Hỏi đê Kế Sách, trả lời đê Trần Đề

Trước phiên chất vấn tại Quốc hội sáng nay 13-6, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đã trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Trưởng ban Nguyễn Thanh Hải cho hay: “Các bộ, ngành còn quá chú trọng tới việc trả lời các kiến nghị (để tránh tồn đọng) mà chưa quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết, hoặc xây dựng lộ trình giải quyết dứt điểm kiến nghị”.

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội:  "Cá biệt có văn bản trả lời còn chưa rõ, chưa đúng, chưa đầy đủ với câu hỏi mà cử tri nêu". Ảnh: CHÂN LUẬN

Điều này, theo bà Nguyễn Thanh Hải, dẫn đến thực trạng số lượng kiến nghị được trả lời là rất lớn nhưng chất lượng của việc giải quyết kiến nghị còn chưa cao, số kiến nghị được trả lời chỉ bằng việc cung cấp thông tin còn nhiều (68%). Cá biệt có văn bản nội dung trả lời còn chưa rõ, chưa đúng, chưa đầy đủ với câu hỏi mà cử tri nêu.

“Cử tri tỉnh Bình Dương hỏi về “việc chi trả chế độ bồi dưỡng đối với người hoạt động không chuyên trách được giao nhiệm vụ tiếp công dân ở cấp xã”. Trả lời lại nêu về chế độ chi trả bồi dưỡng đối với công chức kiêm nhiệm”, bà Nguyễn Thanh Hải dẫn chứng.

Không dừng lại ở đó, bà Nguyễn Thanh Hải còn nêu ví dụ khác: ”Cử tri Sóc Trăng kiến nghị cần sớm nghiên cứu xây dựng đê bao ngăn mặn khép kín cho các tuyến đê tại huyện Kế Sách và thị xã Vĩnh Châu. Trả lời lại nêu “... hệ thống đê biển, đê cửa sông thuộc huyện Trần Đề hàng năm đều được Chính phủ bố trí kinh phí,...”.

Một trong những hạn chế bà Nguyễn Thanh Hải nêu ra là việc thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu để giải quyết dứt điểm các kiến nghị, các vụ việc cụ thể mà cử tri phản ánh còn nhiều hạn chế.

“Thanh tra vụ việc thường chỉ được thực hiện sau khi phát hiện vi phạm; việc tiếp công dân, đối thoại với công dân, đặc biệt là ở cấp xã, huyện có lúc, có nơi còn bị xem nhẹ...”, bà Nguyễn Thanh Hải cho hay.

Báo cáo về vấn đề này của UB Thường vụ Quốc hội cho biết: qua 2.073 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 2, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đã tổng hợp được 3.320 kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội.

Các kiến nghị đề cập đến mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội, từ chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân. Đến nay, 100% kiến nghị đã được trả lời, đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm