Hạn chế phương tiện để có hệ thống giao thông hiện đại

Ông Vũ Hà, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị (Sở GTVT TP Hà Nội), trao đổi như trên với báo Pháp Luật TP.HCM sáng 15-12.

. Phóng viên: Vậy lúc nào tuyến xe buýt BRT mới chính thức đi vào hoạt động?

+ Ông Vũ Hà: Vừa qua, Sở GTVT và Công an TP Hà Nội đã có văn bản rất chi tiết để phân luồng giao thông và hạn chế một số phương tiện vào các khung giờ khác nhau. Hiện UBND TP Hà Nội đã thống nhất phương án đó và giao cho Sở GTVT TP Hà Nội ra quyết định phương án phân luồng cho tuyến xe nhanh BRT.

Dự kiến trong ngày hôm nay, Sở GTVT TP Hà Nội sẽ có quyết định chính thức về ngày, khung giờ hạn chế một số phương tiện. Sau đó, chúng tôi sẽ thông báo lên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân biết chủ động lộ trình của mình. Như vậy, phải đến ngày 31-12 tuyến xe buýt BTR mới chính thức đi vào hoạt động.

Sáng 15-12, công nhân vẫn đang đội mưa hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: PHI HÙNG

. Việc hạn chế xe cá nhân có làm rối hệ thống giao thông TP Hà Nội không khi lượng phương tiện sẽ dồn sang các tuyến đường khác?

+ Tuyến hành lang xe buýt BRT đi qua có mật độ phương tiện đông, vì vậy phải có hệ thống phương tiện công cộng như BRT để tải được nhiều người. Nhưng để hệ thống công cộng chạy được và đảm bảo thông suốt phải hạn chế một số phương tiện. Các phương tiện bị hạn chế sẽ lưu thông trên các tuyến đường đối ứng khác, như đại lộ Thăng Long, Trần Duy Hưng, đặc biệt là tuyến đường Nguyễn Trãi có khả năng đáp ứng lớn lượng xe. Ngoài ra, trong phương án phân luồng giao thông Sở GTVT và Công an TP Hà Nội trình đã lường trước được những vấn đề có thể xảy ra.

Tôi khẳng định trong điều kiện giao thông như hiện nay, nếu không mạnh dạn làm thì sẽ không có đường để đi. Chúng ta phải cố gắng làm một cái gì đó tốt đẹp cho tương lai là vận tải hành khách công cộng, đó cũng là xu hướng chung của cả thế giới. Tất nhiên, khi cấm chỗ này người dân dồn sang chỗ kia nhưng ngoài ra người dân có sự lựa chọn nữa. Ví dụ, người dân có nhà ở Yên Nghĩa mà cơ quan ở Kim Mã thì họ sẽ sử dụng xe buýt và không đi xe cá nhân. Còn nếu chúng ta ngại không làm, trong khi phương tiện cá nhân phát triển như hiện nay thì còn ùn tắc nữa.

Chúng tôi xác định tuyến hành lang BRT ưu tiên phát triển hệ thống công cộng nhưng không có nghĩa là ưu tiên tuyệt đối, phương tiện BRT hay xe buýt vẫn phải nhường đường cho xe cá nhân. Vì trong bối cảnh giao thông hiện nay chúng ta phải chia sẻ giữa cá nhân và công cộng.

Xe buýt nhanh sẽ được ưu tiên lưu thông trên tuyến đường. Ảnh: PHI HÙNG

. Tuyến xe buýt BRT vẫn được cho là thử nghiệm, vậy sau thử nghiệm sẽ ra sao, thưa ông?

+ Thử nghiệm nhưng vẫn hướng tới tương lai, chứ không thử nghiệm rồi bỏ đi. Nếu chúng ta bỏ đi thì giao thông công cộng Hà Nội chẳng bao giờ phát triển được. Chúng ta phải cố gắng để hài hòa giữa công cộng và cá nhân nhằm giúp người dân có quyền lựa chọn. Nếu công cộng tốt người dân đi công cộng, nếu công cộng không tốt người dân sử dụng phương tiện cá nhân, đấy là quyền của người dân.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm