Họp báo Chính phủ: Nóng chuyện xử lý cán bộ

Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tối 3-10 thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong bối cảnh hàng loạt cán bộ cấp cao vừa bị kỷ luật, đề nghị xử lý kỷ luật cùng các vấn đề như cục phó mất 385 triệu đồng, chậm công bố kết quả thanh tra ở Yên Bái…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng các thành viên của Chính phủ đã trả lời hầu hết câu hỏi mà báo chí đặt ra.

Bức tranh sáng về kinh tế

Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin: Phiên họp Chính phủ cùng ngày dành nhiều thời gian đánh giá kết quả thực hiện kinh tế-xã hội chín tháng vừa qua. Theo đó GDP tăng nhờ nông nghiệp, công nghiệp có sự bứt phá. Chẳng hạn ngành nông nghiệp chín tháng tăng 2,98%; công nghiệp tăng 9,17%, trong đó sản phẩm linh kiện điện tử, sản xuất kim loại tăng 2,41%.

“Ngay cả Samsung quý III tăng trưởng 45%; còn Formosa dù mới đi vào hoạt động nhưng năm nay sẽ đạt 1,5 triệu tấn thép. Phần tăng này sẽ bù đắp vào khai khoáng giảm” - Bộ trưởng Dũng phân tích.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại cuộc họp báo. Ảnh: CL

Về hưu cũng xem xét

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan tới việc nhiều cán bộ cấp cao dính sai phạm trong các vụ án kinh tế lớn như Phạm Công Danh, OceanBank..., Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định quan điểm của Đảng, Chính phủ là quyết tâm chống tham nhũng và tiêu cực. Ông nói: Không chỉ các vụ án lớn mà ngay cả việc sử dụng bằng cấp, ô tô… đều được xem xét rất kỹ. “Tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư và quyết tâm của Chính phủ là xem xét công khai, đúng người, đúng tội và không có vùng cấm… Thông qua các vụ việc nói trên, các lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng thấy đây là một bài học cần rút ra trong công tác cán bộ” - ông nói.

“Khi phát hiện các vụ việc thì phải xác minh và kết luận trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có sai phạm. Ngay cả cán bộ đã về hưu vẫn xem xét kỷ luật và các vấn đề này đều được công khai” - Bộ trưởng Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Dũng, qua việc xử lý các vụ án nói trên, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước là rất tốt. “Chính phủ và Thủ tướng tiếp tục giao các cơ quan thanh tra nhà nước thanh tra các vụ việc, các dự án thua lỗ kéo dài để công khai cho công luận” - Bộ trưởng Dũng thông tin.

Kỷ luật bí thư, chủ tịch Đà Nẵng đã tính toán cả rồi

Báo chí nêu câu hỏi về việc Bí thư Nguyễn Xuân Anh của Đà Nẵng vừa bị đề nghị kỷ luật, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cũng đã bị cảnh cáo, liệu có ảnh hưởng đến việc tổ chức APEC tại địa phương này trong thời gian tới? Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: “Chúng tôi khẳng định việc kỷ luật trên không ảnh hưởng gì tới sự kiện APEC diễn ra tháng 11 tới đây”.

Ông cũng thông tin Ủy ban Quốc gia về hội nghị có rất nhiều cơ quan tham gia. Các hội nghị trù bị cho APEC diễn ra bình thường, không khí đón chào sự kiện của người dân, tình hình an ninh trật tự, các điều kiện cơ sở vật chất, các phương án tổ chức tại Đà Nẵng vẫn được tiến hành bình thường.

“Nếu không có gì thay đổi thì APEC có sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chúng ta là nước chủ nhà và mọi điều kiện đang được chuẩn bị tốt” - ông nói.

Khẳng định thêm với báo chí, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: “Việc kỷ luật bí thư, chủ tịch Đà Nẵng và những sự sắp xếp sau đó thì Đảng và Nhà nước đã tính toán cả rồi, tất cả sẽ được tiến hành tốt”.

Yên Bái chậm là do chủ quan và khách quan

Trả lời báo chí những câu hỏi về thanh tra tài sản ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái, ông Bùi Ngọc Lam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, thừa nhận việc công bố kết luận thanh tra này chậm “nhưng có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khi vụ việc được sáng tỏ sẽ công khai. Trong phiên họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng đã yêu cầu không chỉ Yên Bái mà các cuộc thanh tra khác phải nhanh chóng công bố cho dư luận”.

Báo chí đề nghị ông cho biết cụ thể “nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì?”, ông Lam nói: “Chúng tôi sẽ nêu rõ nguyên nhân khi có kết luận chính thức về vụ việc này… Chậm công bố không vì mục đích nào khác ngoài việc để xem xét thận trọng hơn. Tôi khẳng định trong vụ việc này Thanh tra Chính phủ không hề chịu một áp lực nào”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm