Không cho đặt tiền bảo lãnh xe là sai

Như chúng tôi đã phản ánh trên số báo ngày 20-7, quy định đặt tiền để bảo lãnh phương tiện vi phạm hành chính đã được quy định rất rõ trong Nghị định 115/2013 và Thông tư 47/2014 của Bộ Công an nhưng khi nhiều người dân đề nghị thực hiện quyền lợi thì bị từ chối.

Ngày 20-7, Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi cùng Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an, để làm rõ vấn đề trên.

Va chạm cũng được bảo lãnh

. Phóng viên: Nhiều người dân, doanh nghiệp phản ánh khi họ đề nghị đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông vi phạm thì không được chấp nhận. Vậy việc thực hiện quy định này có gặp vướng mắc gì, thưa ông?

+ Thiếu tướng Trần Thế Quân (ảnh): Theo Nghị định 115/2013, người vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính.

Thực tế, một số người vi phạm không được giải quyết đặt tiền bảo lãnh thường rơi vào trong một những trường hợp: xe là vật chứng của vụ án; xe đang được đăng ký giao dịch bảo đảm; xe được dùng đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông; cà vẹt bị làm giả, sửa chữa; biển số giả, xe bị thay đổi trái phép số khung, số máy... Đối với các trường hợp này, việc không cho người vi phạm đặt tiền bảo lãnh phương tiện là phù hợp. Ngoài các trường hợp nêu trên, nếu không giải quyết cho người vi phạm giao thông đặt tiền bảo lãnh phương tiện là không đúng pháp luật.

. Trong các vụ va chạm, tai nạn giao thông thì trường hợp nào chủ xe được bảo lãnh phương tiện, trường hợp nào không được?

+ Trong các vụ va chạm, tất cả người vi phạm giao thông đều có quyền được giải quyết bảo lãnh phương tiện nếu có khả năng tài chính.

CSGT xử lý một trường hợp vi phạm. Ảnh: TUYẾN PHAN

Không cần phải hướng dẫn thêm

. Thời gian giải quyết việc cho bảo lãnh từ hai đến năm ngày (nếu là tổ chức phải có cả xác nhận của UBND cấp xã nơi có trụ sở) liệu có quá lâu, trong khi thời gian tạm giữ xe vi phạm giao thông thường chỉ bảy ngày?

+ Theo Thông tư 47/2014, không quá hai ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan có thẩm quyền tạm giữ phải xem xét, quyết định việc giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh thì không quá năm ngày làm việc phải xem xét, quyết định.

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là bảy ngày, kể từ ngày tạm giữ. Nếu vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày. Như vậy, quy định về thời gian giải quyết việc giao phương tiện cho người vi phạm giữ, bảo quản theo Thông tư 47/2014 là phù hợp.

. CSGT một số nơi chưa triển khai quy định này và nói phải chờ hướng dẫn. Vậy đến thời điểm này Nghị định 115/2013 và Thông tư 47/2014 đã đủ căn cứ áp dụng chưa, hay phải có thêm hướng dẫn, thưa ông?

+ Nghị định 115/2013 và Thông tư 47/2014 đã quy định cụ thể, rõ ràng trên cơ sở các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính nên đã đủ cơ sở thực hiện, không cần phải hướng dẫn thêm.

. Xin cám ơn ông.

Sẽ áp dụng

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, Thông tư 47/2014 có hiệu lực từ ngày 7-12-2014, song đến nay nhiều địa phương vẫn chưa áp dụng. Trước các thông tin phản hồi từ Cục CSGT, Bộ Công an và Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, lãnh đạo một số phòng CSGT ở phía Nam cho biết sẽ xem xét, áp dụng quy định này.

Đại tá Dương Thanh Hải, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết lãnh đạo PC67 tỉnh đã quán triệt, tập huấn cho các cán bộ, chiến sĩ CSGT trên địa bàn nắm chắc các quy định liên quan để giải thích đầy đủ, rõ ràng cho người vi phạm. Ngoài ra, CSGT tỉnh Đồng Nai cũng cố gắng tạo thuận tiện nhất cho người dân. Vì vậy, nếu người vi phạm giao thông có đề nghị được bảo lãnh thì sẽ được xem xét, giải quyết theo quy định. “Nhưng thực tế chúng tôi chưa nhận được đề nghị. Có thể thời hạn tạm giữ xe đối với các vi phạm giao thông chỉ bảy ngày là không quá lâu nên người vi phạm không đề nghị bảo lãnh, tự giữ phương tiện vi phạm giao thông” - Đại tá Hải nói.

Đại tá Trần Minh Hữu, Trưởng phòng CSGT tỉnh Bình Dương, cho biết thêm thời gian tạm giữ phương tiện trong các vụ va chạm, tai nạn giao thông thường kéo dài nên nhu cầu đặt tiền bảo lãnh trong trường hợp này mới nhiều. “Hầu hết thẩm quyền giải quyết các vụ tai nạn, trong đó có việc tạm giữ phương tiện thuộc về cơ quan CSĐT nên việc chấp thuận hay không chấp thuận cho người dân bảo lãnh, tự giữ phương tiện không thuộc về CSGT” - Đại tá Hữu giải thích thêm.

M.PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm