐ) tự do.

Theo ghi nhận của PV, hiện ở một số phường trên địa bàn như TP Thủ Đức, các quận 5, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh… đã chi tiền hỗ trợ cho NLĐ tự do bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Cứu cánh lúc người dân gặp khó

9 giờ ngày 10-7, ông Lê Đình Tăng (tổ 2, khu phố 1, phường Thạnh Xuân, quận 12) có mặt tại văn phòng khu phố 1, phường Thạnh Xuân, quận 12 để nhận tiền hỗ trợ. Cầm 1,5 triệu đồng vừa được nhận trên tay, ông vui mừng nói: “Trước đây tôi phụ quán ăn cho người ta, ngày kiếm cũng được hơn 100.000, đủ để hai vợ chồng trang trải cuộc sống. Thế nhưng hơn hai tháng nay quán đóng cửa, tôi mất thu nhập. Các con tôi mùa dịch này cũng gặp khó khăn nên không giúp được gì nhiều. Cầm cự đến nay, vợ chồng tôi đuối quá. Nay nhận được số tiền này, dù không nhiều nhưng với tôi cũng đắp đổi qua ngày. Mong dịch sớm kết thúc để tôi được đi làm, chứ không thể sống nhờ sự hỗ trợ mãi được”.

Cán bộ phường Thạnh Xuân, quận 12 trao tiền hỗ trợ
cho bà Lâm Thị Kim Loan. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Bà Lâm Thị Kim Loan (đường Tô Ngọc Vân, khu phố 1, phường Thạnh Xuân, quận 12) bán quán ăn nhiều năm, bà bị khuyết tật ở chân nên không thể đi nhận tiền hỗ trợ, cán bộ phường đã đến tận nhà để trao.

Nhận được tiền, bà Loan chia sẻ: “Tôi phụ bán quán ăn tại nhà cũng hơn 10 năm. Tuy không được nhiều tiền nhưng đủ lo cho bản thân và phụ thêm cho mẹ. Hơn một tháng nay, dịch bùng phát, tôi không bán nữa vì mẹ tôi lớn tuổi lại bị ung thư thời kỳ cuối, nếu không may nhiễm bệnh lại khổ. Bình thường nếu không có tiền thì hai mẹ con tôi có thể chia nhau hộp cơm là đủ nhưng tiền thuốc để duy trì sự sống cho mẹ tôi thì phải có. Có tiền hỗ trợ này cũng đỡ lắm. Dịch bệnh lần này, tôi nghĩ sẽ có nhiều người còn khổ hơn tôi nên tôi sẽ cố gắng thu vén để giảm bớt gánh nặng cho xã hội”.

Phường 11, quận Bình Thạnh cũng là một trong những phường thực hiện việc chi hỗ trợ cho người dân trên địa bàn khá sớm.

Bà Nguyễn Thị Sáu (phường 11, quận Bình Thạnh) vừa được cán bộ trao tiền hỗ trợ chia sẻ: “Tôi làm nghề chạy xe ôm truyền thống. Cách đây hai tháng, tôi bị tai nạn gãy tay, mất nguồn thu nhập. Cả tháng nay, nhờ phường hỗ trợ một số thực phẩm cũng đỡ vô cùng. Nay nhận được hỗ trợ, tôi rất mừng vì có thể an tâm chờ bớt dịch lại tiếp tục mưu sinh”.

“Tiền bán vé số hằng ngày là thu nhập duy nhất của tôi. Vì tuổi cao lại có bệnh huyết áp cao nên tôi bán được ít, tiền chỉ đủ ăn hằng ngày. Mấy hôm nay thực hiện giãn cách, tôi ngưng bán nên không có tiền ăn cơm. Vô hoàn cảnh như hiện nay, tôi mới thấm cái cảnh sợ nhất là đói mà chết. Tiền hỗ trợ lần này chúng tôi rất cần, cần lắm!” - bà Ngô Thị Hồng (đường Phan Văn Trị, phường 11, quận Bình Thạnh) cho biết.

Hỗ trợ càng sớm dân càng đỡ khổ

Việc chi hỗ trợ cho NLĐ tự do tại các địa phương trong những ngày giãn cách xã hội, tùy vào những trường hợp cụ thể mà cán bộ phường sẽ thực hiện cách trao tiền đến người dân khác nhau.

Một đại diện UBND phường Thạnh Xuân, quận 12 cho biết: Theo dự kiến của phường thì đợt dịch này, trên địa bàn phường có khoảng 600-700 NLĐ tự do đủ điều kiện được nhận hỗ trợ.

Hiện phường đã hoàn thành chi hỗ trợ được 247 người và tiếp tục lập danh sách trình lên quận. Vì thế, nếu người dân thấy mình thuộc đối tượng được nhận hỗ trợ và đủ điều kiện như có đăng ký thường trú hoặc tạm trú ở địa phương, không có nguồn thu nhập hoặc thu nhập dưới 4 triệu đồng thì liên hệ đến khu phố, phường để hội đồng đưa vô danh sách xét duyệt.

“Đợt này, do đang giãn cách nên phường sẽ chia từng nhóm xuống khu phố, hẹn người dân lần lượt đến nhận. Ngoài ra, đối với những người đang trong khu vực phong tỏa, cán bộ phường sẽ xuống khu vực phong tỏa và phối hợp với lực lượng ở đó trao tiền đến tay người dân. Riêng những người khuyết tật, người già đi lại khó khăn, cán bộ sẽ đến tại nhà phát” - một đại diện UBND phường Thạnh Xuân, quận 12 cho hay.

Theo bà Triệu Thị Bích Huyền, Phó Chủ tịch UBND phường 11, quận Bình Thạnh, việc thực hiện thủ tục và trao tiền cho NLĐ tự do đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo tinh thần xét duyệt đến đâu thì phát hỗ trợ đến đó.

“Đợt hỗ trợ lần này phải nói là cán bộ phường đã chạy đua với thời gian để cố gắng làm sao tiền hỗ trợ đến tay người dân càng sớm càng tốt. Đợt dịch này kéo dài quá lâu, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Phường đã cử cán bộ đến tận nhà của người dân trao tiền. Cán bộ trao tiền phải thực hiện đầy đủ cách phòng chống dịch, bảo đảm vừa an toàn cho người dân và cho chính mình” - bà Huyền cho biết thêm.

Ông NGUYỄN HỮU TRUNG (ngụ phường 15, quận Gò Vấp), tài xế taxi:

Thu nhập chính không còn nên nghe được hỗ trợ mừng lắm

Ngày thường, tôi là lao động chính của cả gia đình. Vì vợ thường xuyên đau bệnh và có cháu nhỏ nên chỉ ở nhà bán đồ tạp hóa lặt vặt, thuốc lá, trà tắc... Căn nhà chúng tôi đang ở cũng là nhà thuê, hơn một tháng nay tôi không còn đi làm được nên không có thu nhập, phải đi vay mượn để duy trì cuộc sống hằng ngày cho vợ con. Vừa rồi, nghe chú tổ trưởng dân phố nói gia đình sẽ được TP hỗ trợ, tôi mừng lắm.

Chị BÙI THANH TÂM (ngụ phường 12, quận Gò Vấp),
giáo viên trường mầm non
:

“Tôi mong TP.HCM nhanh khỏe lại”

 Tôi dạy ở trường mầm non tư thục theo hợp đồng ngắn hạn nên khi dịch bệnh xảy ra và các cơ sở của trường phải đóng cửa, các giáo viên như tôi đều không có lương hỗ trợ. Chồng tôi là nhân viên tại một doanh nghiệp ở quận Tân Bình và cũng phải nghỉ vì doanh nghiệp đóng cửa. Cả hai vợ chồng đều mất thu nhập trong thời gian này đã khiến gia đình gặp nhiều khó khăn.

Vừa rồi, nhận được tin TP sẽ hỗ trợ, tôi rất vui và hy vọng TP sớm vượt qua cơn đại dịch này, mở cửa các hoạt động và trường học trở lại để các cháu bé có thể đi học và chúng tôi cũng được làm việc trở lại.

LÊ THỊ HAI (phường 3, quận 11):

Chú tổ trưởng nói hỗ trợ 1 triệu đồng, thấy ấm áp quá

Hằng ngày tôi phải đi lượm ve chai, có đi thì mới có cái ăn cô à! Một ngày tôi cũng lượm được vài chục ngàn, đây là thu nhập giúp bản thân không bị đói bởi con cái tôi đi làm ăn xa hết rồi. Lâu nay tôi ở một mình trong xóm trọ.

Vừa rồi, thấy chú tổ trưởng dân phố xuống hỏi thông tin, nghe nói tôi được chính quyền hỗ trợ hơn 1 triệu đồng. Nghe được vậy ấm áp lắm, tôi mong xóm trọ nghèo ai cũng được hỗ trợ như mình để vượt qua đợt dịch rất dữ này.


Làm hết sức để “không còn ai khó khăn bị bỏ lại”

Khi gói hỗ trợ 886 tỉ đồng của TP.HCM được triển khai, hệ thống chính trị quận 5 đã tập trung thực hiện ngay việc rà soát, xét duyệt các đối tượng được hưởng chính sách và hoàn thành việc hỗ trợ sớm nhất cho bà con trên địa bàn.

Ngay trong chiều và chiều tối 8-7, đồng loạt 14 phường của quận 5 đã thực hiện việc chi trả tiền hỗ trợ cho hơn 5.900 người lao động tự do trên địa bàn quận. Ngoài số tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người, quận còn vận động các nhà hảo tâm góp tặng mỗi người dân khó khăn 5 kg gạo.

Gói hỗ trợ 886 tỉ đồng của TP.HCM đã đến với dân ảnh 2
Người dân nhận tiền hỗ trợ và quà giúp đỡ từ khu phố 5, phường 1, quận 5. Ảnh: PHAN NHUNG

Cô Kam Thị Phượng Liêm (tổ 52, khu phố 5, phường 1, quận 5) là một trong những hộ dân được hưởng gói hỗ trợ, đã nhận được tiền và vật phẩm, vui mừng chia sẻ: “Ngày thường, tôi bán hủ tiếu hàng rong trên các con đường ở quận 5. Chồng tôi thì không có việc làm cố định nên thu nhập gia đình hết sức bấp bênh. Từ ngày TP.HCM ban hành lệnh giãn cách, gia đình tôi đã hoàn toàn không có thu nhập để trả tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt và còn có con học lớp 10. Tôi phải vay mượn bà con họ hàng để có tiền xoay xở đến khi có thể bán hàng trở lại. Nhận được gói hỗ trợ của chính quyền ngay lúc khó khăn này, tôi vui lắm!”.

Bà Liêm cho biết: “Phường không chỉ trao gói hỗ trợ của TP mà còn cho mỗi hộ 5 kg gạo và rau xanh cùng với một số thực phẩm khác nữa, tôi vui mừng và tự hào vì chính quyền luôn nghĩ tới khó khăn của người dân và bà con mình luôn biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, nhất là trong giai đoạn khó khăn như thế này”.

Bà Thái Kim Hoàng, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ khu phố 5, phường 1, quận 5, chia sẻ: “Ở phường có nhiều trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt như bán vé số, bán bánh mì dạo và thuê cùng khu trọ với nhau. Khi ra nhận hỗ trợ của chính quyền thì họ đều rất xúc động và phấn khởi. Hiện tại, đa số người dân trong khu phố đều đã nhận được gói hỗ trợ, chỉ trừ vài trường hợp chưa tới trực tiếp được, chúng tôi sẽ trao tận tay đến họ để không bỏ sót một ai”.

Ông Hồ Xuân Bắc, Chủ tịch UBND phường 1, quận 5, cho rằng việc thực hiện gấp rút các khâu cần thiết để hỗ trợ kịp thời cho người dân là cần thiết và quan trọng ngay lúc này. “Chính quyền TP đã nhìn thấy những khó khăn của bà con, chọn lựa đứng ở vị trí của dân để đánh giá được tình hình khó khăn người dân lúc này. Gói hỗ trợ 886 tỉ đồng của TP.HCM đã rất kịp thời, giúp bà con phần nào vượt qua khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là khi TP bắt đầu thực thi Chỉ thị 16” - ông Bắc nói.

Ông Bắc khẳng định: “Chúng tôi đã rà soát rất kỹ trước khi phân phát gói hỗ trợ cho người dân để cố gắng làm sao giúp đỡ người dân hết sức có thể để không còn ai khó khăn bị bỏ lại, cũng không có sự hỗ trợ nào phân phát sai đối tượng” - ông Bắc khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm