Hà Nội có phố Dương Khuê

Ông Dương Khuê (1839-1902) là người ở làng Vân Đình, huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Ông là con cả Đô ngự sử Dương Quang và là anh ruột của danh sĩ Dương Lâm. Dòng họ ông danh giá, sản sinh ra nhiều nhân tài. Hậu duệ phải kể đến là Dương Thiệu Tước, Dương Thụ… rồi Lady bom Dương Nguyệt Ánh.

(Nguồn: Wikipedia)

Ông Dương Khuê là người văn hay, chữ tốt. Năm Mậu Thìn (1868), thời vua Tự Đức, ông dự thi đình đỗ tiến sĩ.

Trước đây, ông vẫn được xem là một đại biểu của khuynh hướng "thoát ly hưởng lạc" trong văn học Việt Nam ở nửa cuối thế kỷ 19. Song gần đây, bước đầu giới nghiên cứu đã có cách lý giải mới đối với phần tâm sự của ông gửi gắm trong thơ văn.

Là một viên chức buổi giao thời, đường làm quan không mấy suôn sẻ..., vì thế các sáng tác của ông chính là một phương tiện giúp ông giải tỏa những bất mãn đối với hiện thực...

Bài ca trù tiêu biểu và nổi tiếng của ông Dương Khuê là bài Gặp lại cô đầu cũ:

Hồng Hồng, Tuyết, Tuyết,
Mới ngày nào chửa biết cái chi chi.
Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì!
Ngoảnh mặt lại, đã tới kỳ tơ liễu.
Ngã lãng du thời, quân thượng thiếu,
Kim quân hứa giá, ngã thành ông
Cười cười nói nói thẹn thùng,
Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại.
Riêng một thú Thanh Sơn đi lại,
Khéo ngây ngây dại dại với tình.
Đàn ai một tiếng dương tranh.

Câu chữ Hán“Ngã lãng du thời, quân thượng thiếu/ Kim quân hứa giá, ngã thành ông” nghĩa là: Khi ta đã trưởng thành, lãng du đây đó thì nàng còn nhỏ/ Nay nàng đến tuổi lấy chồng thì ta đã lên ông” - hoàn cảnh trớ trêu làm sao. Nhưng Dương Khuê muốn nói đến cái lỡ làng của cuộc đời ông đấy thôi.

Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì!
Ngoảnh mặt lại, đã tới kỳ tơ liễu.

15 năm thấm thoắt đó là tính từ khi ông đỗ tiến sĩ, được vua Tự Đức biết đến nhưng cũng chẳng làm được gì cho dân, cho nước, cho sự nghiệp bản thân.

Hôm nay, có phố mang tên ông như một sự đánh giá lại. Trân trọng và ngậm ngùi cho thân phận trí thức Việt một thời loạn lạc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm