Khổ vì chợ tự phát

“Hôm nay (9-4) nghỉ lễ, tưởng phường không làm việc nên từ sáng sớm họ đã bày hàng ra bán đầy đường. Khi lực lượng kiểm tra xuống, họ lại rút vào khu đất của bà Phạm Thị Ánh” - ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM, ngao ngán khi nói về diễn biến việc dẹp chợ tự phát trên đường số 6 ở địa phương này (Pháp Luật TP.HCM ngày 9-4 đã thông tin).

Người bị bệnh phải đi đường vòng

Tiếp xúc với chúng tôi, những người dân sống lâu năm ở đường số 6, khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh cho biết họ rất vui mừng khi thấy những ngày qua chính quyền địa phương cương quyết dẹp chợ tự phát, trả lại đường phố thông thoáng. “Trước đây chợ họp suốt ngày, đường thường xuyên kẹt cứng. Dân sống ở đây rất khổ, nhiều nhà có đám cưới, đám tang nhưng xe hơi không vào được. Có người bị bệnh nặng, người nhà phải dùng xe máy chở đường vòng đưa đi cấp cứu. Lần nào họp tổ dân phố bà con cũng phản ánh nhưng không hiểu sao chợ vẫn tồn tại hoài. Nay thấy chính quyền dẹp chợ, bà con rất mừng nhưng không dám ra mặt vì ngại đụng chạm” - một người dân (đề nghị giấu tên) phản ánh.

Một giảng viên ĐH Luật TP.HCM sống ở đường số 6 từ năm 2002 cho biết thêm: Tình trạng buôn bán trái phép trên đoạn đường này diễn ra từ năm 2004. Đến năm 2013, khi có các ki-ốt mọc lên ở khu đất bên đường thì tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường càng rầm rộ hơn, dân tình ở đây càng khổ sở.

“Chợ tự phát này không chỉ gây mất vệ sinh môi trường, gây kẹt xe nghiêm trọng mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự của khu phố. Việc dẹp chợ là hợp lòng dân. Tiểu thương vẫn có thể buôn bán ở chợ Bình Triệu hoặc các chợ hợp pháp khác, đâu nhất thiết phải buôn bán ở khu vực này” - vị này bày tỏ.

 

Khu vực chợ tự phát trên đường số 6 trước và sau khi bị dẹp. Ảnh: T.THANH

Tưởng chợ hợp pháp, ai ngờ...

Ngày 9-4, chúng tôi lân la trò chuyện với một số tiểu thương đang buôn bán ở khu đất của bà Phạm Thị Ánh. Những người này cho biết do nghĩ rằng đây là khu vực buôn bán hợp pháp nên mới thuê mặt bằng kinh doanh lâu dài. “Giá thuê 1 m2 đất mặt tiền ở đây lên đến 3 triệu đồng/tháng. Chúng tôi còn phải đặt tiền cọc trước. Tưởng chợ hợp pháp, ai ngờ...” - một tiểu thương than thở.

Trong khi đó, ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, tiếp tục khẳng định việc buôn bán ở khu đất bà Ánh cho thuê là trái phép. Đây là khu vực quận không cho phép kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm. Các ki-ốt này còn là một trong bảy công trình được bà Ánh xây dựng không phép trên khu đất bên đường số 6, trong đó có công trình nằm trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi công năng. “Bà Ánh sử dụng công trình sai công năng, thành lập chợ tự phát, cho tiểu thương thuê mặt bằng buôn bán không có giấy phép kinh doanh, hàng hóa không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm” - ông Tú nêu.

Ông Tú cho biết thêm trong năm 2013 UBND phường Hiệp Bình Chánh đã ban hành hai quyết định xử lý những hành vi vi phạm của bà Ánh. Nhưng do hồ sơ xử lý chưa đảm bảo đúng trình tự nên hai quyết định này phải hủy bỏ. Theo chỉ đạo của UBND quận, cuối tháng 3-2014 phường đã kết hợp thanh tra địa bàn quận Thủ Đức kiểm tra lại và lập biên bản các công trình của bà Ánh. Qua đó, xác định bà Ánh có ba công trình xây dựng sai phép và bảy công trình không phép với tổng diện tích gần 800 m2. “Dự kiến trong tuần này, quận sẽ làm việc với phường để giải quyết dứt điểm vụ việc” - ông Tú nói.

TRUNG THANH - KHANG BÁCH

 

Qua kiểm tra phường xác định hiện có 69 tiểu thương thuê ki-ốt và mặt bằng ở khu đất của bà Ánh để buôn bán. Chúng tôi chưa xác định cụ thể tiểu thương phải trả cho bà Ánh mỗi tháng bao nhiêu nhưng chắc chắn đó là số tiền không nhỏ.

Ông TRẦN MINH TÚ, Chủ tịch
UBND phường Hiệp Bình Chánh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm