Huy động vốn cho đường Vành đai 2, 3 ra sao?

Theo báo cáo của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP, giai đoạn 2018-2020, TP.HCM cần hơn 278.000 tỉ đồng chi cho đầu tư phát triển. Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, đặt câu hỏi liệu từng đó nguồn vốn đã đảm bảo chưa. Ông cho rằng trong các giải pháp về huy động vốn xã hội thời gian tới cần phải có những mục tiêu tập trung và cụ thể.

Giải trình về vấn đề tạo nguồn thu, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường cho hay thời gian qua, tỉ lệ đầu tư hạ tầng giao thông TP thường chiếm khoảng 30%-40% trong tổng số chi đầu tư phát triển của TP. Nhưng nếu so với nhu cầu thực tế là rất thấp. Từ đó, bài toán được đặt ra là phải tạo nguồn thu thế nào.

Đưa ra giải pháp, ông Cường cho biết sau khi tính toán và làm việc với UBND TP, Sở GTVT rất muốn có một đề án về tài chính đô thị của TP. “Có nghĩa là chúng ta phải trả lời được câu hỏi: Ai sẽ phải trả tiền trong việc sử dụng hạ tầng đô thị? Rất rõ ràng, ví dụ như vừa rồi HĐND TP ra Nghị quyết 01 tăng mức phí đỗ xe, hoặc đã trình UBND TP sửa Quyết định 74 về quản lý vỉa hè, trong đó tính lại sử dụng nguồn thu như thế nào cho hợp lý” - ông Cường nói và lý giải thêm, trước đây các công ty đầu tư về hạ tầng giao thông, viễn thông, điện lực sử dụng nguồn lực nhà nước và “khi các anh ấy kéo thép qua các cầu thì chúng ta cho miễn phí. Vậy thì bây giờ họ phải trả phí sòng phẳng cho chúng ta chứ”.

Ông Cường cho rằng như thế không phải tận thu nhưng là giải pháp tạo nguồn thu trở lại đối với hạ tầng giao thông. Đơn cử như vừa qua, Sở GTVT đã đấu thầu quảng cáo trên xe buýt hay quảng cáo ở những công viên đã thu tiền. Từ đó, ông Cường đề xuất sắp tới Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM nên nghiên cứu khai thác sử dụng hành lang dạ cầu như làm chỗ đậu xe. Bởi có ý kiến cho rằng toàn bộ gần 10 km cầu cạn tuyến metro số 1 sẽ dành cho trồng mảng xanh. Nếu chỉ để trồng mảng xanh thì rất lãng phí.

Một vấn đề cụ thể được đại biểu Cao Thanh Bình đặt ra là việc tập trung đầu tư đường Vành đai 2 và Vành đai 3 nhằm kết nối giao thông đồng bộ là một yêu cầu cấp bách hiện nay. “Vậy giải pháp huy động nguồn lực, vật lực cho hai dự án này như thế nào và lộ trình thực hiện cụ thể ra sao?” - ông Cường đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, ông Bùi Xuân Cường cho rằng tuyến Vành đai 2 và 3 hiện nay đang phối hợp với Bộ GTVT để triển khai nhanh nhằm kết nối nút giao Trạm 2 với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. “Hướng sắp tới là xin TP chủ trương ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư giải phóng mặt bằng vì khâu này khó và lâu nhất. Trong thời gian đó chúng ta sắp xếp, bố trí nguồn vốn” - ông Cường nói.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP.HCM, cho biết để huy động nguồn vốn, trong thời gian tới TP sẽ tiếp tục triển khai đề án cơ chế đặc thù, công khai quy hoạch nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, huy động hiệu quả nguồn kiều hối, hoàn thiện quy trình thực hiện các dự án công tư, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính... “TP cũng lập tổ công tác liên ngành về đất đai để hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Tổ công tác sẽ giải quyết hai vấn đề lớn mà các doanh nghiệp quan tâm, trong đó xác định chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, xác định thời gian hoàn thành giải phóng mặt bằng...” - ông Liêm nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm