“Không có chuyện chúng tôi nhập rác về”

Bộ NN&PTNT đã có ý kiến về việc xin nhập tàu cá cũ của Công ty Đức Khải và Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy hải sản Trí Việt. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) này không đủ điều kiện để được vay vốn ưu đãi theo quy định tại Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản. Vừa trở về từ chuyến đi mua tàu cá ở Hàn Quốc, ông Phạm Ngọc Lâm (ảnh), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đức Khải, cho biết công ty đã ngừng việc mua tàu.

“Có nhiều tàu cũ chất lượng tốt”

. Phóng viên: Ông có bất ngờ khi Bộ NN&PTNT không chấp thuận đề xuất của Công ty Đức Khải? Vì sao chưa biết được tờ trình của mình có được chấp nhận hay không mà ông đã đi mua tàu?

+ Ông Phạm Ngọc Lâm: Khi quyết định đầu tư vào một lĩnh vực nào đó, chúng tôi phải thấy được lợi ích từ nhiều bên, trong đó có DN thì mới làm. Muốn không theo lối cũ thì phải đột phá; muốn đột phá được thì phải xin cơ chế. Còn ở góc độ quản lý nhà nước vĩ mô, chắc Bộ NN&PTNT cũng đã cân nhắc kỹ… Bộ làm như vậy là đúng và chúng tôi cũng vui vẻ chấp nhận.

. Dư luận cho rằng việc mua đội tàu cá đã sử dụng từ năm 1985 chẳng khác nào “nhập rác” về Việt Nam?

+ Thật ra là trong tờ trình gửi Chính phủ, tôi có đề nghị là xin cơ chế thí điểm mua tàu cá cũ có thời gian sử dụng từ năm 1985 trở về sau này, nghĩa là cũng có những tàu được đóng từ năm 2000, 2005… chứ hoàn toàn không có nghĩa là mua tàu đã qua sử dụng 30 năm. Có thể do câu chữ đã gây hiểu nhầm. Dư luận có quyền băn khoăn về chất lượng của đội tàu, tuy nhiên muốn nhập được tàu về cũng phải qua ý kiến thẩm định của cơ quan chức năng, được kiểm soát rất chặt chẽ bởi các cơ quan thẩm định chất lượng. Vì vậy, không có chuyện chúng tôi nhập rác về Việt Nam.

Con tàu có trọng lượng gần 1.800 tấn mà Đức Khải đã đặt cọc để chuẩn bị nhập về Việt Nam. (Ảnh chụp lại từ ảnh do ông Phạm Ngọc Lâm cung cấp). Ảnh: V.Hoa

. Nhiều ý kiến cho rằng ông đang lợi dụng chính sách cho vay lãi suất ưu đãi từ Nghị định 67/2014. Ông có ý kiến gì về điều này?

+ Trong tình hình kinh tế khó khăn, ngoài việc mở rộng kinh doanh tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, chúng tôi cũng muốn đóng góp một phần trong chủ trương kêu gọi phát triển kinh tế biển của Chính phủ. Xin khẳng định cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa hề vay của Nhà nước đồng nào cũng chưa làm bất cứ thủ tục gì với các tổ chức tín dụng nào để vay tiền với lãi suất ưu đãi theo Nghị định 67. Về việc mua tàu, nếu được vay thì tôi mua nhiều, không được vay thì mua ít hơn. Tuy nhiên, vấn đề là hiện nay quy định chỉ cho phép nhập tàu không quá tám tuổi.

Trên thực tế, nhiều tàu cũ nhưng hoạt động cũng còn rất tốt mà giá cả vừa phải. Tôi được báo giá một chiếc tàu hậu cần nghề cá đóng mới hiện nay ở Việt Nam khoảng 96 tỉ đồng và mất chín tháng để hoàn thiện. Trong khi đó, nếu mua cũ chúng tôi chỉ tốn khoảng 1/5 giá đóng mới nhưng vẫn đảm bảo chức năng và công cụ cần thiết. Quá trình tìm hiểu nhiều đời tàu cũ các nước ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, tôi thấy chất lượng rất tốt. Tuy nhiên, DN rất khó thuyết phục vì không ai tin.

Đến thời điểm này phải dừng lại

. Nghe nói ông đã đặt cọc cho một đối tác Hàn Quốc một tàu có tổng giá trị khoảng 35 tỉ đồng. Ông có thấy mình nóng vội?

+ Cũng không có gì là nóng vội cả. Vì đây là một đề án mà cá nhân tôi rất tâm huyết. Con tàu mà tôi định nhập về được sản xuất từ năm 1999, đây là con tàu đa chức năng, vừa huấn luyện đánh bắt cá, câu cá ngừ đại dương, đánh lưới vây với trọng tải gần 1.800 tấn theo tiêu chuẩn quốc tế. Nếu đóng mới loại tàu này ở nước ngoài là 22 triệu USD và ở nước ta là khoảng 205 tỉ đồng. Đây là con số không hề nhỏ.

. Trước khi ra được đề án trình Chính phủ, ông đã tìm hiểu ý nguyện của ngư dân chưa?

+ Tôi đã làm việc và lắng nghe rất nhiều ý kiến, tâm tư của ngư dân, ai cũng hoan nghênh. Trong quy trình tổ chức hoạt động, ngư dân là đối tác liên kết với chúng tôi để cùng đánh bắt, khai thác. Chúng tôi sẽ bao tiêu luôn đầu ra của hải sản nếu bà con có nhu cầu.

Quá trình tìm hiểu, tôi nhận ra những hạn chế của đánh bắt nhỏ lẻ: Thứ nhất, ngư dân ra khơi phải có ba vấn đề xảy ra: lương thực, dầu và nước ngọt. Thứ hai là khi thu hoạch được sản phẩm đưa ra bán thì phải qua "đầu nậu" giá sẽ bị "đầu nậu" kiểm soát. Thứ ba là ngư cụ và phương tiện của ngư dân hiện nay rất hạn chế. Từ những nghiên cứu này, tôi phải đi tìm giải pháp khắc phục bằng cách tổ chức đội đánh bắt và hậu cần phục vụ tại chỗ cho ngư dân. Để chuẩn bị cho việc này, tôi cũng đã thành lập công ty đánh bắt xa bờ và đã tuyển cả giám đốc và nhân sự rồi. Ngoài ra, cũng có kế hoạch tiêu thụ hải sản đi đâu, giá bán ra sao, thu nhập của ngư dân thế nào. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì phải dừng lại thôi. Dù không được chấp nhận nhưng đây cũng là cơ hội để tôi rút ra nhiều kinh nghiệm nếu tiếp tục theo đuổi ý tưởng này.

. Xin cảm ơn ông.

VIỆT HOA thực hiện

Điều kiện đối với tàu cá nhập khẩu

Có nguồn gốc hợp pháp.

Là tàu vỏ thép, tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.

Tuổi của tàu không quá tám tuổi (tính từ năm đóng mới đến thời điểm nhập khẩu); máy chính của tàu tính từ năm sản xuất đến thời điểm nhập khẩu không quá hai năm so với tuổi tàu (đối với tàu cá đã qua sử dụng).

Được cơ quan đăng kiểm tàu cá Việt Nam đăng kiểm trước khi đưa tàu về Việt Nam (đối với tàu cá đã qua sử dụng).

(Theo Điều 4 Nghị định 52/2010 của Chính phủ
về nhập khẩu tàu cá)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm