Khoán xe công, quan chức sẽ bớt quan cách

Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng cho biết TP.HCM đang thực hiện thí điểm việc thực hiện xe công theo cách thức riêng. Theo đó, các quan chức của TP.HCM có thể đi xe công chung.

“Tôi hoan nghênh việc khoán xe công của Bộ Tài chính. Bởi việc này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngân sách và bắt đầu cho một sự thay đổi tâm lý xã hội đối với việc sử dụng xe công. Phương án của TP.HCM về xe công, tôi cho đó cũng là cách làm rất hay” - TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chia sẻ.

Xe công phình ra vì người mới lên không muốn đi xe cũ

. Phóng viên: Thưa ông, vì sao bây giờ vấn đề khoán xe công mới trở thành một điểm tích cực?

+ TS Lưu Bích H: Thực ra vấn đề khoán xe công không mới nhưng đã đến lúc chúng ta cần đặt ra cách quyết liệt hơn. Tôi nhớ khi ông Trần Phương còn là phó thủ tướng, vào những năm khó khăn nhất, Phó Thủ tướng Trần Phương đã đặt ra vấn đề này. Phó Thủ tướng Trần Phương đã đặt ra vấn đề các cán bộ phải đi xe chung đi làm. Lúc đó cũng có ý kiến rằng nếu vậy nhiều người không thể đi làm được. Phó Thủ tướng Trần Phương nói ngay: “Nếu không đi làm được nữa thì nghỉ”.

. Hiện nay chúng ta thừa hàng ngàn chiếc xe công, ông nghĩ sao?

+ Chuyện này có nhiều nguyên nhân. Người mới lên nhiều khi không muốn dùng xe của người tiền nhiệm. Hơn nữa lại còn có tình trạng “chơi biển số xe” theo phong thủy, theo tâm linh gì đó nên số lượng xe công dư lại càng có cớ xảy ra.

Có người nghỉ rồi nhưng vẫn xin giữ lại xe công đã được cấp. Khi tôi lên làm viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, tôi vẫn đi xe cũ. Sau đó, có dự án nhập xe từ Nhật Bản về và tôi được cấp chiếc xe khác do chiếc xe trước đã quá cũ. Khi tôi nghỉ, chiếc xe còn rất tốt nhưng nó cũng không được tiếp tục sử dụng.

. Ông đi nước ngoài nghiên cu rt nhiu, ông thy tình hình sdng xe côngnhng nơi đó ra sao?

+ Tôi sang New Zealand, ở đó từ bộ trưởng trở xuống không có xe công. Dĩ nhiên, thủ tướng, tổng thống và một số bộ đặc biệt như Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao thì bộ trưởng có xe công. Ở Phần Lan, tổng thống cũng được cấp xe công nhưng chỉ sử dụng vào công việc chung. Khi có việc riêng thì tổng thống cũng sử dụng xe cá nhân.

. Như thế chắc những nước đó không phải chi tiền cho xe công nhiều?

+ Phải, khi họ sử dụng xe công như vậy thì tiết kiệm cho xã hội rất nhiều. Hồi tôi còn làm ở ban nghiên cứu của Thủ tướng, chỉ có trưởng ban là có xe riêng, còn lại các thành viên của ban đều đi xe chung.

Việc khoán xe công như Bộ Tài chính hiện nay cũng đang đi theo hướng đó. Nhưng dĩ nhiên phải tính toán đúng, khoán đủ, không dôi dư để không lãng phí ngân sách vốn đang rất eo hẹp. Tuy vậy, tôi muốn lưu ý rằng: Việc khoán xe công không chỉ tiến hành ở các bộ, ngành trung ương mà còn phải làm tới tận cả địa phương. Bởi thực tế là hiện nay các địa phương sử dụng xe công cũng rất nhiều.

Ở New Zealand, từ bộ trưởng trở xuống không đi xe công, trừ vài  bộ đặc biệt. Ảnh minh họa: HTD

Ưu ái xe biển số xanh gây phản cảm xã hội

. Vậy việc khoán xe công chắc chắn có lợi cho cả xã hội phải không, thưa ông?

+ Lợi nhiều lắm. Trước hết là quan chức nếu không sử dụng xe công sẽ bớt… quan cách đi. Ai chả biết đi xe công thì “oai hơn”, tiện hơn. Nhưng đồng nghĩa với cái oai đó, với sự tiện lợi đó là lãng phí công sản, lạm dụng xe công.

Những biểu hiện lạm dụng như chúng ta thấy là thực tế đã xảy ra việc quan chức lạm dụng xe công đưa đón gia đình, đi chợ, đi chùa… Nói chung là việc sử dụng xe công khá thoải mái.

Chúng ta biết những xe biển xanh, đặc biệt là xe biển 80B, dành cho cán bộ cấp cao là xe được ưu tiên. Khi đi ra đường, nếu có xảy ra vi phạm an toàn giao thông thì thường xe biển xanh và biển 80B được… ưu ái, nương nhẹ. Từ đó gây ra phản cảm đối với xã hội.

. Ngoài tâm lý xã hội phản cảm với xe công như ông nói thì lạm dụng xe công có vẻ không được xã hội đồng tình?

+ Tâm lý xã hội đối với việc lạm dụng xe công thì đã rõ. Bởi điều này chứng tỏ có việc phân biệt đối xử trong xã hội.

Điều chúng ta dễ nhận thấy là: Kinh phí mua xe công đã tốn kém nhưng để “nuôi” xe công còn tốn kém hơn. Đã có phép tính cho thấy mỗi năm tiền để nuôi một chiếc xe công lên tới 320 triệu đồng.

Tuy nhiên, tôi cho rằng đứng về mặt công việc thì có nhiều tiêu chuẩn, nhiều công việc phải sử dụng xe công. Lúc Tổng Bí thư Trường Chinh còn sống, khi thấy trợ lý của mình đi xe máy đi làm, lại mang tài liệu mật, Tổng Bí thư Trường Chinh đã phải cho phép trợ lý của mình mỗi khi mang tài liệu mật thì phải đi xe công, vì như thế là để đảm bảo an toàn cho công việc.

Muốn khẳng định đẳng cấp

. Tôi thấy rằng một trong những nguyên nhân khiến xe công tăng cao còn do vấn đề “hàm tương đương thứ trưởng” mà dư luận từng phản ánh.

+ Đúng vậy, nhiều cán bộ khi có “hàm” thì cũng đòi quyền lợi, không chỉ là xe công mà còn cả nhà, đất, diện tích phòng làm việc.

. Trước đây còn có ý kiến rằng đại biểu Quốc hội mà đi xe ôm đi họp thì nom không được… đẹp. Ông nghĩ sao?

+ À, đấy là trường hợp đặc biệt khi một lãnh đạo do trục trặc xe cộ phải đi xe ôm tới Quốc hội. Tôi không ủng hộ cán bộ cao cấp đi xe ôm, phải đảm bảo an toàn cho các đồng chí ấy. Nhưng tôi nghĩ không phải bất kể cán bộ nào, đại biểu chuyên trách nào cũng được cấp tiêu chuẩn xe công. Tốt nhất bây giờ là khoán như Bộ Tài chính, nếu không khoán được như thế thì đi xe chung như phương án của TP.HCM.

. Nhưng vì sao người ta lại thích xe công đến thế, thưa ông?

+ Nguyên nhân sâu xa, tôi cho là có yếu tố văn hóa. Văn hóa chúng ta đang thấy trong vấn đề xe công là văn hóa đẳng cấp theo kiểu hình thức. Nếu đẳng cấp thực chất, chúng ta hoan nghênh, công nhận. Nhưng nếu nó là đẳng cấp hình thức thì không tốt.

Khi quan tâm đến đẳng cấp hình thức, người ta không quan tâm đến lãng phí của công và đánh đổi thực chất bên trong lấy hình thức bên ngoài. Quan chức, tôi nghĩ điều cần quan tâm là cái tâm, cái tầm. Trình độ, tri thức, tinh thần phục vụ nhân dân, sự liêm khiết quan trọng đối với quan chức hơn là hình thức bên ngoài như xe công.

. Xin cám ơn ông.

Xe công chỉ còn 29% tổng nguyên giá

Chính phủ hiện có 22 bộ, cơ quan ngang bộ, tám cơ quan trực thuộc. Các cơ quan Quốc hội, cơ quan của Đảng, đoàn thể và các địa phương cũng khá nhiều.

Báo cáo tài sản nhà nước năm 2015 của Chính phủ cho biết tổng số xe công của cả nước là 37.772 chiếc với tổng nguyên giá gần 23.000 tỉ đồng.
Trong đó, xe phục vụ chức danh 900 chiếc (các chức danh có hệ số 0,7 trở lên được sử dụng xe công và từ 1,25 trở lên thì được đưa đón), xe phục vụ công tác chung 23.959 chiếc và xe chuyên dùng 12.913 chiếc. Sau thời gian sử dụng, quỹ xe công có tổng giá trị còn lại theo sổ kế toán là 6.721 tỉ đồng, bằng khoảng 29% tổng nguyên giá.

Biến các đội xe công thành dịch vụ taxi công

Khoán xe công, quan chức sẽ bớt quan cách ảnh 3

Xe công ở Việt Nam nhiều hay ít thì phải căn cứ vào định mức do Chính phủ đặt ra và số xe công được sử dụng trên thực tế. Chính phủ cũng nói xe công đang thừa hàng ngàn chiếc.

Một số nơi như Bộ Tài chính, TP.HCM đang thực hiện khoán xe công. Tuy vậy, cách khoán vẫn còn đơn giản, chưa trở thành một nguyên tắc đầy đủ. Nhưng chắc chắn việc khoán xe công sẽ giảm chi phí công, tăng ý thức sử dụng tài sản công và giảm những chi phí, con người… để bước đầu Nhà nước trở thành nhà nước tiết kiệm, có trách nhiệm. Hiện nay các phương án và cách thức khoán xe công cần phải được nghiên cứu kỹ hơn nữa.

Bởi nếu chỉ quan tâm khoán các loại xe công từ nhà đến cơ quan thì không đáng kể. Phải có những cách tạo ra hiệu quả kinh tế và đảm bảo được áp dụng rộng rãi. Chẳng hạn phải biến các đội xe công ở các cơ quan thành một loại “dịch vụ taxi công” để làm “suy giảm” đáng kể số lượng xe công, tăng kết quả điều phối, phục vụ chéo nhau và tiết kiệm các đầu mối của xe công.

Dĩ nhiên, khi giảm xe công thì câu chuyện những “tài xế công” phải sắp xếp lại, đi tìm việc là một thực tế. Rồi chuyện người ta không đi xe công nữa sẽ mất oai, rồi phải có xe công đi làm việc mới dễ… là có thật. Vấn đề nằm ở chỗ khi khoán xe công hoặc thực hiện dịch vụ xe công tốt thì những câu chuyện đó sẽ không còn phải là vấn đề.

Muốn tạo ra tâm lý lành mạnh về việc sử dụng xe công thì phải thay đổi triết lý mới về giá trị. Chẳng hạn như đi xe nào mà tiết kiệm cho dân nhất mới là sang trọng, là có trách nhiệm. Xe đắt mới có giá trị là một tư duy cũ. Các quan điểm về đối xử với các loại xe của lực lượng công an, thanh tra giao thông cũng phải thay đổi. Cần công bằng trong xử phạt bất kể đó là xe công hay xe tư. Chứ như hiện nay thì ngồi xe công vẫn được coi như một đặc quyền.

Và cuối cùng là lạm dụng xe công vào việc tư. Trong bối cảnh như vậy, việc tìm ra giải pháp sử dụng và quản xe công hợp lý là hết sức cần thiết.

TS NGUYỄN MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm