Khát nước sạch vì quy hoạch “treo”

Khát nước sạch vì quy hoạch “treo” ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Vân Trang (ấp 4, xã Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM) đã trang bị hai hệ thống lọc nước nhưng vẫn chưa an tâm với chất lượng nước giếng - Ảnh: Quang Khải

Chuyện này xảy ra với hàng ngàn hộ dân tại các khu quy hoạch “treo” ở ấp 4, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh và khu vực P.13, Q.Bình Thạnh.

Phải dùng nước dơ

Cách không xa khu đô thị Phú Mỹ Hưng, hàng ngàn hộ dân sống dọc đường Phạm Hùng, ấp 4, xã Bình Hưng phải chịu cảnh thiếu nước sạch. Hơn chục năm qua, biết bao lần người dân ở đây vác đơn gõ cửa các cơ quan chức năng với mong mỏi được cấp nước sạch nhưng đều nhận được những cái lắc đầu vì khu vực này nằm trong khu quy hoạch.

Bà Nguyễn Thị Hiền (ngụ C3/25TA1) kể khi gia đình bà mới về đây phải mua nước giếng với giá 8.000 đồng/m3. Nước giếng thường có cặn bám, tắm bị ngứa và làm vật dụng trong nhà vàng quạch. Cuối cùng bà Hiền phải bỏ ra 500.000-700.000 đồng/tháng để mua nước máy về nấu ăn, uống.

Không có tiền mua nước máy, bà Trần Thị Ba (nhà ở khu vực trên) than: “Nhà tôi nghèo nên nước giếng dẫu có vàng, đục vẫn phải lắng lọc sơ sơ rồi nấu ăn, uống chứ biết làm sao. Tới đâu hay tới đó...”.

Ông Nguyễn Khánh Đức, tổ trưởng tổ 184, cho biết có những hộ khoan giếng sâu đến 200m nhưng nước lấy lên vẫn như cà phê sữa, phải qua 2-3 lần lắng lọc mà nước vẫn còn dơ, không dùng được.

Theo một cán bộ huyện Bình Chánh, vừa qua Trung tâm Y tế dự phòng TP và huyện đã giám sát nước giếng tại các hộ dân ở ấp 4 và thấy nước giếng ở đây không đạt chất lượng do nhiễm phèn, nhiễm mặn. Không chịu nổi cảnh nước bẩn, nhiều hộ dân ở ấp 4 vận động nhau đóng tiền mỗi hộ hơn 1 triệu đồng với mong muốn tự kéo ống nước về.

“Có nhiều hộ nghèo không có tiền đóng góp, việc vận động không đạt được 100% nên việc cấp nước lại tiếp tục gián đoạn” - bà Nguyễn Thị Hiền cho biết.

Cũng do nằm trong khu quy hoạch khu dân cư Bình Hòa, P.13, Q.Bình Thạnh mà nhiều năm qua hàng chục hộ dân ở hẻm 295 Nơ Trang Long chịu cảnh khát nước sạch. Bà Vũ Thị Lệ Hiền, một người dân ở đây, kể: “Để có nước dùng, cách 2-3 ngày tôi phải dậy sớm một lần canh mua khoảng 10 đôi nước từ những người gánh nước trong hẻm với giá 4.000 đồng/đôi nước khoảng 35 lít”.

Không công bằng với dân khu quy hoạch

Ông Phan Văn Công, phó chủ tịch UBND xã Bình Hưng, cho biết khu vực ấp 4 nằm trong khu quy hoạch làng đại học và khu dân cư có quyết định của Thủ tướng Chính phủ thu hồi đất từ năm 1996. Việc giải tỏa đền bù được giao lại cho Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận thực hiện trước để bàn giao lại cho Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng, nhưng đến nay công tác thỏa thuận đền bù vẫn chưa xúc tiến.

Ông Công nói ông thấu hiểu nỗi khao khát nước sạch của hơn 2.000 hộ dân ở địa phương. Còn một phó giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn cho biết đã đến khảo sát và lên phương án phát triển mạng lưới cấp nước cho khu vực ấp 4, xã Bình Hưng với tổng vốn lên gần 30 tỉ đồng nhưng do vướng quy hoạch nên không thể đầu tư.

Theo vị này, nếu người dân ở đây có nhu cầu gắn đồng hồ nước thì phải làm giấy cam kết thanh toán toàn bộ chi phí và không đòi bồi thường khi bị giải phóng mặt bằng (có xác nhận của UBND xã).

Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định cũng cho biết không thể đầu tư đường ống nước theo nguyện vọng của người dân tại hẻm 295 Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh) vì lo sau này khi thực hiện quy hoạch hệ thống đường ống phải tháo bỏ mà không được bồi thường. “Thật ra nếu công ty có làm thì quận cũng không cấp giấy phép đào đường vì khu này nằm trong khu quy hoạch” - một cán bộ Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định nói.

Vì vậy, nếu người dân có nhu cầu phải tự bỏ chi phí kéo đường ống và gắn đồng hồ rồi cử một đại diện đứng ra quản lý, thanh toán tiền nước hằng tháng với công ty.

Ông Đoàn Nhật, phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết huyện sẽ làm việc với các cơ quan chức năng để xem lại tiến độ thực hiện quy hoạch ở ấp 4, xã Bình Hưng. Nếu quy hoạch còn kéo dài 5 hoặc 10 năm nữa quận sẽ kiến nghị đầu tư hệ thống cấp nước cho khu vực này.

Rõ ràng việc quy hoạch và tiến độ thực hiện quy hoạch là do Nhà nước làm chứ không phải trách nhiệm của người dân, nhưng khi phát sinh những hệ lụy do quy hoạch kéo dài thì người dân phải gánh chịu. Như vậy là không công bằng.

Nếu đổ lỗi cho quy hoạch mà không cung cấp nước sạch cho dân là không chấp nhận được. Việc này là trách nhiệm của Nhà nước vì Nhà nước làm quy hoạch chứ không phải người dân làm.

Từ câu chuyện khát nước sạch của bà con ấp 4, xã Bình Hưng (Bình Chánh) và bà con hẻm 295 Nơ Trang Long (Bình Thạnh) cần xem lại quy hoạch còn khả thi, hợp lý thì nhanh chóng triển khai, nếu không thì xóa đi, không nên để quy hoạch “treo” kéo dài.

Những người thực hiện quy hoạch nên đặt mình vào vị trí những người dân đang sống trong vùng quy hoạch để có cách hành xử phù hợp.

Ông TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA (đại biểu HĐND TP.HCM)

Theo QUANG KHẢI (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm