Khánh thành khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc

Khánh thành khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc ảnh 1

Cắt băng khánh thành khu tưởng niệm.

Ngày 23-5, UBND tỉnh Bình Định khánh thành khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn). Khu tưởng niệm này là quần thể kiến trúc rộng 2,6 ha, gồm đền thờ Nguyễn Sinh Sắc, nhà Huyện đường Bình Khê phục chế, nhà lưu niệm, nhà bia di tích, nhà vọng cảnh… Trong đó, nhà lưu niệm được trưng bày theo hai chủ đề chính là “Nguyễn Sinh Sắc, thân thế cuộc đời và sự nghiệp” và “Nguyễn Tất Thành với Bình Định”. Công trình có kinh phí đầu tư 73 tỉ đồng.

Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở VH-TT&DL Bình Định, dẫn lại lịch sử nêu rõ: Tháng 5-1909, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được triều đình Huế phái vào ban chấm thi hương tại trường thi Bình Định. Tháng 7-1909, cụ được bổ nhiệm làm tri huyện Bình Khê. Hai người con của cụ là Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Bình Định; trong đó Nguyễn Tất Đạt ở với cha tại Huyện đường Bình Khê, còn Nguyễn Tất Thành ở nhà thầy giáo Phạm Ngọc Thọ tại Quy Nhơn để học tiếng Pháp. Trong thời gian giữ chức tri huyện Bình Khê, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc luôn đứng về phía nhân dân, bênh vực người nghèo, giúp đỡ người yêu nước, xử lý nghiêm khắc bọn cường hào ức hiếp dân lành.

Tháng 1-1910, cụ Nguyễn Sinh Sắc bị vu tội “lạm quyền” và bị triều đình Huế triệu về kinh cách chức. Theo lời cha dặn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành không về Huế mà tiếp tục dấn thân vào việc tìm đường cứu nước, cứu dân. Sau đó, cụ Nguyễn Sinh Sắc rời Huế vào Nam Bộ sống bằng nghề bốc thuốc và dạy học rồi qua đời tại Đồng Tháp vào tháng 11-1929. “Di tích Huyện đường Bình Khê là nơi lưu niệm về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và phản ánh một sự kiện quan trọng: bước đầu hình thành nhân sinh quan và thế giới quan của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trên bước đường tìm đường giải phóng dân tộc.

Dâng hương tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Việc quy hoạch xây dựng, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê có ý nghĩa to lớn đối với thế hệ hôm nay và mai sau về tấm gương cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc- một nhà nho yêu nước, tận tụy vì dân và về Chủ tịch Hồ Chí Minh –một đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và là danh nhân văn hóa của thế giới”- ông Dũng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm