Không có lỗi, bảo hiểm cũng phải bồi thường

Ngày 27-12, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã y án sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai, buộc Công ty Bảo hiểm X. phải bồi thường cho Công ty Bảo vệ Y. 97 triệu đồng...

Bảo vệ làm mất xe

Theo hồ sơ, tháng 3-2009, Công ty Bảo vệ Y. ký hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (những trách nhiệm phát sinh mà công ty bảo vệ phải bồi thường cho khách hàng của mình do những lỗi, sơ suất về chuyên môn) với Công ty Bảo hiểm X. Một thời gian sau, Công ty Y. để trộm vào lấy mất chiếc xe SH của một khách hàng và phải bồi thường hơn 97 triệu đồng. Sau đó căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm, Công ty Y. yêu cầu Công ty X. phải hoàn lại cho mình số tiền trên.

Phía công ty bảo hiểm từ chối với lý do sự cố trên không thuộc phạm vi bảo hiểm, việc mất xe là do lỗi của công ty bảo vệ. Bởi công ty bảo vệ giữ xe của khách nhưng không giao thẻ; khi mất xe, nhân viên bảo vệ không có mặt tại hiện trường... Theo hợp đồng, công ty bảo hiểm chỉ phải bồi thường nếu công ty bảo vệ có giao thẻ xe cho khách hàng.

Không đồng ý với cách lập luận trên, tháng 8-2010, Công ty Bảo vệ Y. khởi kiện ra TAND tỉnh Đồng Nai đòi được bồi thường.

Không có lỗi, bảo hiểm cũng phải bồi thường ảnh 1

Bảo hiểm phải bồi thường

Xử sơ thẩm tháng 7-2011, TAND tỉnh Đồng Nai nhận định công ty bảo vệ giữ xe nhưng không giao thẻ dẫn đến mất xe là có lỗi. Tuy nhiên, đây là lỗi chủ quan, sơ suất trong khi thực hiện nhiệm vụ chứ không phải cố ý để chiếm đoạt xe trái pháp luật. Vì thế cơ quan điều tra đã không khởi tố hai nhân viên bảo vệ - người có trách nhiệm trông giữ chiếc xe trên. Việc không giao thẻ cho khách diễn ra từ trước đến khi xảy ra sự cố do hai bên quá quen biết nhau. Thế nên công ty bảo hiểm viện lý do việc giữ xe không có thẻ để từ chối trả bảo hiểm là không phù hợp. Sau khi bị mất xe, công ty bảo vệ đã báo cơ quan công an, báo với công ty bảo hiểm là đúng quy trình, đúng quy định. Hợp đồng bảo hiểm vẫn còn hiệu lực nên công ty bảo hiểm phải thanh toán số tiền như công ty bảo vệ yêu cầu.

Xử phúc thẩm hôm qua, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đồng tình với bản án sơ thẩm. HĐXX cho rằng bị đơn kháng cáo đề nghị tòa loại trừ trách nhiệm bồi thường của phía bị đơn là không có cơ sở. Án sơ thẩm xác định việc mất xe là có thật. Mặt khác, theo hợp đồng bảo hiểm giữa hai bên đã ký thì thiệt hại phát sinh dù người được bảo hiểm có lỗi cố ý hay vô ý cũng được bồi thường. Như vậy yêu cầu đòi bồi thường của công ty bảo vệ là có căn cứ. Mức bồi thường tính theo giá trị xe tại thời điểm mất xe cũng là hợp lý. Do vậy, tòa bác toàn bộ kháng cáo của công ty bảo hiểm, y án sơ thẩm.

Việc gửi, giữ có thể thỏa thuận miệng

Theo quy định của pháp luật dân sự, hợp đồng gửi, giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Hợp đồng gửi, giữ tài sản có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản... Với vụ án trên, công ty bảo vệ không sai khi giữ xe mà không có thẻ vì hai bên quen biết, việc gửi, giữ được thỏa thuận miệng. Khi xe bị mất, công ty bảo vệ đã bồi thường cho khách. Như vậy, căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm mà hai bên ký kết như tòa đã đề cập, công ty bảo vệ phải được công ty bảo hiểm bồi thường.

Luật sư NGUYỄN MINH THUẬN, Đoàn Luật sư TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm