Hãy hiệu triệu toàn dân làm giàu, kiến quốc

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VN) (VCCI) - TS Vũ Tiến Lộc đã đề nghị như thế khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về dự thảo các văn kiện của Đại hội XII của Đảng. Ông nói: Dự thảo văn kiện đại hội lần này tiến bộ hơn với nhiều từ khóa quan trọng như “nền kinh tế hội nhập và hiện đại”, “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng”, “thị trường là nhân tố quan trọng để phân bổ các nguồn lực”… mà các văn kiện trước chưa bao giờ ghi như vậy. Tuy nhiên, cần có những đổi mới đột phá hơn nữa về thể chế, nhất là khi chúng ta vừa kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một bước hội nhập quan trọng nhất của chúng ta.

Dân có giàu nước mới độc lập, tự chủ được

. Phóng viên: Vậy dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần này cần thể hiện nội dung như thế nào cho phù hợp với tình hình mới?

+ TS Vũ Tiến Lộc: Tôi vẫn quan niệm báo cáo chính trị đại hội lần này có ý nghĩa như “bản hịch tướng sĩ”, hiệu triệu toàn dân làm giàu, kiến quốc trong bối cảnh mới. Vì chắc chắn trong những năm tới, chúng ta có nói đến độc lập, dân chủ thì cái cốt lõi của các từ khóa đó vẫn là làm giàu. Dân có giàu thì nước mới mạnh, mới có độc lập, tự chủ và phát huy dân chủ được.

. Tương thích với điều này, ông nghĩ cần phải đặt ra mục tiêu như thế nào trong dự thảo văn kiện đại hội lần này?

+ Trong dự thảo văn kiện Đại hội XII có đề ra một loạt mục tiêu nhưng thiếu một mục tiêu rất quan trọng trong bối cảnh mới. Một điều nhức nhối là VN còn tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Khoảng cách tụt hậu này vẫn chưa được thu hẹp. VN vẫn là một trong bốn nước có trình độ phát triển thấp nhất trong ASEAN. Tôi nghĩ mục tiêu đề ra trong giai đoạn mới không chỉ là chúng ta tiến bộ hơn so với chúng ta ngày hôm qua, mà còn phải thu hẹp khoảng cách với các nước đi trước trong khu vực và trên thế giới.

Chúng ta đã chậm chân hơn thiên hạ, bây giờ chúng ta phải đi nhanh hơn. Phải quyết tâm, chúng ta có thể làm được.

Cần tạo môi trường kinh doanh tốt nhất để toàn dân làm giàu chân chính. Ảnh: V.Hoàng

Doanh nhân phải có vị trí xứng đáng hơn

. Để thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế, đâu là lực lượng quan trọng trong nền kinh tế của quốc gia, thưa ông?

+ Sự nghiệp kinh tế phải là sự nghiệp của toàn dân và doanh nhân là người đứng mũi chịu sào, là lực lượng chủ công xung kích. Chúng ta đã nói đến vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp nhưng còn chưa đề cập thỏa đáng đến vai trò của doanh nhân. Doanh nhân cần phải có vị trí xứng đáng trong xã hội đương đại cũng như trong các văn kiện. Trước đây cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp chỉ ghi nhận liên minh Công-Nông. Sau đó, Đảng ta đã bổ sung thêm đội ngũ trí thức vào liên minh nền tảng Công-Nông-Trí. Và hiện nay là thời điểm thích hợp để chúng ta bổ sung vào nền tảng này đội ngũ doanh nhân. Tôi đề nghị liên minh nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc trong bối cảnh mới nên là Công-Nông-Trí-Doanh.

Điều này phù hợp với quan điểm của Hồ Chủ tịch và Đảng ta ngay từ khi thành lập nước VN Dân chủ Cộng hòa. Bởi chúng ta biết ngôi sao vàng năm cánh trên lá cờ Tổ quốc là đại diện cho năm lực lượng trong xã hội: Sĩ-Nông-Công-Thương-Binh. Và trên mặt trận kinh tế thì liên minh nền tảng phải là Sĩ-Nông-Công-Thương. Như thế chúng ta mới tập hợp được sức mạnh của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

. Nếu đưa doanh nhân vào liên minh nền tảng thì phải chăng văn kiện Đại hội XII cần làm rõ hơn về vai trò của kinh tế tư nhân?

+ Ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, kinh tế tư nhân bao giờ cũng là động lực, còn Nhà nước giữ vai trò quản lý, kiến tạo - tạo sân chơi, luật chơi, làm trọng tài để đảm bảo đất nước có được môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi và bình đẳng… Khu vực kinh tế tư nhân không phải chỉ là của các doanh nghiệp tư nhân mà còn bao gồm cả hợp tác xã, các hộ kinh doanh, các cá nhân kinh doanh… Đó là khu vực dân doanh, một cách nói riêng của VN mà nhiều năm nay chúng ta vẫn hay dùng.

Chúng ta đã đi qua bao nhiêu năm cách mạng, chúng ta hiểu rằng mọi sức mạnh đều nằm ở nơi dân. Đẩy con thuyền kinh tế của đất nước đi lên, tại sao không phải là dân? Dân là động lực, còn Nhà nước giữ vai trò chèo lái. Nhà nước quản trị, phục vụ, hướng dẫn, tạo môi trường.

Sứ mệnh Nhà nước: Tạo môi trường kinh doanh tốt nhất

. Nếu có một khẩu hiệu khuyến khích toàn dân làm giàu chính đáng, ông nghĩ là gì?

+ Tôi nhớ mãi, ngày xưa Bác Hồ đã tập hợp toàn dân xung quanh Bác, xung quanh Đảng để làm cách mạng, giành chính quyền bằng khẩu hiệu: “Người cày có ruộng”. Bây giờ tôi nghĩ khẩu hiệu quan trọng nhất của chúng ta phải là: “Người kinh doanh có môi trường kinh doanh tốt”. Nhà nước tạo môi trường, người dân làm kinh doanh. Cho nên tôi muốn nhắc lại: Khẩu hiệu tốt nhất hiện nay để bắt kịp được với thế giới là: VN phải có một môi trường kinh doanh tốt nhất và toàn dân hãy làm giàu. Tất nhiên là làm giàu chân chính.

. Vậy theo ông, để có môi trường kinh doanh tốt nhất cần phải cải cách thể chế theo hướng nào?

+ Nghị quyết 19 của Chính phủ đã đưa ra mục tiêu: Môi trường kinh doanh của VN phải đứng vào nhóm bốn nước đứng đầu trong ASEAN. Tôi nghĩ chúng ta không chỉ dừng lại ở mục tiêu đó mà còn phải có khát vọng và kế hoạch biến VN thành quốc gia có môi trường kinh doanh thuộc nhóm tốt nhất trên thế giới.

Chúng ta vẫn biết nguồn lực của Nhà nước là hữu hạn nhưng nguồn lực trong dân và đặc biệt trí tuệ của trên 90 triệu dân (trong tương lai là trên 100 triệu dân) là vô hạn. Chỉ khi phát huy, khơi nguồn được trí tuệ và sức mạnh của dân thì kinh tế đất nước chúng ta mới không thua kém các nước khác trên thế giới. Mà con đường để khơi nguồn sức dân là cải cách thể chế.

Cho nên tôi nghĩ đại hội lần này phải cố gắng tạo một bước đột phá về thể chế để xây dựng môi trường kinh doanh thật tốt ở VN theo hướng kiến tạo một nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Một thể chế bảo đảm minh bạch, an toàn, bình đẳng, thúc đẩy được sự sáng tạo ở nơi dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm