Hàng trăm tàu, hơn 1.000 người tìm kiếm phi công Khải

Đến chiều tối 15-6, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam, vẫn túc trực tại Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn đóng tại hội trường Đoàn điều dưỡng Quân khu 4 (thị xã Cửa Lò) để chỉ đạo việc tìm kiếm chiếc Su-30 mất tích và Thượng tá phi công Trần Quang Khải.

Đến tối cùng ngày, có hơn 80 tàu cá của ngư dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, gần 20 tàu quân sự của biên phòng, kiểm ngư, cảnh sát biển và năm máy bay vẫn đang quần đảo ngoài biển. Trên mỗi tàu cá, ngoài các ngư dân còn có một cán bộ biên phòng, một chiến sĩ bộ đội cùng phối hợp tìm kiếm.

Trước đó, ngay sau khi được cứu đưa vào đất liền, Thiếu tá phi công Nguyễn Hữu Cường nhanh chóng gặp ban chỉ huy thông tin diễn biến vụ rơi máy bay để sở chỉ huy có thêm dữ liệu xác định địa điểm cụ thể chiếc Su-30 gặp nạn, đồng thời đưa ra các phương hướng tìm kiếm người đồng đội còn mất tích.

Trên đường được đưa vào đất liền, qua điện thoại, Thiếu tá Cường thông tin cho báo chí: Lúc máy bay đang cách mục tiêu 15 km, anh bỗng nghe một tiếng nổ từ trong buồng lái. Ngay lập tức anh và phi công Khải bung dù bay cách nhau khoảng 3 km. Lúc rơi xuống biển anh và phi công Khải rơi cách nhau khoảng 6 km. Anh rơi ở gần bờ hơn.

Tàu HQ211 rời cầu cảng Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) tham gia tìm kiếm máy bay gặp nạn. Ảnh: TTXVN

Ngay sau khi được ngư dân cứu vớt lên tàu, anh đã gọi điện thoại cho vợ, đồng thời gọi điện thoại báo ngay về đơn vị là anh còn sống.

Vị trí tàu cá phát hiện phi công Cường ở tọa độ 19,4 độ vĩ Bắc và 106,28 độ kinh Đông. Theo ông Nguyễn Công Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, vị trí phát hiện phi công Cường cách đảo Mắt khoảng 70 km về phía đông bắc và bờ biển thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) khoảng 68 km.

Với các dữ liệu thu thập cùng với thông tin mà phi công Cường cung cấp, Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn khoanh vùng, mở rộng phạm vi tìm kiếm mà phi công Trần Quang Khải có khả năng đang trôi dạt.

Ngoài khu vực máy bay rơi, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đang mở rộng phạm vi với số người tham gia lên đến hàng ngàn người.

Hạ nguồn sông Lam (giáp ranh thị xã Cửa Lò, Nghệ An) và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), nơi khả năng phi công trôi dạt đến rất nhỏ nhưng trực thăng cứu nạn cũng quần đảo kỹ lưỡng để tìm kiếm.

Theo Thượng tướng Tuấn, hiện việc tìm kiếm tiếp tục được mở rộng ra hai bên tọa độ 19,4 độ vĩ Bắc và 106,28 độ kinh Đông. Đây là tọa độ mà tàu cá đã phát hiện và cứu được phi công Cường vào rạng sáng nay.

Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VAMT) đã mang thiết bị dò tìm hộp đen thế hệ mới của Mỹ đến khu vực để thu nhận tín hiệu của hộp đen máy bay bị nạn. Thiết bị này thu được tín hiệu ở khoảng cách 750 m định hướng trên mặt nước và 1 km định hướng dành cho thợ lặn. Đây là hệ thống thiết bị tìm kiếm hộp đen dùng cho việc tìm kiếm cứu nạn và ứng phó khẩn nguy hàng không mà VAMT trang bị theo khuyến cáo của tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Như chúng tôi đã thông tin, lúc 7 giờ 29 sáng 14-6, chiếc Su-30MK2 xuất phát từ sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển. Khi bay đến khu vực đảo Mắt, cách TP Vinh (Nghệ An) khoảng 40 km và cách sân bay Sao Vàng khoảng 200 km thì bị mất liên lạc.

Trên máy bay có hai phi công là Thượng tá Khải và Thiếu tá Cường. Cả hai phi công cùng quê Bắc Giang và là phi công dày dạn kinh nghiệm.

Ngay sau khi chiếc máy bay bị nạn, công tác tìm kiếm cứu nạn đã được triển khai kịp thời, liên tục…

Khen thưởng ngư dân cứu phi công

Chiều 15-6, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam, đã tặng quà cho ngư dân Phạm Xuân Lệ (người đã cứu được phi công Cường khi anh lênh đênh trên biển).

Thượng tướng Tuấn cũng nói lời cám ơn ông Lệ và các ngư dân đã tìm cứu được Thiếu tá Cường. Ông cho là sự dũng cảm của ngư dân Lệ là sự thể hiện tình cảm quân dân gắn bó, sẵn sàng cứu giúp, đùm bọc nhau trong hoàn cảnh khó khăn và mong muốn địa phương tuyên truyền tấm gương người tốt việc tốt của ông Lệ.

Hàng trăm tàu, hơn 1.000 người tìm kiếm phi công Khải ảnh 2

Phóng viên mở điện thoại cho mẹ của Thiếu tá Cường (đang ở Bắc Giang) xem ảnh của con mình được cứu. Ảnh: T.PHAN

Trước đó, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, quân chủng Phòng không Không quân, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã tặng quà, động viên khen thưởng ông Lệ vì có thành xuất sắc trong cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Theo ngư dân Lệ (xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, chủ tàu cá HT 20219 TS), khoảng 4 giờ sáng 15-6, trong lúc đang đánh bắt cá tại vùng biển Nghệ An - Hà Tĩnh, ông nghe tiếng kêu cứu của Thiếu tá phi công Nguyễn Hữu Cường. “Lập tức thuyền của chúng tôi di chuyển theo hướng phát ra tiếng kêu cứu. Khoảng 10 phút sau thì phát hiện ánh sáng trên mặt biển phát ra từ chiếc áo phao cứu sinh. Tiến gần hơn, chúng tôi nhận thấy phi công Cường đang mặc áo phao cứu sinh, tay đưa lên cao ra hiệu. Lúc gặp chúng tôi, sức khỏe anh vẫn ổn định, với vẻ mặt rất vui khi biết mình được cứu. Cùng lúc, hai anh em trên tàu giúp đỡ kéo anh Cường lên tàu” - ông Lệ kể.

Theo ông Lệ: “Vị trí anh Cường được cứu cách Cửa Sót 56 hải lý nên việc bơi vào bờ là không thể. Vì vậy nếu không được cứu kịp thời thì anh Cường sẽ nguy hiểm đến tính mạng”.

Ông Lệ chia sẻ: “Là ngư dân, chúng tôi biết một người đang gặp nạn trên biển sẽ hạnh phúc biết nhường nào khi có thuyền tới cứu. Và chúng tôi, những người cứu được anh Cường cũng vô cùng hạnh phúc vì đã làm được một điều ý nghĩa…”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm