Hướng chống kẹt xe cầu Bình Triệu, xa lộ Hà Nội

Trong thời gian sửa chữa cầu Bình Triệu 1 (dự kiến đến hết ngày 29-6), xe khách trên 16 chỗ và xe tải trên 3,5 tấn vào TP từ cửa ngõ phía đông đều đi theo xa lộ Hà Nội (còn gọi quốc lộ 52) về cầu Sài Gòn. Tuy vậy, lượng xe gắn máy, ôtô dưới 16 chỗ và xe tải dưới 3,5 tấn lưu thông hai chiều trên cầu Bình Triệu 2 đã làm cho khu vực này quá tải nghiêm trọng trong hai ngày qua.

Xe buýt được qua cầu bình thường

Trong hai ngày 14 và 15-6, dù lực lượng CSGT, cảnh sát cơ động, thanh niên xung phong tăng cường quân số đến phân luồng tại khu vực cầu Bình Triệu 2 nhưng dòng xe cộ tại đây vẫn bị kẹt cứng cả sáng lẫn chiều. Chiều 15-6, một số đơn vị của Phòng CSGT đường bộ có buổi họp với Sở GTVT, nhà thầu đang sửa chữa cầu Bình Triệu 1 để tìm phương án chống kẹt xe.

Trung tá Thân Thành Hy, Phó Đội trưởng Đội CSGT Hàng Xanh (Phòng CSGT đường bộ) cho biết từ ngày 17 đến 29-6, các lực lượng chức năng sẽ cấm tất cả các loại ôtô qua cầu Bình Triệu 2 trong giờ cao điểm (phương án ban đầu chỉ cấm xe khách trên 16 chỗ và xe tải từ 3,5 tấn trở lên). Riêng xe buýt vẫn được lưu thông bình thường. Theo Trung tá Hy, do kẹt xe kéo dài nên giờ cao điểm qua cầu Bình Triệu 2 được quy định lại: Buổi sáng từ 6 giờ đến 11 giờ trưa; buổi chiều từ 16 giờ đến 20 giờ.

Hướng chống kẹt xe cầu Bình Triệu, xa lộ Hà Nội ảnh 1

Rừng xe gắn máy và xe buýt kẹt cứng vào sáng 15-6 ở khu vực cầu Bình Triệu 2. Ảnh: V.THUẬT

Như vậy, từ ngày 16-6, xe tải từ 3,5 tấn trở xuống và xe khách dưới 16 chỗ chỉ được lưu thông qua cầu từ sau 11 giờ trưa đến 16 giờ và sau 8 giờ tối đến trước 6 giờ sáng hôm sau. “Với phương án này, hy vọng dòng xe gắn máy và xe buýt sẽ dễ dàng lưu thông qua cầu hơn” - Trung tá Hy cho hay.

Phân lại luồng giao thông xa lộ Hà Nội

Với cách phân luồng qua cầu Bình Triệu 2 như trên, tất cả ôtô trong giờ cao điểm đều tập trung về xa lộ Hà Nội để qua cầu Sài Gòn. Với lượng xe đông như vậy, nhiều người lo tình trạng kẹt xe sẽ tái diễn do trên con đường này có khá  nhiều công trình đang thi công làm lòng đường bị thu hẹp.

Trên thực tế, khoảng 8 giờ sáng 15-6, đoạn đường từ Trạm thu phí xa lộ Hà Nội về cầu Rạch Chiếc bị ùn gần cả tiếng khiến dòng xe phải nhích từng chút một. Đến 9 giờ, tình trạng kẹt xe ở khu vực này mới dần được cải thiện. Còn đoạn đường từ cầu Sài Gòn về ngã tư Thảo Điền và từ ngã tư Thảo Điền về ngã ba Cát Lái, do mật độ xe trên đường đông nên mỗi khi đèn đỏ thì dòng xe dừng lại kéo dài cả cây số.

Hướng chống kẹt xe cầu Bình Triệu, xa lộ Hà Nội ảnh 2

Để phòng ngừa kẹt xe, Trung tá Trần Văn Thương, Đội trưởng Đội CSGT Rạch Chiếc (Phòng CSGT đường bộ - Công an TP.HCM), cho biết đã xin ý kiến ban chỉ huy phòng phân luồng tạm lại giao thông ở xa lộ Hà Nội. Theo Trung tá Thương, những ngày tới đơn vị của ông sẽ phối hợp với Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (Sở GTVT TP) phân luồng cho ôtô từ 29 chỗ trở xuống lưu thông cùng làn với xe tải dưới 2,5 tấn. Xe tải trên 2,5 tấn và xe ôtô trên 29 chỗ lưu thông cùng một làn đường. Làn đường còn lại dành cho xe gắn máy, xe thô sơ các loại. “Phương án này giúp giảm bớt tình trạng làn ôtô con thì trống mà làn xe tải kéo dài mấy cây số. Dự kiến một, hai ngày tới, lượng xe tải, xe khách lưu thông qua đường này rất đông nên dễ xảy ra kẹt xe hơn trước” - Trung tá Thương nhận định.

Chiều 15-6, Sở GTVT có thông báo lộ trình thay thế cho ôtô từ bốn bánh trở lên lưu thông trong giờ cao điểm. Theo thông báo này, ôtô đi từ Bình Thạnh về Thủ Đức đi theo lộ trình Điện Biên Phủ-xa lộ Hà Nội-quốc lộ 1A-quốc lộ 13. Hướng từ Thủ Đức về Bình Thạnh đi theo hướng Kha Vạn Cân-quốc lộ 13-quốc lộ 1A-xa lộ Hà Nội-Điện Biên Phủ.

Trả lời câu hỏi tại sao không cho ôtô lưu thông theo lộ trình quốc lộ 13 hoặc từ đường Kha Vạn Cân ra Võ Văn Ngân-xa lộ Hà Nội về Bình Thạnh hoặc từ Kha Vạn Cân đi thẳng ra quốc lộ 1A, ông Đậu An Phúc, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng đô thị (Sở GTVT) cho biết mục đích Sở bố trí đi đường vòng là nhằm kéo giãn chiều dài đoàn xe để tránh ùn tắc. “Nếu tài xế biết đường từ Kha Vạn Cân ra quốc lộ 1A  hoặc ra xa lộ Hà Nội thì chúng tôi không hề cấm” - ông Phúc cho biết thêm.

VĂN THUẬT - ĐÌNH LÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm