Khó thu hồi tài sản vụ Giang Kim Đạt

Đây là bình luận của TS Đinh Văn Minh, Viện phó Viện Khoa học thanh tra, trong buổi hội thảo ngày 29-7, về một nghiên cứu, khảo sát việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng do Thanh tra Chính phủ chủ trì.

Kẹt ngay ở quy định “tài sản tham nhũng”

Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) của Chính phủ (CP) năm 2013 và 2014 đưa ra tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 11%-22% tính trên giá trị những vụ tham nhũng bị phát hiện, kết án được.

Khảo sát trên cũng cho hay chỉ hơn 20% người được hỏi đánh giá việc thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu quả, còn lại thì cho rằng không ăn thua gì hoặc chỉ hiệu quả với một vài trường hợp cụ thể.

Các cuộc thảo luận chuyên sâu mà nghiên cứu này tiến hành đã nêu ra các nguyên nhân cơ bản cản trở việc thu hồi tài sản tham nhũng. Đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là pháp luật hiện tại định nghĩa tài sản tham nhũng phải là tài sản của người đã bị kết án về hành vi tham nhũng và tính theo giá trị vụ tham nhũng kết tội được. Nhưng điều tra vụ án tham nhũng là một quá trình dài và trong thời gian đó, nghi can cũng như người thân của họ đã kịp tẩu tán tài sản. Việc tẩu tán lại vô cùng dễ dàng khi mà Nhà nước chưa thể kiểm soát được tài sản, thu nhập của toàn xã hội.

Dẫn ra vụ Giang Kim Đạt mà cơ quan điều tra Bộ Công an thông báo là đã nắm được 40 biệt thự và nhiều tài sản khác nghi ngờ có liên quan đến 19 triệu USD mà vị quyền trưởng phòng ở Vinashin này có được, ông Minh cho rằng việc thu hồi sẽ không dễ dàng.

Theo TS Đinh Văn Minh, Viện phó Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra CP), chứng minh tài sản của Giang Kim Đạt do tham nhũng mà có là không dễ chút nào. Ảnh: internet

“Việc công bố này là chưa có tiền lệ. Chưa bao giờ cơ quan điều tra lên được danh sách khối tài sản lớn như thế. Nhưng chứng minh do tham nhũng mà có là không dễ chút nào. Luật pháp của ta quy định nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng. Còn người dân, kể cả nghi can, không có nghĩa vụ chứng minh tính hợp pháp với tài sản của mình” - ông Minh bình luận.

Cũng theo ông Minh, những bất cập, hạn chế trong việc chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng bộc lộ khá rõ trong vụ án Vinashin. Chẳng hạn, Phạm Thanh Bình - cựu chủ tịch tập đoàn nhà nước chỉ bị kết án tù về tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, kèm theo là khoản bồi thường thiệt hại 529 tỉ đồng. “Một phó thủ trưởng cơ quan điều tra bình luận rằng trong những vụ như thế, chẳng ai tự nhiên mà cố ý làm trái cả. Phải có động cơ, lợi ích gì đó chứ. Nhưng không thể chứng minh được tham nhũng nên trói vào tội danh này. Mà như thế, phần thiệt hại khổng lồ kia không thể bị coi là trách nhiệm tài sản do tham nhũng được” - ông Minh chia sẻ.

Kiến nghị kiểm soát tài sản, thu nhập toàn xã hội

Từ các phát hiện trên, nhóm tác giả của Thanh tra CP đề nghị lần sửa đổi Luật PCTN tới đây cần bổ sung các quy định cụ thể, chi tiết hơn về thu hồi tài sản. Thậm chí có thể tham khảo kinh nghiệm của Singapore ban hành một đạo luật riêng về thu hồi tài sản tham nhũng. Kèm theo đó, BLHS đang đưa ra Quốc hội thảo luận, sửa đổi nên theo hướng chú trọng thu hồi tài sản, tăng phạt tiền thay vì lấy phạt tù thật nặng làm chế tài chính. Có thể tính tới giải pháp giảm án tù nếu bị can tham nhũng chủ động khai báo, khắc phục hậu quả.

Trong quá trình hoàn thiện pháp luật nên tính đến quy định mở để không chỉ người phạm tội mà bất kỳ ai đang chiếm hữu không có căn cứ hợp pháp cũng có nghĩa vụ trả lại tài sản. Có vậy tư pháp mới mạnh tay thu hồi tài sản do tham nhũng mà có nhưng đã bị tẩu tán. Để chống tham nhũng được, cần nâng cao nhận thức toàn xã hội và Nhà nước có cơ chế để kiểm soát tài sản, thu nhập toàn xã hội thông qua các công cụ quản lý, nhất là thuế. Tiến tới mọi khoản chi giá trị lớn, sự hình thành tài sản có giá trị của bất kỳ ai trong xã hội cũng phải được giải thích rõ nguồn gốc.

Cuộc nghiên cứu, khảo sát cũng chỉ ra sự cần thiết phải xây dựng Luật Đăng ký tài sản, tạo thuận lợi, minh bạch để bất cứ tài sản nào có đăng ký cũng được tham gia thị trường một cách dễ dàng, an toàn. Mặt khác, qua đó Nhà nước kiểm soát được sự biến động, nguồn gốc tài sản, phòng ngừa tẩu tán tài sản, rửa tiền từ hoạt động tội phạm trong đó có tham nhũng, hỗ trợ cho việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Chuẩn bị báo cáo quốc gia về thực thi Công ước Chống tham nhũng

Thực hiện nghĩa vụ thành viên Công ước của LHQ về chống tham nhũng (UNCAC), năm nay VN sẽ phải xây dựng báo cáo quốc gia về hai nội dung: Phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Nghiên cứu, khảo sát xã hội học về hai nội dung này là điều kiện bắt buộc làm cơ sở xây dựng báo cáo quốc gia này. Qua đó làm rõ những quy định, khuyến nghị của UNCAC đã được VN nội luật hóa như thế nào và thi hành trong thực tế ra sao.

Số vụ việc tham nhũng bị đưa ra tòa chỉ ở mức 5% so với thực tế, đó là con số cảm nhận của xã hội qua các nghiên cứu, khảo sát về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng do Thanh tra CP chủ trì. Con số này cho thấy tham nhũng nhiều nhưng ít bị phát hiện và có phát hiện thì một phần không nhỏ được xử lý bằng kiểm điểm, rút kinh nghiệm, thuyên chuyển công tác. Phần còn lại bị điều tra, truy tố, kết án tham nhũng là rất nhỏ nên số tài sản tham nhũng thu hồi cũng rất nhỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm