Không thể cấm quan chức sở hữu tài sản ở nước ngoài

Tiếp tục trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về các hướng tháo gỡ những vướng mắc trong việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay, bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia quản trị Nhà nước của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng: Vấn đề không phải là cứ áp dụng biện pháp mới mà xem các biện pháp hiện tại đã được thực hiện hết chưa. Tới khi đã sử dụng hết các biện pháp hiện có rồi mà vẫn không hiệu quả thì lúc đó mới áp dụng biện pháp mới. “Cũng như thuốc uống mới ba ngày, chưa hết liều đã dùng thuốc mới sẽ dẫn đến tình trạng loạn thuốc chứ không xử lý được bệnh” - bà Hương nói.

Đừng xử lý vấn đề trên ngọn

. Phóng viên: Để khắc phục tình trạng tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài, có ý kiến đề xuất cần cấm cán bộ từ cấp vụ trở lên gửi tiền và tài sản ra nước ngoài hoặc sở hữu tài sản ở nước ngoài. Theo bà, đề xuất này có hợp lý và liệu có đụng chạm đến các quyền tự do của công dân?

+ Theo tôi, biện pháp này như xử lý vấn đề trên ngọn, cũng như ngứa thì gãi và càng gãi càng ngứa chứ không giải quyết được nguyên nhân sâu xa của việc ngứa đấy. Mỗi cán bộ, công chức, đảng viên ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật, thực hiện các trách nhiệm gắn với nhiệm vụ công vụ của mình nhưng họ cũng còn có quyền của một công dân. Trong đó họ có quyền sở hữu tài sản ở nước ngoài theo quy định của Việt Nam và nước sở tại, miễn là tài sản đó hợp pháp. Nếu cấm như vậy sẽ động chạm đến quyền cá nhân của họ. Vì vậy vấn đề ở đây là tài sản đó có hợp pháp hay không, nếu chưa xác định rõ mà cấm thì vi phạm quyền công dân mà mỗi cán bộ, công chức, đảng viên được hưởng.

. Một điểm khó nhất trong thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay là các cơ quan phải chứng minh tài sản của người phạm tội có yếu tố vụ lợi. Để gỡ vướng việc này, một bạn đọc củaPháp Luật TP.HCM hiến kế giải pháp buộc chính người phạm tội tham nhũng phải chứng minh tài sản của mình là hợp pháp, nếu không chứng minh được thì bị tịch thu?

+ Theo quy định của Việt Nam hiện nay thì các cơ quan pháp luật phải có trách nhiệm chứng minh và có bằng chứng khẳng định tài sản đó là phi pháp nên không thể buộc người vi phạm phải tự chứng minh mình không vi phạm như vậy. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia họ có nhiều biện pháp đi kèm chứ không chỉ đơn giản là vấn đề chứng minh nguồn gốc tài sản. Bởi tài sản tham nhũng có thể đứng tên người thân, họ hàng… Vì vậy phải kết hợp với nhiều biện pháp khác như kiểm tra về lối sống, chi tiêu của quan chức này, xem xét lại các giao dịch về tài chính, ngân hàng…

Thực hiện triệt để mới hiệu quả

. Theo bà, có nên mở rộng diện thu hồi tài sản đối với những người thân và những người có liên quan đến quan chức tham nhũng để thu hồi tài sản tham nhũng được triệt để hơn?

+ Đã là tài sản tham nhũng thì Nhà nước có quyền tịch thu. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở việc kiểm soát được tài sản, thu nhập của quan chức. Nhưng hiện nay tài sản và thu nhập của cán bộ, công chức không kiểm soát được là do số lượng bản kê khai tài sản quá nhiều. Mỗi năm có hơn 600.000 bản kê khai của cán bộ, công chức trong diện kê khai tài sản. Vậy thử tính trong năm năm, số bản kê khai tài sản lên đến ba triệu thì việc xác minh hàng triệu bản kê khai như vậy có chính xác hay không, kiểm soát bản kê khai đó đúng thời hạn, đúng quy định hay không… là thách thức quá lớn. Bây giờ mở rộng ra nữa mà không nhìn ra các vấn đề trong hệ thống kê khai tài sản thu nhập hiện tại thì tôi không chắc việc mở rộng sẽ giải quyết được vấn đề.

Tuy nhiên, tôi thống nhất với quan điểm không chỉ tập trung vào đối tượng cán bộ, công chức tham nhũng mà phải mở rộng ra cả đối tượng người thân của quan chức. Ngoài ra việc kê khai tài sản đó phải được kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra một cách ngẫu nhiên, dựa theo những đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro tham nhũng cao.

. Gần đây trong các góp ý sửa đổi Bộ luật Hình sự, nhiều ý kiến đề xuất nên hình sự hóa tội làm giàu bất chính để hỗ trợ cho công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tốt hơn?

+ Theo tôi, cần phải xem việc hình sự hóa đó có nằm trong một kế hoạch tổng thể về PCTN hay không. Và việc làm giàu bất chính đó phải được gắn chặt với các hệ thống cho phép các cơ quan chức năng có thể có thông tin, bằng chứng để phát hiện ra những trường hợp tham nhũng từ làm giàu bất chính; hoặc đưa ra được những bằng chứng, chứng cứ để phục vụ cho công tác điều tra.

Nghiên cứu của WB nằm trong sáng kiến thu hồi tài sản bị đánh cắp cho thấy có trên 40 quốc gia trên thế giới đã hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính. Tuy nhiên, có rất ít các số liệu mang tính thống kê chứng minh, khi các quốc gia đã hình sự hóa hành vi này rồi thì thu hồi tài sản được nhiều hơn và họ cũng rất ít truy tố, điều tra về loại tội danh này.

. Thực trạng tham nhũng tại Việt Nam đã rõ, các quy định về PCTN của Việt Nam cũng khá nhiều, các giải pháp cũng được đề cập, kinh nghiệm hay của các nước cũng được đưa ra, vấn đề còn lại là Việt Nam cần thực hiện như thế nào cho hiệu quả?

+ Theo tôi, vấn đề đặt ra trong công tác PCTN hiện nay là thực hiện các quy định pháp luật hiện hành nghiêm túc, triệt để và có những đánh giá định kỳ, thường xuyên. Thực thi pháp luật nghiêm túc, tăng cường công khai, minh bạch, tập trung vào một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng và quan trọng hơn, các cơ quan PCTN phải có nguồn lực, có sự độc lập tương đối trong đấu tranh PCTN… thì mới có thể khắc phục được những khó khăn trong công tác PCTN hiện nay, trong đó có vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng.

. Xin cảm ơn bà.

NGUYỆT HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm