Hiểm họa tai nạn đường ngang

Không có đèn tín hiệu, biển báo hay rào chắn là tình trạng chung của những điểm giao giữa đường ngang dân sinh với đường sắt trên nhiều địa bàn ở cả nước. Đó là những điểm đen tai nạn, hiểm họa được báo trước nhưng địa phương và ngành đường sắt vẫn chưa có giải pháp căn cơ.

Điểm đen tai nạn

Khoảng 6 giờ 30 ngày 23-4, bà Trần Thị A. (60 tuổi) điều khiển xe máy chở cháu là Trần Đỗ Duy H. (tám tuổi) đi học. Khi đi đến điểm giao nhau giữa đường ngang dân sinh và đường sắt khu phố 1, phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa thì bị tàu hỏa mang số hiệu SE 25 va vào. Cú va chạm khiến bà A. và cháu H. bị hất văng hơn 10 m, tử vong tại chỗ. Trước đó, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trên đoạn đường sắt qua địa bàn phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa.

Ngày 24-5, PV đến một số tuyến đường ngang dân sinh cắt qua đường sắt, được xem là điểm đen tai nạn để ghi nhận. Theo quan sát, hầu hết tuyến đường ngang qua khu vực khu phố 1, phường Tân Hiệp đều ở khu dân cư đông đúc, hàng ngàn lượt xe qua lại mỗi ngày nhưng vấn đề an toàn chưa được chú trọng. Khi người dân qua các đường ngang này dường như không chú ý chuyện tàu đang đến, cũng như không dừng lại để quan sát xong mới lưu thông qua đường sắt. Một số đoạn qua đường ngang dân sinh bị nhà cửa và cây xanh che lấp hết, tầm nhìn rất hạn chế. Trong khi tàu qua khu vực này có vận tốc lớn, khoảng 80 km/giờ. Chưa kể, đoạn đường ngang dân sinh băng qua đường sắt khu vực này còn có độ dốc tương đối cao, nếu tàu đến nhanh, rất có thể người dân trở tay không kịp.

Người dân lưu thông qua đường ngang dân sinh khu vực khu phố 1, phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa. Ảnh: TIẾN DŨNG

Quốc lộ 1A và đường sắt sát nhau, khi xe tải từ đường ngang ra vào quốc lộ 1A (đoạn huyện Nghi Lộc, Nghệ An) làm tắc luôn cả quốc lộ và đường sắt Bắc-Nam. Ảnh: Đ.LAM

Vụ tai nạn nghiêm trọng ở đường ngang hợp pháp tại Km 1556+800 thuộc khu Suối Vận-Mương Mán (Bình Thuận). Ảnh: PHƯƠNG NAM

Biết nguy hiểm nhưng vẫn đi

“Bà con nhận thấy việc đi lại như thế này là cực kỳ nguy hiểm. Bởi chưa có tín hiệu cảnh báo để biết mà dừng lại khi có tàu đến, người dân nhiều lần kiến nghị lắp đèn tín hiệu song chưa nhận được hồi âm của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, không còn cách nào khác để phục vụ nhu cầu đi lại một cách thuận tiện hơn, mọi người chấp nhận đánh cược với việc đi lại nguy hiểm này” - ông Thành, ngụ khu phố 1, phường Tân Hiệp, cho biết.

Cũng theo ông Thành, con đường dân sinh cắt ngang qua đường sắt tại khu phố 1, phường Tân Hiệp mỗi ngày có khoảng 3.000 lượt người dân qua lại. Học sinh đi học, công nhân, cán bộ, công chức đi làm. “Bởi thông qua con đường này rút ngắn được rất nhiều khoảng cách từ nhà đến các công ty ở KCN Amata, Trường ĐH Đồng Nai, các trường trung học ở khu vực lân cận, cũng như các trung tâm thương mại. Nên mặc dù nguy hiểm nhưng người dân vẫn cứ đi” - ông Thành nhận định.

Chúng tôi khảo sát tuyến đường sắt ga Mương Mán đến ga Phan Thiết, dài 9,2 km đi qua hai huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và ngoại ô TP Phan Thiết, đường ngang dày đặc như bàn cờ, cứ vài chục mét lại có một con đường tự phát. Cũng tại tuyến đường này, ngày 30-4, dù đã được nhiều người cảnh báo tàu sắp đến nhưng ông B. (ngụ Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc) vẫn chạy xe máy băng qua đường tàu và hậu quả thiệt mạng tại chỗ.

Chúng tôi băn khoăn về đường ngang hợp pháp tại Km 1556+800 thuộc khu Suối Vận-Mương Mán (Bình Thuận) nơi thường xuyên xảy ra tai nạn. Đây là con đường nhựa khá lớn nối các xã Hàm Kiệm, Hàm Thạnh, Hàm Cần, Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam). Mỗi ngày mật độ phương tiện qua lại khá lớn nhưng đến nay vẫn chưa lắp đặt gác chắn. Sáng 15-5, tại đường ngang này, đoàn tàu SPT2 chạy tuyến Sài Gòn-Phan Thiết đang băng băng về ga cuối phải hãm phanh khẩn cấp do xe tải 86H-2658 lao vào thân tàu. Tài xế NTĐ bị văng khỏi xe cả chục mét và tử vong khi cấp cứu.

Cũng ở vị trí này, ngày 24-4-2012, đoàn tàu SPT2 va vào xe ben 61P-3728 khiến ba toa tàu bị trật đường ray văng ra khỏi đường sắt, đầu máy tàu đứt lìa; xe ben đứt đôi, tài xế thiệt mạng tại chỗ.

Anh Nguyễn Văn Thanh, người thường xuyên qua lại điểm giao cắt này, cho biết: Mỗi ngày có mấy chục đoàn tàu chạy và không thể biết giờ nào tàu sẽ qua nên mỗi lần đi qua đây anh rất lo lắng. “Vì mưu sinh hằng ngày tôi phải chở thanh long qua đây. Mỗi lần băng qua đường sắt tôi đều thấy ớn lạnh” - anh Thanh chia sẻ.

Chưa có giải pháp căn cơ

Thiếu tá Trần Vinh Quang, Đội trưởng Đội CSGT đường sắt Công an tỉnh Bình Thuận, cho biết đường ngang trái phép quá nhiều, đơn vị đã từng phối hợp đào phá đường ngang và cắm cọc chắn. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn người dân đắp lại đường, nhổ cọc chắn.

“Nguyên nhân tất cả vụ TNGT đường sắt gần đây đều do người điều khiển phương tiện lơ là, không chú ý quan sát bởi khi tàu chuẩn bị đi qua các đường ngang dân sinh đều kéo còi từ rất xa” - Thiếu tá Quang nhận định.

Một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Đối với đường ngang trái phép, tỉnh làm rất quyết liệt nhưng người dân luôn bất hợp tác. “Tôi nghĩ nếu đường ngang dân sinh còn dày đặc như hiện nay thì tai nạn còn tiếp tục xảy ra chứ khó kiềm chế được” - vị này cho biết.

Theo ông Kiều Đình Đông, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh, tai nạn thường xảy ra tại những vị trí đường bộ giao với đường sắt không có rào chắn và những đường ngang dân sinh tự mở trái phép. Ông Đông cho rằng để hạn chế TNGT, giải pháp hữu hiệu là thiết lập các rào chắn hoặc hệ thống cảnh báo tự động. Tuy nhiên, cả hai giải pháp này đang gặp khó khăn vì thiếu vốn, thiếu nhân lực.

Ông Võ Minh Đức, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT tỉnh Nghệ An, cho biết: Thời gian qua chính quyền địa phương và ngành đường sắt đã xóa được 100 đường ngang dân sinh qua đường sắt do người dân mở tự phát. Tuy nhiên, ở Nghệ An còn hơn 190 đường ngang dân sinh mở trái phép qua đường sắt.

Theo ông Đức: “Nguyên nhân tai nạn là do chủ quan của người đi bộ, người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát. Có trường hợp xe ô tô chở người đi cưới về mở nhạc lớn, khi đi qua đường sắt không nghe tiếng còi tàu, dẫn đến tàu lao tới đâm vào xe. Màu sơn đầu tàu hỏa tối, chưa bắt mắt, hệ thống biển báo, cảnh báo đang còn bất cập…”.

Ông Đức cũng cho biết: “Chúng tôi nhiều lần kiến nghị cần sơn lại đầu tàu hỏa nhưng ngành đường sắt chưa làm. Bởi màu sơn đầu tàu hỏa hiện nay hơi tối, khi bị rỉ, tróc sơn màu đầu tàu nhìn giống màu đường sắt. Do vậy cần sơn lại đầu tàu màu vàng hoặc màu da cam để cho bắt mắt người dân, dễ nhìn thấy và phán đoán tàu đến tốt hơn. Hiện nay các biển báo, biển cảnh báo của đường sắt quá nhỏ lại không bắt mắt. Chúng tôi kiến nghị làm biển báo, cảnh báo thật lớn, biển nền màu vàng, chữ xanh đậm. Vì đường ngang dân sinh nhiều, chúng tôi cũng đang kiến nghị nếu không đủ kinh phí lập gác chắn thì lắp hệ thống âm thanh cảnh báo tự động”.

Bài toán khó

Ban ATGT tỉnh Nghệ An cho biết năm 2014 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hơn 20 vụ tai nạn đường sắt liên quan đến đường ngang dân sinh, làm chết 20 người, sáu người bị thương, hư hỏng bốn đầu máy tàu hỏa, ba xe ô tô, tám xe máy, một xe đạp (tăng năm người chết so với năm 2013). Từ đầu năm 2015 đến nay, đường sắt qua tỉnh Nghệ An đã xảy ra hơn 10 vụ, làm chết bốn người và nhiều người bị thương.

Tuyến đường sắt Bắc-Nam, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có chiều dài trên 90 km, với hơn 100 tuyến đường ngang dân sinh người dân tự mở để phục vụ nhu cầu đi lại của mình. Nhiều địa bàn mặt tiền nhà là đường sắt, TNGT đường sắt là bài toán khó chưa có lời giải đáp của chính quyền cũng như của người dân nơi đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm