Hà Nội: Người dân bức xúc với nước sông Đuống

Ngày 5-12, HĐND TP Hà Nội, Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long bước sang phiên chất vấn với vấn đề nóng của địa phương trong thời gian qua được nêu ra.

Nước sông Đuống giá cao vì sao?

Chiều 5-12, trước HĐND TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giải thích thêm về việc vừa qua dư luận đặt vấn đề sự minh bạch trong tính giá nước sạch sông Đuống.

Theo ông Chung, cơ cấu giá nước sạch hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội chỉ có năm yếu tố cấu thành gồm: Giá 1 m3 nước được sản xuất; chi phí vận chuyển; chi phí quản lý nước; lãi suất 5% và chi phí do thất thoát nước được cho phép là 25%.

Ông Chung cho hay từ năm 2013 đến nay, giá nước sạch trên địa bàn TP Hà Nội không có gì thay đổi. “Còn giá nước sạch sông Đuống, TP có thỏa thuận cho nhà đầu tư là 10.246 đồng/m3 nước để lập dự án nhưng nhà máy này vẫn đang chậm tiến độ” - ông Chung giải thích.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giải thích về việc vừa qua dư luận đặt vấn đề sự minh bạch trong tính giá nước sạch sông Đuống.

Ngáo đá: Phải hội thảo rồi mới quản lý

Trong chiều 5-12, HĐND TP Hà Nội đã chất vấn về vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội. Các đại biểu (ĐB) nêu ra thực trạng nhiều vụ án giết người do những người tâm thần, ngáo đá gây ra đang có chiều hướng gia tăng, gây bất an cho người dân. “Đề nghị giám đốc Công an TP Hà Nội làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và các giải pháp để kiểm soát, phòng ngừa, đồng thời kiểm soát và quản lý chặt những đối tượng này?” - ĐB Duy Hoàng Dương (Hoài Đức) nói.

Trả lời, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết từ tháng 8-2016 Công an TP đã tổ chức hội thảo nêu ra khái niệm thế nào là ngáo đá để từ đó chỉ đạo công an cơ sở rà soát, lên danh sách các trường hợp ngáo đá, ngáo rượu để kiểm soát, ngăn ngừa. Hiện Hà nội có 257 đối tượng ngáo đá và khoảng chục trường hợp ngáo rượu.

Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng cho biết hiện nay việc kiểm soát nhóm ngáo đá, ngáo rượu gặp khó khăn do vấn đề pháp lý, chỉ có thể đưa đi cai nghiện khi gia đình họ tự nguyện. Tương tự, xử lý đối tượng tâm thần cũng rất khó khăn, vì đưa vào điều trị phải có kinh phí. Chính quyền không thể đủ tiền để “làm từ thiện”, gia đình phải có trách nhiệm nhưng nhiều gia đình không có tiền, cho vào bệnh viện vài tháng hết tiền cũng phải cho ra…

Cháu bé chết trên xe, Sở GD&ĐT chỉ một phần trách nhiệm

Sáng 5-12, tại HĐND TP Hà Nội, nhiều ĐB chất vấn giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội có trách nhiệm như thế nào trong quản lý nhà nước khi vụ việc cháu bé chết trên xe đưa đón xảy ra và tham mưu cho UBND TP Hà Nội đưa ra những giải pháp nào để không xảy ra những vụ việc tương tự.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội Chử Xuân Dũng thừa nhận ngành giáo dục Hà Nội có “một phần trách nhiệm” trong vụ việc xảy ra ở Trường Gateway.

“Trách nhiệm lớn nhất trước hết thuộc về các cá nhân có liên quan trong việc đưa đón học sinh, giáo viên chủ nhiệm lớp và ban giám hiệu nhà trường” - ông Dũng nói. Theo ông Dũng, sau khi xảy ra vụ việc, Sở GD&ĐT đã đưa ra các giải pháp để tránh xảy ra các sự việc tương tự. Sở đã yêu cầu các trường thống kê tất cả xe đưa đón học sinh.

Hiện nay toàn TP có 246 trường, có 2.293 xe đưa đón 40.900 học sinh đến trường. Sở yêu cầu các đơn vị tham gia dịch vụ đưa đón học sinh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.

Thảm sát Đan Phượng: Kiểm điểm nhiều cán bộ công an

Tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Hoài Nam (Thạch Thất) đã chất vấn giám đốc Công an TP Hà Nội về trách nhiệm phòng ngừa xã hội của công an cơ sở trước những vụ thảm án xảy ra do mâu thuẫn giữa người dân với nhau.

“Trong 56 vụ giết người đặc biệt nghiêm trọng thì chiếm tới 2/3 tội phạm xuất phát từ những mâu thuẫn. Vậy công tác phòng ngừa xã hội ở đây là gì, hay chúng ta chỉ mới làm theo phong trào? Công an TP có giải pháp nào để ngăn chặn các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng?” - ĐB Nam nói.

Trả lời câu hỏi trên, ông Khương đưa ra vụ việc án mạng xảy ra tại huyện Đan Phượng liên quan đến đối tượng Nguyễn Văn Đông chém chết nhiều thành viên trong gia đình là ví dụ điển hình trong phòng ngừa xã hội ở mức yếu kém, trong đó có trách nhiệm của lực lượng công an, nhất là công an cơ sở.

“Qua vụ việc chúng tôi đã yêu cầu Công an huyện Đan Phượng kiểm điểm. Cán bộ đội cảnh sát hình sự, công an phụ trách xã cũng bị kiểm điểm trong vụ việc này. Bởi mâu thuẫn giữa hai anh em không phải là bột phát, mà có nhiều cuộc kiện cáo nhau nhân dân ai cũng biết. Vậy thì trách nhiệm nòng cốt tham mưu của lực lượng công an ở đâu?” - ông Khương nói.

Cần Thơ: Lượng ma túy bị bắt tăng

Chiều 5-12, kỳ họp thứ 14 HĐND TP Cần Thơ bước vào phần chất vấn và trả lời chất vấn.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP, cho biết: Về ma túy, năm 2019 số vụ truy bắt là 332 vụ, giảm 21 vụ. Tuy nhiên, số người nghiện tăng so với năm 2018. Hiện nay các đối tượng không sử dụng ma túy thông thường nữa mà chuyển qua sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp. Trong năm 2019, công an, VKS, tòa án phối hợp xử lý nghiêm, số vụ việc không nhiều nhưng số lượng ma túy bị bắt tăng.

Ông Thuận cũng cho biết trên địa bàn có nhiều nhóm đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng với nhiều hình thức và mức lãi suất khác nhau, nhất là các đối tượng ở các tỉnh khác đến.

Vĩnh Long thiếu 200 bác sĩ

Chiều 5-12, tại kỳ họp 4, HĐND tỉnh Vĩnh Long khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Văn Hên cho biết hiện toàn tỉnh đang thiếu khoảng 200 bác sĩ. Sở Nội vụ và Sở Y tế có thăm dò, khảo sát các bác sĩ đang làm việc ở các bệnh viện lớn, tự chủ, hoàn toàn cho thấy họ chấp nhận làm việc không công (không có bảng lương cụ thể, không được vào biên chế) ở các bệnh viện này chứ không chịu về các bệnh viện thuộc tỉnh. Lý do họ đưa ra là nếu về bệnh viện thuộc tỉnh thì không được phát huy tay nghề của mình. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm