Khởi tố vụ Đồng Tâm để điều tra gốc rễ sự việc

Ngày 14-6, bên hành lang Quốc hội (QH), nhiều đại biểu (ĐB) đã chia sẻ quan điểm về quyết định khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội để điều tra về hai tội danh: Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật và hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội hồi tháng 4 vừa qua.

Có cách tiếp cận để bà con ổn định

ĐBQH Dương Trung Quốc (cùng với ông Lưu Bình Nhưỡng là hai ĐBQH trực tiếp tham gia buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và người dân xã Đồng Tâm hôm 22-4 - PV) nhắc lại câu đầu tiên trong tâm thư của bà con Đồng Tâm là nhận lỗi và mong không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS). Theo ông, việc khởi tố vụ án để điều tra là cần thiết. Phải điều tra để xem mức độ thế nào trên tổng thể sự việc; xem gốc rễ vấn đề nằm ở đâu, ở người dân hay ở các cơ quan công quyền. Trên cơ sở đó mới xem xét có truy cứu TNHS hay không.

“Do vậy, việc mở cuộc điều tra là đương nhiên. Sự việc đã xảy ra rồi chúng ta không thể bỏ qua được, việc bắt giữ người, đập phá xe của công an thì bà con đã nhận lỗi rồi” - ông Quốc nói và cho biết đêm 13-6, bà con có gọi điện thoại cho ông. “Tôi nói bà con cứ bình tĩnh. Sự việc đã như thế thì phải nhìn nhận như thế, phải hợp tác với cơ quan điều tra. Nếu lẽ phải thuộc về mình thì càng phải như thế” - ĐB này cho hay.

Tuy nhiên, ông Quốc cũng nhấn mạnh trong vụ việc này yếu tố tâm lý là rất quan trọng. “Tôi mong các cơ quan nhà nước phải có cách tiếp cận để bà con ổn định. Điều tra là để ổn định tình hình. Với bà con Đồng Tâm thì như thế, vậy những yếu tố khác thì sao? Ngay cả việc đối xử với cụ Kình cũng phải làm sáng tỏ” - ông Quốc nói.

Từ trái sang: Đại biểu Dương Trung Quốc, Lưu Bình Nhưỡng, Đỗ Đức Hồng Hà. Ảnh: INTERNET

Khởi tố cũng có thể miễn hình phạt

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng nếu đã mở cuộc điều tra thì phải xem xét mọi khía cạnh. Xem nguyên nhân sự việc ở đâu, lỗi thuộc về ai và phân định rõ mức độ lỗi của các chủ thể liên quan. “Tôi chỉ có một quan điểm: Mục đích việc khởi tố vụ án này là làm sáng tỏ sự thật. Tôi mong là như vậy” - ông Nhưỡng nói.

Ông Nhưỡng cũng cho biết ông mong các cơ quan có thẩm quyền mà trực tiếp là cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội sẽ tiến hành xem xét, đánh giá, nghiên cứu thấu tình đạt lý để đưa ra những quyết định sáng suốt. Điều này vừa giữ được kỷ cương, vừa tìm ra bản chất của sự việc nhằm đảm bảo sự công bằng, ổn định được tình hình của Hà Nội và cả đất nước.

“Các cụ nói đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại. Thứ hai là phải xem xét nguồn cơn việc phản ứng của người dân. Họ không tự mình gây ra việc xáo trộn này, mong muốn yên ổn làm ăn như những vùng quê khác. Vì vậy, theo tôi những vấn đề này cần được xem xét một cách thấu đáo” - ông Nhưỡng lưu ý.

Trong khi đó, theo ĐB Đỗ Đức Hồng Hà, nếu có dấu hiệu tội phạm thì bất kể cơ quan, tổ chức nào đều phải bị điều tra, không có trường hợp nào là đặc biệt và ngoại lệ. Nhưng pháp luật cũng quy định tình tiết giảm nhẹ, miễn trừ TNHS và hành chính. Trên cơ sở đó, căn cứ tính chất, mức độ hành vi vi phạm để quyết định xử hay không, miễn hay không, xử nặng hay nhẹ. “Ngay cả khi đã khởi tố bị can cũng có thể miễn TNHS, miễn hình phạt, xử nhưng cho hưởng án treo hay xử phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ…” - ĐB này nói.

Vẫn đang thanh tra vụ việc ở Đồng Tâm

Chiều 14-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn Văn Tấn Dũng cho biết việc thanh tra tại Đồng Tâm vẫn diễn ra hoàn toàn bình thường, đoàn thanh tra không gặp bất cứ khó khăn, trở ngại nào. Vị này cũng bác bỏ thông tin cuộc thanh tra sẽ gia hạn thêm hai tháng.

Trước đó, ngày 20-4, Thanh tra Hà Nội đã có Quyết định 1121/QĐ-TTTP-P5 thành lập đoàn thanh tra toàn diện đất đai tại sân bay Miếu Môn, thời hạn thanh tra là 45 ngày. “Theo luật thì thanh tra trong 45 ngày không tính ngày nghỉ, cộng thêm một tháng trước khi có kết luận thanh tra” - ông Dũng giải thích.

Cũng liên quan đến vụ việc tại Đồng Tâm, Bộ Công an đã thành lập tổ thanh tra, kiểm tra rà soát lại toàn bộ sự việc trong quá trình thực hiện việc khởi tố vụ án trước đây. Cùng ngày, Thiếu tướng Vương Xuân Đồng, Phó Chánh thanh tra Bộ Công an, cho biết hiện vụ việc vẫn đang trong thời gian thanh tra. Theo quy định, sẽ có 45 ngày thanh tra lần đầu (không tính ngày nghỉ và chưa kể gia hạn), 15 ngày báo cáo và 15 ngày ký phê duyệt. Như vậy, tối thiểu là 75 ngày, tức còn khá nhiều thời gian mới đến hạn ban hành kết luận thanh tra.

Đề nghị chờ kết luận thanh tra

Sáng 14-6, PV có mặt tại nhà cụ Lê Đình Kình (82 tuổi, một trong những người có uy tín trong thôn Hoành, xã Đồng Tâm). Cụ Kình cho biết ngay trong tối 13-6, cụ đã gọi điện thoại nói chuyện với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Trong cuộc nói chuyện này, cụ Kình đề nghị cơ quan chức năng đình chỉ ngay vụ án, sau khi có kết luận thanh tra rõ ràng thì lúc đó điều tra sau.

Nói thêm về việc khởi tố vụ án, cụ Kình cho hay cá nhân ông hiểu đây chỉ là bước đầu tiên của quá trình điều tra vụ việc, sau này công an sẽ xác định có khởi tố bị can hay không. Tuy nhiên, đó là ông và một số ít người trong xã am hiểu về pháp luật, còn đối với người dân Đồng Tâm nói chung đa số họ không hiểu nên khi nghe tin khởi tố vụ án đã rất hoang mang.

Ông Phạm Hồng Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, cho biết qua phương tiện thông tin đại chúng, hầu hết người dân ở đây đã biết việc khởi tố vụ án này. Đây là quy trình của pháp luật để xác minh, làm rõ sự việc. Theo ông Sỹ, trong buổi sáng 14-6, nhiều người dân trong xã, thôn cũng đến UBND xã chia sẻ tâm tư. Tinh thần chung của bà con là chờ kết luận thanh tra của TP về vấn đề đất đai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm