Hai em bé thoát nạn trong vụ đốt nhà làm 5 người chết

Video: Đại tá Trang Viết Thanh, Trưởng Công an quận 9 thông tin về sự việc.

Chiều 23-1, tại buổi khen thưởng, Đại tá Trang Viết Thanh, Trưởng Công an quận 9, cho biết bà Lê Thị Huệ sinh sống tại căn nhà cấp bốn nằm sâu bên trong con hẻm đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) từ năm 1993. Nạn nhân có bảy con cháu cùng sinh sống tại đây, trong đó có ba người con trai, một con gái, một con dâu và hai cháu nội.
“Phải nói là rất may mắn. Lúc 18 giờ ngày 20-1, hai cháu nội của bà Huệ được người dì đưa về quê ngoại ở Cà Mau ăn tết, đến 4 giờ hôm sau thì vụ cháy xảy ra” - Đại tá Thanh nói.

Đại tá Trang Viết Thanh, Trưởng Công an quận 9, nói tại buổi khen thưởng. Ảnh: TÁ LÂM

Theo Đại tá Thanh, quá trình điều tra theo hai hướng: Cháy do sự cố và cháy có dấu hiệu của tội phạm.

Hướng cháy do sự cố, qua khám nghiệm hiện trường cho thấy căn nhà của bà Huệ có hệ thống điện không được đảm bảo an toàn. Căn nhà có hai bàn thờ thắp đầy nhang, một bếp ga và bốn chiếc xe máy, trong đó ba chiếc để ngang lối ra vào căn nhà... “Do vậy không loại trừ khả năng có sự cố chập điện, rò rỉ ga, đặc biệt rò rỉ nhiên liệu từ bốn chiếc xe máy này” - Đại tá Thanh nói.
Còn hướng điều tra khác tập trung vào dấu hiệu tội phạm. “Bởi vì qua nắm tình hình được biết bà Huệ có sở thích cờ bạc, thường xuyên vay mượn nợ của hàng xóm xung quanh và gần đây có vay mượn nợ của hai nhóm đối tượng, tuy không nhiều - một nhóm 5 triệu và một nhóm 20 triệu nhưng đã có lần đối tượng đến đòi nợ, hăm dọa và tạt sơn để gây sức ép đòi tiền” - Đại tá Thanh nói.
Đến hôm 22-1, Cục Kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) đã có kết luận chính thức về nguyên nhân cháy do con người sử dụng nguồn nhiệt tác động trực tiếp lên các vật liệu và chất cháy - cụ thể là xăng. “Do đó, công an đã chuyển ngay điều tra sang hướng có dấu hiệu tội phạm” - Đại tá Thanh nói và cho biết trước đó ngay sau khi xảy ra vụ việc Công an quận 9 đã rà soát các đối tượng cờ bạc, băng nhóm tội phạm, cho vay lãi nẵng, đòi nợ thuê, xã hội đen.
Từ đó, cơ quan chức năng đã điều tra chuyển sang hướng các mâu thuẫn khác của gia đình nạn nhân. Đến chiều 22-1, công an quận phát hiện một đối tượng có nhiều nghi vấn nhất liên quan đến vụ án - chính là Nguyễn Hữu Phước, nhà ở sát vách, phía sau nhà bà Huệ và nhiều lần gây gỗ vì bị xe máy của gia đình nạn nhân chắn lối đi.
Sau đó, công an quận đã mời Phước về làm việc. Qua 5 giờ đồng hồ đấu tranh, vừa thuyết phục vận động, vừa đấu tranh bằng chứng cứ cụ thể và xác đáng thì Phước mới khai nhận chính là người đã gây ra vụ cháy với động cơ trả thù. Phước khai do thù tức chuyện gia đình bà cho khách đậu xe chiếm lối đi, khiến Phước ra vào khó khăn. Ngoài ra, căn nhà bà Huệ từng là của gia đình Phước, nên muốn mua lại để mở rộng tiện nghi, giá trị nhà sẽ rất lớn.
Phước đề nghị bà Huệ bán nhà nhưng không được chấp thuận nên nảy sinh ý định đốt nhà bà này “để hù dọa”.
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, cho rằng vụ việc này yếu tố khám nghiệm hiện trường rất quan trọng.
“Cháy thì rất phức tạp, trước hết là cứu người và chữa cháy gây ra sự xáo trộn hiện trường. Do đó, công tác khám nghiệm xác định được nguồn nhiệt là điểm phát cháy, đánh giá được nguyên nhân là yếu tố có tính quyết định” - Tướng Phong nói.
Trước đó, công an đã bắt giữ và lấy lời khai của Nguyễn Hữu Phước (hay còn gọi là Hiền, 37 tuổi, ngụ ở phường Phước Long B, quận 9) để điều tra về vụ hỏa hoạn khiến năm người tử vong ở quận 9.
Bước đầu Phước thừa nhận mình chính là người đã phóng hỏa, gây ra vụ cháy khiến bà Lê Thị Huệ (70 tuổi, ngụ ở phường Phước Long B), cùng bốn người thân trong gia đình của bà tử vong. Họ là những người hàng xóm, ở sát vách nhà Phước.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy