Hợp nhất bộ máy và cách chế ngự quyền lực

Hội nghị Trung ương 6 đã thống nhất ban hành nghị quyết riêng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Là tỉnh đi đầu, Quảng Ninh đang hoàn thiện một đề án riêng để hợp nhất về mặt tổ chức hai nhóm cơ quan bên Đảng, bên chính quyền ở 12 huyện thị, có chức năng, nhiệm vụ tương đồng: thanh tra-kiểm tra, nội vụ-tổ chức. Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đỗ Thị Hoàng về việc này.

Thí điểm hợp nhất cấp huyện trước

. Phóng viên: Tháng 12-2014, Quảng Ninh ban hành Đề án 25 tổng hợp nhiều đề án để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó đề ra phương hướng nhất thể hóa và thực tế đã nhất thể hóa nhiều chức danh đứng đầu cơ quan Đảng với chính quyền. Vậy tại sao giờ lại phải làm đề án mới?

 Đỗ Thị Hoàng

+ Bà Đỗ Thị Hoàng:Về phương hướng chung, các đề án trước đều có đề cập rồi. Đi vào triển khai ba năm, ban đầu tỉnh hợp nhất về mặt chức danh với cán bộ thuộc diện tỉnh ủy quản lý. Một người có hai chức danh, làm hai việc thì chưa có gì phức tạp.

Nay khi triển khai bước tiếp theo, chúng tôi tính hợp nhất về mặt tổ chức thì thấy từng nội dung phải xây dựng đề án riêng và phải xin ý kiến Trung ương. Bởi mỗi cơ quan vận hành theo một hệ thống riêng. Chẳng hạn, ủy ban kiểm tra (UBKT) thì theo các quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, còn thanh tra thì phải hoạt động theo pháp luật về thanh tra. Vậy hợp nhất hai cơ quan phải có sự chuẩn bị thận trọng, tỉ mỉ hơn.

Chúng tôi đang chờ văn bản chính thức của Nghị quyết Trung ương 6 về tổ chức bộ máy để hoàn thiện đề án, đề xuất Trung ương cho làm.

. Nội dung cơ bản của việc hợp nhất bộ máy này như thế nào, thưa bà?

+ Đây là hợp nhất về mặt tổ chức các cơ quan của Đảng, Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ tương đồng chứ không phải nhập kiểm tra vào thanh tra, tổ chức vào nội vụ.

Về con người, chẳng hạn chủ nhiệm, phó chủ nhiệm UBKT sẽ được bổ nhiệm chánh thanh tra, phó chánh thanh tra. Các thành viên UBKT khác đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì sẽ bổ nhiệm thanh tra viên. Không đủ điều kiện thì chỉ là chuyên viên giúp việc cho công tác kiểm tra, thanh tra.

Khi hợp nhất bộ máy thì quy trình sẽ thay đổi. Chẳng hạn, lên chương trình kiểm tra, thanh tra thì đầu tiên phải lựa chọn những nội dung mà cả kiểm tra, thanh tra có thể phối hợp tổ chức một đoàn chung.

Khi đó phần kiểm tra sẽ kết luận về dấu hiệu sai phạm trên cơ sở quy định của Đảng, đồng thời phần thanh tra sẽ đề xuất, kiến nghị theo thẩm quyền về trách nhiệm hành chính cũng như các vấn đề tài chính, tài sản nếu có. Còn những vấn đề, nội dung chưa thể lồng ghép thì vẫn thanh tra, kiểm tra tách riêng như bình thường. Tức là khi anh đứng vai nào thì anh làm việc đó.

. Việc hợp nhất cả người đứng đầu, cả tổ chức bộ máy như vậy dự kiến được thực hiện ở những đâu?

+ Trước mắt, Quảng Ninh đề xuất hợp nhất cơ quan UBKT và cơ quan thanh tra, cơ quan ban tổ chức với phòng nội vụ đối với cấp huyện trước. Hồi trước, chúng tôi thí điểm hợp nhất cơ quan giúp việc chung của MTTQ và các đoàn thể cũng bắt đầu ở cấp huyện.

Cấp huyện trước là vì tỉnh là cấp trên trực tiếp, chủ động được. Còn muốn thí điểm những việc như vậy ở các cơ quan của tỉnh thì phải Trung ương mới quyết được. Mà hiện tại Trung ương còn băn khoăn nên tỉnh xin chủ trương cho thí điểm ở cấp dưới. Như thế phạm vi ảnh hưởng không lớn. Nếu có rủi ro gì thì tỉnh điều chỉnh rút kinh nghiệm được ngay.

Tỉnh nghĩ ra đề án và đồng thời là người thực hiện thì thuận lợi hơn. Mặt khác, cấp huyện tác động trực tiếp tới người dân nên dễ đánh giá hiệu quả.

Việc hợp nhất các cơ quan, theo phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh sẽ giúp hiệu lực của bộ máy mạnh lên. Trong ảnh:  Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đang làm việc với  Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN

Trung ương mở đường sẽ thí điểm tiếp ở cấp tỉnh

. Bà nhấn mạnh hợp nhất về mặt tổ chức ở đây là hợp nhất các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng nhưng vẫn khẳng định là vẫn còn nguyên UBKT và thanh tra. Tại sao đã nhập vào mà không gọi một tên chung?

+ Vì mới gộp lại cơ quan, còn chức năng nên nhiệm vụ vẫn giữ nguyên. Hiến pháp, luật, Điều lệ Đảng vẫn vậy làm sao làm trái được. Thế nên về bản chất, hợp nhất cơ quan kiểm tra với thanh tra, cơ quan tổ chức với nội vụ mới chỉ là hợp nhất cơ quan chuyên trách thôi.

Từ Kết luận 37 của Trung ương 9 khóa X, đầu năm 2009 trung ương đã yêu cầu Quảng Ninh nghiên cứu các đề án thí điểm, trong đó có nhất thể hóa cả chức danh Đảng - chính quyền ở cả ba cấp xã/huyện/tỉnh và tổ chức giữa cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với tổ chức chuyên môn của cùng cấp. Như vậy đã đề cập từ khóa X và Quảng Ninh mới thí điểm ở cấp huyện.

Tới đây, nếu Trung ương cho hợp nhất cơ quan giúp việc cấp tỉnh thì hợp nhất trước văn phòng tỉnh ủy với văn phòng HĐND sẽ thuận hơn. Bởi cả tỉnh ủy và HĐND đều chủ yếu ban hành các chủ trương, các nhiệm vụ trọng yếu và cơ chế chính sách. Khác với UBND là tổ chức vận hành, thực hiện.

. Trong quá trình xây dựng đề án, tỉnh có gặp vướng mắc gì về mặt thể chế, pháp luật của Nhà nước cũng như quy định của Đảng?

+ Hiện tại thì chưa thấy vướng. Đây là hợp nhất về mặt tổ chức chứ có phải bỏ tổ chức đi đâu. Anh vai nào thì thực hiện theo quy định của hệ thống ấy. Như thế, việc gì chỉ cần kiểm tra thì thực hiện theo quy trình kiểm tra, việc gì chỉ cần thanh tra thì theo pháp luật về thanh tra.

Còn việc gì mà nên lồng ghép và lồng ghép được thì một đoàn làm cả hai nhiệm vụ luôn. Căn cứ cho mỗi nội dung kết luận, thanh tra vẫn phải tuân thủ quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Huyện Cô Tô, Tiên Yên: Hợp nhất văn phòng ba bên

Ban đầu chúng tôi chọn sáu huyện hợp nhất tổ chức-nội vụ, sáu huyện khác hợp nhất thanh tra-kiểm tra. Sau đó, cả 12 địa phương này đề nghị được hợp nhất cả hai cụm. Ngoài ra, với hai huyện Cô Tô, Tiên Yên mà trước đây đã nhất thể hóa chức danh người đứng đầu bí thư kiêm chủ tịch UBND thì sẽ tính hợp nhất văn phòng ba bên: cấp ủy, HĐND, UBND.

Chế ngự “quyền anh, quyền tôi”, “quân anh, quân tôi”

. Nhất thể hóa cả người đứng đầu, cả tổ chức như vậy thì sẽ có cơ chế mới nào để kiểm soát quyền lực?

+ Ngoài quy định chung thì tỉnh ủy phân công mỗi nhánh công việc phải có một đồng chí cấp ủy có vị trí quan trọng để giám sát và có quyền yêu cầu dừng để kiểm tra bất cứ khi nào thấy có dấu hiệu bất thường.

Tiếp theo là tăng cường vai trò giám sát của HĐND cấp tỉnh với hoạt động của cấp huyện. Ngoài ra, theo quy chế chung mà các tỉnh vẫn áp dụng, một số việc của thường vụ cấp ủy có thể ủy quyền cho thường trực quyết. Khi đã nhất thể hóa bí thư với chủ tịch UBND thì không ủy quyền nữa mà phải để thường vụ bàn bạc, quyết định tập thể rồi thường trực thực hiện.

. Giả sử đề án được đồng tình triển khai thì hiệu quả của việc hợp nhất sẽ được đo đạc thế nào?

+ Tinh giản biên chế thì ai cũng nghĩ đầu tiên. Nhưng chúng tôi thấy rằng gọn mà không mạnh lên thì tinh giản không có nhiều ý nghĩa.

Lợi ích của nhất thể hóa trước hết là hợp nhất được các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng lại với nhau, qua đó quy trình công tác không bị lặp đi lặp lại. Các thủ tục liên quan được thực hiện đồng bộ, song hành nên kết luận, kết quả nhanh hơn…

Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi thiết lập cơ chế giao ban hằng tuần thường vụ ba cơ quan tỉnh ủy, UBND, HĐND. Đầu năm thì tập thể thống nhất được chương trình công tác, vừa khỏi trùng lặp vừa bao quát hết các lĩnh vực, công việc của cả bên Đảng, bên chính quyền. Đồng thời, người đứng đầu cấp ủy và đứng đầu chính quyền phải tập trung và thống nhất, chung một “ngôn ngữ” thì mới tạo nên sức mạnh. Cơ chế giao ban thường trực ba bên chính là để khắc phục cái “quyền anh, quyền tôi”, “quân anh, quân tôi” đấy. Đây chính là điều cốt lõi mà Quảng Ninh mong muốn.

Còn hiệu quả về tinh giản biên chế thì sau hai năm hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc chung của MTTQ và các đoàn thể thì tỉnh đã tiết kiệm được 12,58% biên chế, là 37 người của khối đấy.

“Không đẩy anh em ra đường”

. Tâm tư của các đơn vị dưới cũng như sự ủng hộ của Trung ương với đề án của tỉnh đến nay thế nào?

+ Còn về tâm tư của cán bộ thì chúng tôi giữ nguyên tắc là không đẩy anh em ra đường. Bước đầu vẫn giữ nguyên biên chế đấy nhưng có thể điều động, phân công công tác lại với từng người cho phù hợp. Nhất thể hóa người đứng đầu, chẳng hạn thanh tra với kiểm tra thì phải kiên nhẫn đợi khi một người nghỉ hoặc có chỗ khác để đưa sang.

Còn chế độ đãi ngộ thì nguyên tắc anh làm hai chức danh thì chức danh nào đãi ngộ cao nhất thì hưởng độ đấy... Công tác tổ chức có trước có sau nên anh em rất hồ hởi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm