Không dễ phạt người đội MBH không đạt chuẩn

Như tin đã đưa, liên bộ KHCN, Công Thương, Công an và GTVT đã ký Thông tư liên tịch 06/2013 quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi xe máy. Theo đó, từ giữa tháng 4, những người đi xe máy, xe máy điện, xe đạp điện đội MBH không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng, tương đương với hành vi không đội MBH.

Cần làm rõ các trường hợp xử phạt

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, qua năm năm bắt buộc đội MBH, đến nay có khoảng 90% người đi xe máy chấp hành. Nhưng chỉ có 20% người đội MBH đúng quy chuẩn kỹ thuật, còn lại 70% sử dụng mũ không đảm bảo chất lượng.

“Tôi hiểu các bộ đưa ra quy định này là có ý tốt, nhằm giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người dân khi đi đường. Nhưng giữa rừng hàng nhái, hàng giả như hiện nay, làm sao người dân phân biệt được đâu là MBH chính hiệu, đâu là đồ dỏm? Tôi cho rằng phải phạt các cơ sở sản xuất mũ kém chất lượng mới hợp lý. Tại sao công tác quản lý kém, để hàng giả, hàng nhái tràn ngập thị trường rồi bắt người dân ra phạt?” - bà Nguyễn Thị Nga, quận Thủ Đức, TP.HCM bày tỏ.

Không dễ phạt người đội MBH không đạt chuẩn ảnh 1

Giữa một “rừng” MBH, không phải người tiêu dùng nào cũng đủ sức phân biệt thật - giả. Ảnh: MH

Luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng nêu quan điểm: Có nhiều loại mũ chỉ nhìn sơ là nhận ra ngay có đạt chất lượng hay không (như một số loại mũ “thời trang” đang bày bán tràn lan với giá rẻ). Phạt người sử dụng trong trường hợp này là đúng. Nhưng thực tế với hàng loạt chủng loại, nhãn hiệu MBH và nạn hàng nhái, hàng giả đang phổ biến, phần đông người tiêu dùng chưa đủ sức phân biệt chân - giả. “Người dân mua nhầm đồ giả, đội vào đã là nạn nhân của câu chuyện yếu kém trong quản lý. Phạt là đẩy cái khó cho họ” - luật sư Hải bày tỏ.

Theo ông Hải, người sản xuất, nhập khẩu và người bán sẽ biết hàng mình sản xuất, buôn bán là thật hay dỏm. Luật cũng quy định họ có nghĩa vụ phải biết. “Các cơ quan quản lý phải “nắm” đằng gốc là đơn vị sản xuất, kinh doanh hơn là đi phạt người sử dụng” - ông Hải nói.

CSGT cũng sẽ rối

Thông tư 06/2013 nêu rõ, những mũ có kiểu dáng y hệt MBH nhưng không đáp ứng các tiêu chuẩn quy định, không được dán tem CR (tem hợp quy)… không được coi là MBH. Nhưng theo đội trưởng một đội CSGT ở TP.HCM, “trong mớ hỗn độn MBH như hiện nay, làm sao có thể khẳng định đó có phải là MBH hay không để mà phạt?”.

Đáng chú ý, trong các nghị định 34/2010; 71/2012 và cả dự thảo nghị định thay thế hai nghị định trên (xem thêm trênPháp Luật TP.HCM ngày 5-3) hoàn toàn không có điều khoản cho phép phạt người đội MBH không đúng quy chuẩn.

Luật sư Hải cho rằng ngay cả trường hợp CSGT được quyền phạt người đi xe máy đội MBH không hợp chuẩn thì việc thực hiện cũng không đơn giản. Thực tế có nhiều loại mũ có thể dễ dàng phân biệt thật - nhái và phạt được. Tuy vậy, có nhiều loại mũ làm giả giống y hệt hàng thật nhưng không có tác dụng “giảm chấn thương” như quy định, nếu muốn phân biệt thì phải kiểm định.

“Để làm được việc này rất nhiêu khê. Ít nhất CSGT phải nhờ trưởng công an cấp phường hoặc chủ tịch UBND cùng cấp tạm giữ “tang vật” (quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính - NV) để xử lý theo quy trình” - luật sư Hải nói.

Dấu hiệu nhận biết MBH đạt chuẩn

Đại diện Bộ KHCN cho hay MBH phải gồm đủ vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ và quai đeo. Ngoài ra, mũ phải có tác dụng giảm chấn thương vùng đầu cho người đội khi xảy ra TNGT. Những loại mũ không thỏa mãn những yêu cầu trên thì không phải là MBH.

Để nhận biết MBH xịn, có thể bằng kinh nghiệm dựa vào độ chắc chắn của dây đeo, lớp lót và độ cứng của lớp mút cũng như cả cái mũ; đồng thời qua tem của doanh nghiệp sản xuất, tem chống hàng giả. Ngoài ra, theo QCVN 2:2008/BKHCN, MBH phải có tem hợp quy trên vỏ mũ (tem CR). Nhà sản xuất, nhập khẩu chỉ được cấp tem CR khi mẫu MBH thử nghiệm đạt chuẩn (chịu va đập, giảm chấn thương vùng đầu…) và quy trình sản xuất (cơ sở hạ tầng, lao động, quá trình sản xuất, kiểm tra sản phẩm, mua bán hàng…) đáp ứng quy định. Nhưng khó khăn cho người dân là nhiều mũ dán tem CR hẳn hoi nhưng chưa chắc đó là tem thật.

Q.NHƯ

Tuyên truyền cho người dân cách phân biệt

Từ ngày 15-3 đến 15-4, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ mở đợt tuyên truyền về MBH. Trong đó tập trung truyền thông để người dân phân biệt được đâu là MBH đạt chuẩn và không đạt chuẩn. Tiếp đó, từ ngày 15-4, các cơ quan chức năng trên cả nước đồng loạt ra quân và xử phạt hành vi đội MBH giả.

Ông NGUYỄN HOÀNG HIỆP,Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia (tại cuộc gặp với Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương)

Phát hiện MBH kém chất lượng, hãy báo ngay

Chính phủ sẽ có chỉ thị về công tác tuyên truyền cho quy định mới về MBH. Tinh thần là khuyến khích người dân lựa chọn các sản phẩm có đầy đủ tem, nhãn mác của nhà sản xuất. Còn trách nhiệm xác minh chất lượng MBH là của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Người tiêu dùng nếu nghi ngờ sản phẩm chất lượng kém có thể mang ngay đến cơ quan quản lý thị trường và cung cấp địa điểm mua hàng để cơ quan chức năng xử lý.

Ông TRẦN HÙNG,Cục phó Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương

Phạt người dân chỉ là bước cuối cùng

Thông tư liên tịch 06/2013 quy định xử phạt người ngồi trên xe máy đội mũ không phải là MBH. Tuy nhiên, đó chỉ là bước cuối cùng để giúp người dân nâng cao ý thức. Còn mục đích chính là nhắm tới việc xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh MBH không đạt chuẩn.

Một cán bộ Bộ Công an tham gia thẩm định dự thảo Thông tư liên tịch 06/2013

Nhắm tới đơn vị sản xuất, kinh doanh

Mục đích chính của việc ban hành Thông tư 06/2013 là để xử lý nghiêm việc sản xuất, buôn bán, nhập lậu MBH kém chất lượng vốn đang phổ biến. Thông tư đề cập hết sức chi tiết các tiêu chuẩn về MBH. Chỉ cần nhìn bằng mắt thường, người tiêu dùng, cơ quan thanh tra cũng có thể phân biệt được ngay, không cần phải mang ra máy thử.

Như thế, nhà sản xuất phải biết các tiêu chuẩn để sản xuất ra các sản phẩm đủ chất lượng. Nếu không, anh sẽ bị xử lý. Người kinh doanh cũng phải biết các tiêu chuẩn đó để tránh bị phạt do buôn bán các sản phẩm không đúng tiêu chuẩn. Về phía người tiêu dùng, để đảm bảo an toàn cho bản thân thì chỉ nên mua những chiếc MBH hợp chuẩn.

Ông TRẦN VĂN VINH,Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN)

T.PHƯƠNG - T.VĂNghi

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm