Họp báo Chính phủ: Nóng với camera Sóc Trăng, 9 người trốn...

Chiều 2-10, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ nhiều vụ việc nóng đã được báo chí đặt câu hỏi với đại diện các bộ, ngành. Điển hình là vụ chín người theo đoàn công tác của Quốc hội bỏ trốn tại Hàn Quốc; tin đồn Sabeco bán cổ phần cho nhà đầu tư Trung Quốc… Đặc biệt là vụ dùng tiền ngân sách lắp đặt camera tại nhà riêng quan chức tại tỉnh Sóc Trăng…

Camera Sóc Trăng: Phải kiểm điểm cá nhân liên quan

Liên quan đến vụ việc Sóc Trăng chi gần 1 tỉ đồng lắp đặt camera tại nhà riêng của các lãnh đạo tỉnh này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay: “Việc tỉnh Sóc Trăng chi ngân sách để lắp camera tại nhà riêng lãnh đạo là không đúng Luật Ngân sách, Ban Thường vụ tỉnh Sóc Trăng tiếp thu báo chí, đã hoàn trả tiền lại ngân sách và nghiêm túc rút kinh nghiệm”.

Trả lời thêm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng việc lắp hệ thống camera nhà riêng, các khu công cộng, trường học, bệnh viện, đường phố… là giải pháp tích cực để góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, an ninh dân phố... “Nhưng trong quá trình thực hiện, việc dùng ngân sách nhà nước để chi lắp đặt cho các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng khẳng định là không đúng” - ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng cho hay khi nhận được phản hồi từ báo chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã họp khẩn cấp, với thái độ nghiêm túc và ban hành quyết định thu hồi số tiền đã cấp từ ngân sách cho gia đình cá nhân cán bộ Tỉnh ủy. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng họp yêu cầu kiểm điểm các cá nhân liên quan và báo cáo các cơ quan trung ương.

Theo ông Dũng, trong bối cảnh Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang thắt chặt vấn đề kỷ luật chi ngân sách và việc thực hiện Quyết định 08 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về trách nhiệm nêu gương thì càng phải coi trọng vấn đề nêu gương của các đảng viên…

“Đây là việc cần gương mẫu chứ không chỉ rút kinh nghiệm và phải kiểm điểm các cá nhân có liên quan” - ông Dũng nhấn mạnh.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là một trong những vấn đề nóng được nêu ra tại cuộc họp báo. Ảnh: NT

Chín người bỏ trốn: Công an đang làm rõ

Liên quan đến vụ việc chín người đi theo đoàn công tác của Chủ tịch Quốc hội bỏ trốn tại Hàn Quốc, Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô thông tin: “Về vấn đề này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Bộ KH&ĐT đã có trả lời ban đầu. Về phần mình, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ sớm làm rõ theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Kết quả cụ thể thế nào chúng tôi sẽ thông báo sau”.

Còn Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung thì khẳng định chín người trốn đoàn ở lại Hàn Quốc vừa rồi là hết sức đáng tiếc, dù đây là lần đầu tiên nhưng rất nghiêm trọng. “Ở góc độ Bộ KH&ĐT, chúng tôi đã tổ chức rút kinh nghiệm và rà soát lại quy trình lựa chọn các doanh nghiệp tham gia đoàn để làm sao siết chặt việc tổ chức đoàn đi sau này chặt chẽ và phù hợp!” - ông Trung nói.

Tuy nhiên, ông Trung cho rằng đây là việc “không thể lường trước được”. Hiện Bộ KH&ĐT đã tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, phát hiện sai phạm trong việc lựa chọn sẽ xử lý theo đúng quy định. Về việc công bố danh tính những người bỏ trốn, ông Trung cho hay các cơ quan chức năng Việt Nam và Hàn Quốc đang điều tra, sau khi có đầy đủ thông tin và được cơ quan có thẩm quyền cho phép Bộ sẽ cung cấp thông tin đầy đủ.

Không có việc nhà đầu tư Trung Quốc mua Sabeco

Trả lời câu hỏi của báo chí về tin đồn Sabeco bán cổ phần cho các nhà đầu tư Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói: “Bộ Công Thương khẳng định đây là tin không đúng sự thật”.

Theo ông Hải, hiện có hai nhà đầu tư lớn đang có tỉ lệ vốn chủ sở hữu tại Sabeco là Vietnam Beverage (thuộc ThaiBev - Thái Lan) và Bộ Công Thương. Trong đó Bộ Công Thương là đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước, chiếm 36% tại Sabeco.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm do tổng thầu Trung Quốc 

Liên quan đến việc tiến độ của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bị chậm đưa vào khai thác, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay hiện dự án còn 1% khối lượng công việc, trong đó có công tác chỉnh trang, mỹ quan, hệ thống bán vé tự động, thiết bị thông tin… Đặc biệt, tồn tại lớn nhất là tổng thầu (Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) chưa bổ sung đầy đủ hồ sơ quản lý chất lượng nên tư vấn độc lập (Công ty Tư vấn ACT của Pháp) chưa thể đánh giá được tính an toàn của toàn hệ thống. Từ đó, chưa có cơ sở, điều kiện để cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định, đưa đoàn tàu vào khai thác. “Hiện chúng tôi đang yêu cầu Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc cung cấp hồ sơ này” - đại diện Bộ GTVT cho hay. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm