Không thể thu phí bảo trì đường bộ rồi tính… sau!

Phó Giáo sư-Tiến sĩ PHẠM XUÂN MAI, Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông thuộc Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, phát biểu.

Tiến sĩ Phạm Xuân Mai (ảnh) nói: “Người dân đã đóng đủ các loại phí, thuế… và nhà nước cần cân đối giữa các nguồn chi, quỹ phúc lợi… Nếu nhỡ sau này khi đã thu phí bảo trì, Bộ GTVT lại nói vẫn thiếu rồi tăng mức thu hoặc “đẻ” ra một loại phí mới nữa sao? Điều này không ổn. Không thể chấp nhận được tình trạng năm nay thiếu cái này thì “đẻ” ra một loại phí, sang năm thiếu cái kia, tiếp tục sinh ra một loại mới…”.

Thu phí với xe máy: Vô lý!

Không thể thu phí bảo trì đường bộ rồi tính… sau! ảnh 1
“Tôi cho rằng cần phải xem lại đề nghị thu phí với xe máy. Tôi đồng tình là đường sá hư hỏng, xuống cấp thì phải bảo trì nhưng phải xác định nguyên nhân và đối tượng gây hư hỏng.

Tổng trọng tải của các loại xe máy không là gì so với sức chịu tải của hệ thống cầu, đường, hầu như không gây tác động gì đối với chúng. Cho nên nếu cho rằng xe máy gây hư hỏng cầu, đường để bắt đóng phí là vô lý và càng vô lý hơn khi không gây ra hư hỏng mà bắt đóng phí duy tu, sửa chữa.

Nếu bắt xe máy đóng phí là vô lý về mặt kỹ thuật. Lẽ ra phân chia theo tải trọng, xe quá tải, xe chở container có mức độ “đóng góp” cho hư hỏng cầu, đường để đưa ra mức thu phù hợp. Về mặt kỹ thuật, xe nào tác động nhiều phải đóng nhiều. Theo đó thì mức phí do xe máy đóng hầu như không đáng kể chứ nếu bổ đồng sẽ không tạo đồng thuận...

Xe máy hầu như không gây ra hư hỏng với cầu, đường, mà ngược lại hệ thống đường sá do ngành GTVT xây dựng hiện ngổn ngang ổ gà, ổ voi… và gây hư hỏng cho xe máy, thậm chí dẫn đến tai nạn chết người. Người dân chưa kiện mà còn bắt họ đóng phí thì quả là quá vô lý! Bộ GTVT hãy làm cho cầu, đường tốt lên để không gây hư hỏng khi xe của người dân đi qua, không gây ra tai nạn rồi mới tính đến chuyện thu phí bảo trì. Nếu đường không đủ tiêu chuẩn thì không nên thu”.

Thiếu giải pháp đi kèm

Hiện người dân đang kêu ca về sự bất cập, tiêu cực (đặt không đúng chỗ, thu không đúng kiểu...) ở các trạm thu phí thì nhà nước phải giải quyết. Không thể hứa là “đóng tiền đi rồi sẽ bỏ trạm thu phí”. Nói như vậy là lấp liếm. Thực chất sự tồn tại của trạm thu phí có mục đích hoàn toàn khác với việc thu phí bảo trì.

Không thể thu phí bảo trì đường bộ rồi tính… sau! ảnh 2

Hiện hệ thống cầu, đường không đảm bảo tiêu chuẩn, gây hư hỏng ngược cho các phương tiện lưu thông. Ảnh: MP

Và nếu thật sự có thể “dẹp” các trạm thu phí ở những dự án BOT thì làm sao có thể xây cầu, làm đường theo phương thức BOT từ nguồn vốn tư nhân? Khi đề xuất việc thu phí, lẽ ra Bộ GTVT cần xây dựng những giải pháp cụ thể đi kèm chứ không thể thu phí rồi tính… sau!

Ngoài ra, việc thu phí bảo trì như đề xuất sẽ làm tăng giá xăng dầu, đẩy giá thành vận chuyển lên cao (do nhiên liệu chiếm tỉ lệ khá cao trong cơ cấu giá thành vận chuyển) tác động dây chuyền đến mặt bằng giá cả và ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Với mức độ ảnh hưởng trên diện rộng đòi hỏi phải có sự đánh giá đến những tác động về mặt tiêu cực khi triển khai thu phí bảo trì. Thậm chí phải tính toán, công bố khi thực hiện thì mặt bằng giá sẽ thay đổi ra sao để cân nhắc, ví dụ sự tác động đến mặt bằng giá cả chung, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Nếu không có giải pháp đồng bộ nhằm tránh gây ra xáo trộn thì không những người dân phải đóng tiền mà còn phải mua hàng đắt nữa. Nếu không tính toán, không nên làm!

Nhiều nước trên thế giới đã thu phí bảo trì đường bộ nhưng ở đó người dân có nhiều lựa chọn: Không đi xe máy, xe cá nhân thì chọn xe buýt, metro… Nhưng ở ta, người dân chưa được tạo điều kiện như thế. Tôi không đi xe máy thì đi xe gì? Hiện xe buýt thì không phù hợp, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Phí với thuế đã quá nhiều

Các khoản phí, thuế mà xe ôtô và xe máy phải chịu là thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt, nhập khẩu và các loại phí, lệ phí (lệ phí trước bạ, phí đăng kiểm, cầu, đường, xăng dầu)...

Tăng gánh nặng cho dân

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 750 USD/người/năm, giá xăng khoảng 17.000 đồng/lít, chiếm 0,001% so với thu nhập. Ở Pháp, thu nhập bình quân là 42.000 USD/người/năm, giá xăng là 1,76 USD, chiếm 0,00004% so với thu nhập!

Giá xăng ở ta so với thu nhập bình quân cao hơn 25 lần của Pháp. Nếu “sinh” thêm khoản phí vào giá xăng sẽ làm tăng gánh nặng cho người dân.

MINH PHONG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm