Khả năng nào từ chuyến thăm Việt Nam của ông Kim Jong-un?

Ngay sau thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên diễn ra tại Hà Nội vào hai ngày 27 và 28-2 kết thúc, Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam (VN). Đây là lần đầu tiên trong 60 năm qua, lãnh đạo tối cao của Triều Tiên tiến hành một chuyến thăm chính thức đến VN. Điều quan trọng là chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh VN được nhắc nhiều đến như một chỉ dấu tích cực về mô hình ngoại giao lẫn cải cách phát triển kinh tế đối với quyết tâm thay đổi đất nước của ông Kim.

Những tín hiệu cởi mở từ ông Kim Jong-un

Cử chỉ đầu tiên của Chủ tịch Kim Jong-un khi đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) khiến giới quan sát chú ý chính là hạ cửa kiếng chống đạn, vẫy tay chào người dân. Thái độ cởi mở này được cho là chưa có tiền lệ đối với nhà lãnh đạo được xem là “bí ẩn” bậc nhất thế giới này. Đại sứ Nguyễn Phú Bình, cựu đại sứ VN tại Hàn Quốc và có thời gian dài gắn bó với đất nước Triều Tiên, nhận định “cử chỉ đó là nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn”. Thứ nhất, ông Kim muốn bày tỏ sự thân tình vốn đã mờ nhạt suốt nhiều năm qua. Và hơn nữa, ông Kim cho thấy một sự tin tưởng tuyệt đối về an ninh và ổn định của VN.

Đáng chú ý hơn, quan hệ Việt-Triều đang từng bước đi vào thực tế hơn là những cử chỉ mang tính biểu tượng của các nhà lãnh đạo. Phó Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Ngoại giao), TS Trần Việt Thái, mới đây đã có nhận định với báo chí rằng khi đoàn Triều Tiên đến Hà Nội ngày 26-2, họ đi thăm viếng khắp nơi. Triều Tiên ngỡ ngàng khi đứng trước phong cảnh của vịnh Hạ Long, khi đi tham quan những khu công nghệ cao hay đi trên con đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. người Triều Tiên có lòng tự tôn dân tộc rất cao, không chịu thua kém ai. Họ nghĩ họ là cường quốc nhưng trong những ngày đến VN và đi khảo sát thực tế, đoàn Triều Tiên vô cùng ấn tượng với sự phát triển của VN.

Cả Mỹ, Triều Tiên và nhiều chuyên gia quốc tế thời gian qua đều cho rằng Hà Nội là một mô hình có nhiều gợi ý cho Bình Nhưỡng. Thứ nhất, dù trải qua chiến tranh và là thù địch của Mỹ nhưng VN đã bình thường hóa với Washington từ năm 1995 và không ngừng phát triển quan hệ sâu rộng với Mỹ nhiều năm qua. Thứ hai, từ nền kinh tế bao cấp tập trung nhưng từ khi đổi mới VN đã không ngừng cải cách, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, mở cửa thị trường, ký hàng chục hiệp định mậu dịch tự do quan trọng. Đó là động lực giúp kinh tế VN tăng trưởng cao và ổn định suốt nhiều năm.

Chỉ hai vấn đề trên đã đủ để gợi ý Triều Tiên về một công cuộc đổi mới, dựa trên các kinh nghiệm từ VN nhưng thực hiện phù hợp với hoàn cảnh và đặc thù của Bình Nhưỡng. Việc lựa chọn VN là điểm đến nước ngoài thứ ba của ông Kim Jong-un (sau Bắc Kinh và Singapore) trong vòng hai năm trở lại đây cũng cho thấy Triều Tiên tin tưởng vào mức độ an ninh, ổn định của VN, một trong số ít quốc gia trên thế giới còn giữ quan hệ ngoại giao tương đối tốt đẹp và gần gũi với Triều Tiên.

Một biểu hiện đáng chú ý là Triều Tiên đã rất chú ý đưa nhiều thông tin về chuyến thăm chính thức đến VN cho nhân dân Triều Tiên, điều này thể hiện việc ông Kim Jong-un không đến VN chỉ để tham dự hội nghị thượng đỉnh với ông Trump. Đặc biệt là việc một số quan chức Triều Tiên đi khảo sát nhiều nơi ở VN, đó là sự quan tâm của Triều Tiên đến những vấn đề cụ thể về kinh tế.

tuy vậy cũng cần chờ thêm thông tin và có thêm thời gian mới có thể nhìn nhận chính xác hơn về chính sách của nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chiều 1-3-2019. Ảnh: TTXVN

Nhận diện rào cản cần vượt qua

Một số chuyên gia cũng lưu ý rằng quan hệ Việt-Triều vẫn còn nhiều thách thức. Đầu tiên, việc phát huy hết tiềm năng của quan hệ Việt-Triều sẽ bị hạn chế bởi các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc áp đặt lên Triều Tiên do các vi phạm về phổ biến vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của quốc gia này. Nếu Triều Tiên chưa thực sự từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa của họ thì cơ hội cho quan hệ Việt-Triều vượt ra khỏi khuôn khổ quan hệ ngoại giao thông thường để hướng tới các hợp tác mang tính thực chất về kinh tế và khoa học kỹ thuật là không lớn trong giai đoạn tới.

Hơn nữa, tuy ông Kim Jong-un đã có ý định cải cách kinh tế nhưng về cơ bản, Triều Tiên vẫn là một quốc gia “đóng kín” với quan hệ ngoại giao tương đối hạn chế, đặc biệt là trong giai đoạn chịu cấm vận nặng nề kể từ đầu những năm 2000. Bởi vậy, sẽ có nhiều bài học về cải cách kinh tế của VN mà Triều Tiên có thể không áp dụng trong tương lai gần, bởi VN kể từ giai đoạn đổi mới đã luôn nhất quán với đường lối ngoại giao đa phương, đa dạng hóa, chủ động - điều kiện cần thiết cho sự thành công của bất cứ quốc gia đang phát triển nào.

Tất nhiên, các lệnh cấm vận áp đặt lên Triều Tiên vẫn là rào cản lớn nhất cho hợp tác thực chất Việt-Triều. Nếu vấn đề này dần được giải quyết thông qua những cuộc hội đàm cấp cao (như gặp gỡ giữa hai ông Kim, Trump tại Hà Nội) thì sẽ có rất nhiều cơ hội đưa quan hệ song phương việt- triều lên một tầm cao mới.

Các hiệp định đã được ký kết giữa Việt Nam, Triều Tiên

Trong 60 năm qua, VN, Triều Tiên từng ký nhiều hiệp định quan trọng: Hiệp định hợp tác văn hóa tháng 11-1957, Hiệp định hợp tác khoa học kỹ thuật tháng 10-1958, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước VN Dân chủ Cộng hòa và Triều Tiên năm 1961, Hiệp định thương mại và hàng hải tháng 12-1962, Hiệp định hỗ tương y tế tháng 12-1966, Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao và công vụ tháng 9-1969, Hiệp định hợp tác vận tải hàng không dân dụng tháng 1-1977.

Dấu mốc mới quan trọng

Tại buổi hội đàm với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức VN, ngày 1-3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định chuyến thăm VN lần này của Chủ tịch Kim Jong-un là dấu mốc mới quan trọng trong lịch sử quan hệ hai đảng, hai nước…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã chia sẻ những thành tựu cũng như những vấn đề VN cần tập trung giải quyết sau hơn 30 năm đổi mới; khẳng định VN thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đảng, Nhà nước và nhân dân VN luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Triều Tiên và mong muốn cùng Triều Tiên tiếp tục củng cố, phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai đảng, hai nước phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, cam kết quốc tế của mỗi nước; góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Ông Kim Jong-un bày tỏ vui mừng sang thăm VN và chứng kiến những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế mà nhân dân VN đã đạt được trong thời gian qua; bày tỏ mong muốn tăng cường trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đất nước và phát triển kinh tế-xã hội với VN…

Tại buổi hội kiến cùng ngày với ông Kim Jong-un, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân VN luôn coi trọng và mong muốn củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống với đảng, nhà nước và nhân dân Triều Tiên; VN ủng hộ Triều Tiên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân; chính phủ và nhân dân VN sẵn sàng cùng chính phủ và nhân dân Triều Tiên nghiên cứu thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực vì lợi ích của nhân dân hai nước, phù hợp với các quy định và cam kết quốc tế của mỗi nước…

Chủ tịch Kim Jong-un bày tỏ ấn tượng sâu sắc trước những thành tựu to lớn trong xây dựng đất nước và phát triển kinh tế-xã hội mà nhân dân VN đạt được trong thời gian qua… Ông Kim Jong-un cũng bày tỏ sự tin tưởng đưa quan hệ lên tầm cao mới; mong muốn hai bên tăng cường giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực trên cơ sở nhu cầu và tiềm năng của hai nước, phù hợp với sự phát triển của tình hình mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm