Hà Nội thúc giải ngân vốn đầu tư công, kích thích tăng trưởng

Sáng 8-4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Thành ủy với Ban cán sự đảng UBND TP về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ. Đồng thời cho ý kiến về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn của TP Hà Nội trong năm năm tiếp theo.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ.

Bí thư Hà Nội nêu rõ nhiệm vụ số một của TP hiện nay là phòng, chống dịch nhưng vẫn phải quyết tâm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch để giảm ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế.

Ông Huệ cho rằng thúc đẩy đầu tư công mạnh mẽ hơn nữa là cứu cánh của kinh tế TP trong năm nay và góp phần hoàn thành nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ này.

Tại bản báo cáo, UBND TP Hà Nội chỉ ra một số hạn chế khiến việc giải ngân vốn đầu tư công của TP chậm trễ như năng lực, ý thức trách nhiệm của cán bộ thực hiện dự án đầu tư công; sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương; trách nhiệm, năng lực của nhà thầu thi công...

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Cần nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Ông cũng nhấn mạnh là TP sẽ không điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công mặc dù thu ngân sách của TP sẽ bị ảnh hưởng.

Theo ông Chung, lý do cân đối được nguồn thu là TP sẽ điều tiết vốn từ dự án không hấp thụ hết, chậm tiến độ (khoảng 2.000 tỉ đồng) để chuyển sang dự án hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, ngân sách sẽ được dự phòng bổ sung từ nguồn kết dư và tăng thu 2019, nguồn cải cách tiền lương và dự trữ của TP. 

Ông Chung cho biết TP Hà Nội cũng kiến nghị trung ương xem xét, quyết định tỉ lệ điều tiết về ngân sách trung ương của TP là 35%, được áp dụng cơ chế đặc thù trong rút ngắn thủ tục giải phóng mặt bằng như TP.HCM.

Đồng thời kiến nghị cho phép Hà Nội được chỉ định thầu đối với các công trình trong tình huống cấp bách hiện nay và cho phép Hà Nội giải ngân theo tiến độ đối với các dự án ODA nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư công.

Tại cuộc họp, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh vốn đầu tư công của Hà Nội là con số rất lớn và nếu giải ngân được sẽ có tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế của TP, trước mắt là tác động tới tăng trưởng của quý II-2020. Sau đó sẽ là tăng cường cơ sở hạ tầng, thu hút thêm đầu tư xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

“Nếu các sở, ngành, quận, huyện, các ban quản lý dự án chỉ cần tập trung xử lý công việc, xây dựng cơ chế báo cáo công việc và thông tin giải ngân bằng 1/3 cường độ, trách nhiệm như phòng, chống dịch thôi thì cũng giúp TP giải ngân nhanh lắm rồi” - ông Huệ nói.

Theo đó, ông đề nghị UBND TP thành lập tổ công tác để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thường xuyên giao ban, phối hợp, xác định rõ trách nhiệm từng cơ quan, thống kê từng vướng mắc gắn với trách nhiệm cá nhân và thời hạn hoàn thành đối với các thủ tục giải phóng mặt bằng, lập đơn giá, thiết kế, thi công, thẩm định công trình; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn thi công công trình trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài để đẩy nhanh tiến độ công trình.

Ba tháng đầu năm 2020, tỉ lệ giải ngân đạt 9,8%

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, TP không điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm nay, bao gồm 22.000 tỉ đồng vốn kế hoạch của năm, 11.000 tỉ đồng từ các kỳ giải ngân trước chuyển sang và khoảng 6.000 tỉ đồng vốn kết dư ngân sách của năm 2019 đã được giao cho đầu tư công năm 2020 (tổng là 37.000 tỉ đồng).                                                                                 

Trong ba tháng đầu năm 2020, các chủ đầu tư, nhà thầu đã hoàn thành 18,8% khối lượng công trình đầu tư công, tỉ lệ giải ngân đạt 9,8%, cao hơn mức 7,2% của cùng kỳ năm ngoái.

                                                                                 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm