Khối trung ương có 197 ứng viên ĐBQH

Kết thúc Hội nghị hiệp thương bầu cử Quốc hội (QH) khóa XIV đối với khối cơ quan trung ương ngày 14-4, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã giới thiệu chính thức 197 ứng viên ứng cử đại biểu (ĐB) QH khóa XIV. Trong số đó, 196 ứng viên được hội nghị biểu quyết tín nhiệm 100%. Riêng ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, trường hợp được tranh luận nhiều nhất tại hội nghị, đạt 91,9% tín nhiệm.

Đã có 17/19 ủy viên Bộ Chính trị là ứng viên chính thức

Kết quả hiệp thương tại hội nghị lần thứ ba cho thấy các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đều nằm trong danh sách ứng viên chính thức, gồm: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí.

Ngoài bốn ủy viên Bộ Chính trị nêu trên (tổng bí thư, Chủ tịch nước, chủ tịch QH và Thủ tướng Chính phủ), 13 ủy viên Bộ Chính trị khác có mặt trong danh sách này. Nếu sau Hội nghị hiệp thương lần ba tại TP.HCM và Hà Nội, hai ủy viên Bộ Chính trị còn lại là ông Đinh La Thăng (Bí thư Thành ủy TP.HCM) và ông Hoàng Trung Hải (Bí thư Thành ủy TP Hà Nội) nằm trong danh sách ứng viên chính thức thì tất cả 19 ủy viên Bộ Chính trị đều nằm trong danh sách ứng cử ĐB QH khóa XIV.

Trong 17 ứng viên khối Chính phủ, ngoài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ba tân phó thủ tướng là ông Trương Hòa Bình, ông Trịnh Đình Dũng và ông Vương Đình Huệ có mặt trong danh sách chính thức. Cùng đó là 11 tân bộ trưởng gồm: Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Công Thương, Tư pháp, GTVT, Nội vụ, Giáo dục, LĐ-TB&XH, TN&MT, VH-TT&DL và chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Các ĐB đang thảo luận trước khi biểu quyết danh sách chính thức các ứng viên khối các cơ quan trung ương ra ứng cử ĐBQH khóa XIV. Trong ảnh: GS Trần Ngọc Đường đang nêu ý kiến. Ảnh: CTV

Tranh cãi về trường hợp ông Lê Thanh Vân

ông Lê Thanh Vân là trường hợp được tranh cãi nhiều nhất tại hội nghị hiệp thương gút lại danh sách chính thức các ứng viên ở khối trung ương. Ông Vân được QH giới thiệu  nằm trong số 113 ứng cử viên thuộc QH và các cơ quan trực thuộc QH.

Sở dĩ có sự tranh cãi về ông Vân là xuất phát từ việc tháng 3-2014, ông Vân được Ban Bí thư điều động từ Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH về Tỉnh ủy Hải Dương với cơ cấu làm phó bí thư nhiệm kỳ 2010-2015. Tuy vậy, tại đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương tổ chức vào tháng 10-2015, ông Vân được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh này nhưng không trúng cử Ban Thường vụ Tỉnh ủy mặc dù được giới thiệu.

Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng ông Vân không trúng vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, sau đó trung ương lại rút ông Vân về cơ quan cũ, như vậy là ông Vân không hoàn thành nhiệm vụ, không nên ứng cử ĐBQH khóa này.

Bày tỏ ý kiến về trường hợp của ông Vân, ông Hà Văn Núi, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ, nói: Đảng bộ Hải Dương không tín nhiệm ông Vân, nếu trung ương lại đưa vào QH thì hơi phản cảm. “Nếu bầu mà không trúng thì cũng khó cho ông Vân” - ông Núi nói.

Ủng hộ ông Vân ứng cử ĐBQH, GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, bày tỏ: “Tôi không quan niệm những người không trúng ở các đại hội Đảng là không tốt. Kể cả người ở Ban Chấp hành Trung ương được giới thiệu mà không trúng Bộ Chính trị cũng không phải là người không tốt. Không trúng là chuyện bình thường, là rủi ro chính trị. Tôi theo dõi một nhiệm kỳ thấy TS luật học Lê Thanh Vân có năng lực và không có lý do gì để bác bỏ”.

Bớt tiệc tùng chia tay, hiếu hỷ quá mức

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nói: QH khóa XIII vừa rồi làm rất nhanh việc kiện toàn các chức danh nhà nước để có thể bắt tay nhanh vào làm những việc cần thiết. Theo ông Truyền, điều cần thiết là làm sao để rút ngắn khoảng thời gian chuyển giao quyền lực. Tức là rút ngắn khoảng cách tổ chức Đại hội ĐB toàn quốc của Đảng với việc bầu cơ quan dân cử, để tránh việc bầu rồi lại phải bầu mới lại.

Ngoài ra, ông Truyền đề nghị giảm bớt lễ bàn giao, tiệc chia tay, chúc mừng.

Đồng tình, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cũng đề nghị “QH kiện toàn các chức danh xong thì các nhân sự nên bắt tay vào công việc, tránh tối đa việc ăn mừng như một phó giám đốc sở ở Nghệ An gần đây”.

Cần rút ngắn khoảng cách thời gian chuyển giao quyền lực

Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử ĐBQH khóa XIV của các tổ chức, đơn vị ở trung ương, bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ, cho biết: 197 người được giới thiệu ứng cử đều không có các vấn đề bị khiếu nại, tố cáo cần phải xác minh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Tòng Thị Phóng nói: Công tác khiếu nại, tố cáo trong bầu cử đã được tập trung phối hợp giải quyết tốt giữa các cơ quan hữu quan. Công tác kiểm tra, giám sát đã được thực hiện đồng bộ, có tác dụng kịp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm