Hoãn xử vụ án đất đai ở An Giang

Ngày 29-8, theo dự kiến, TAND tỉnh An Giang sẽ tiếp tục phiên xử vụ án đất đai ở TP Long Xuyên với phần tranh luận. Tuy nhiên, sau khi quay lại phần xét hỏi một số bị cáo, HĐXX đã tuyên bố hoãn xử vì nhiều lý do, trong đó có lý do tòa mới nhận được kết quả giám định thiệt hại, gây ảnh hưởng đến quyền bào chữa của các luật sư và bị cáo.

Tránh oan sai, lọt tội

Luật sư Võ Đức Toàn cho rằng ngay những ngày đầu xét xử, luật sư đã có kiến nghị và HĐXX cũng hứa khi nào thấy cần thiết sẽ triệu tập những người liên quan nhưng đến nay vẫn không thấy họ xuất hiện. HĐXX cũng từng nói những trường hợp tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất mà không đảm bảo diện tích tối thiểu thì không được công chứng. Thế nhưng hầu hết hợp đồng chuyển nhượng đều được công chứng mà không đảm bảo diện tích tối thiểu, vậy công chứng viên có phạm tội không?

Hoãn xử vụ án đất đai ở An Giang ảnh 1

Các bị cáo sau khi tòa tuyên bố hoãn xử. Ảnh: VĨNH SƠN

“Nếu không có công chứng viên ký thì sẽ không có các bị cáo phạm tội như hôm nay. Do vậy, yêu cầu HĐXX triệu tập các công chứng viên để làm rõ, tránh lọt tội, oan sai” - luật sư Toàn kiến nghị.

Bị cáo Lâm Văn Thiệu (nguyên trưởng Phòng Quản lý phát triển đô thị) khai sở dĩ mình ký vào các tờ trình xác nhận đúng quy hoạch và đủ điều kiện tách thửa ở khu dân cư (KDC) UBND phường Mỹ Quý vì lúc đó chưa có quy định về diện tích tối thiểu của dự án (từ 2 ha trở lên). Bị cáo Hồ Đăng Chiến (nguyên phó chủ tịch UBND TP Long Xuyên) khai ngoài thông báo ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh (nay là Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) cho phép KDC phường Mỹ Quý tồn tại thì còn có văn bản công nhận KDC này bằng bản quy hoạch chi tiết (1/500).

Luật sư Lê Văn Phúc nói năm 2009, HĐND tỉnh An Giang còn ra nghị quyết để đặt tên các con đường cho khu nhà ở của cán bộ, công nhân viên phường Mỹ Quý và TP Long Xuyên. Và theo quy hoạch chung TP Long Xuyên đến năm 2020 thì KDC phường Mỹ Quý phù hợp quy hoạch. Đến năm 2012 những bị cáo liên quan KDC này mới bị khởi tố theo kiểu quy ngược thời gian nên có khả năng họ không phạm tội.

Chưa có thiệt hại cụ thể làm sao xử?

Ngoài ra, theo kết luận của hội đồng định giá tài sản ngày 28-8 thì hội đồng này chỉ thẩm định hồ sơ dự toán ở bảy KDC do VKSND tỉnh An Giang cung cấp, không định giá tài sản cụ thể (theo quy định tại Thông tư số 55/2006/TT-BTC ngày 22-6-2006 của Bộ Tài chính). Theo đó, bảy KDC trên đều chưa đủ cơ sở để thẩm định chi phí xây dựng. Do đó, nhiều khoản chi phí khác cũng không thể thẩm định.

Cuối cùng, bản kết luận trên không đưa ra được con số thiệt hại cụ thể ở bảy KDC là bao nhiêu. “Nếu không có thiệt hại thì làm sao xử. Hơn nữa, thiệt hại đưa ra sau khi mở phiên tòa là chưa phù hợp với tố tụng hình sự” - các luật sư nói.

Sau khi HĐXX hội ý, chủ tọa phiên tòa cho rằng đến ngày 29-8 tòa mới có được kết quả giám định thiệt hại mà nếu các bị cáo và các luật sư không tiếp cận được thì sẽ ảnh hưởng đến quyền bào chữa của các bị cáo, các luật sư. Trong khi đó, kết quả này ảnh hưởng rất lớn đến định tính và định lượng trong việc xem xét hành vi phạm tội của các bị cáo.

Ngoài ra theo tòa, trong quá trình xét xử thì văn phòng công chứng và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chưa có mặt. Điều này ảnh hưởng đến việc làm sáng tỏ vụ án. Để đảm bảo quyền bào chữa của các bị cáo và các luật sư, HĐXX tạm hoãn phiên tòa và sẽ xem xét mở lại sau.

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm